QĐND - Mặc dù Hiến chương ASEAN quy định, trong hoạt động đối ngoại, ASEAN sẽ phối hợp và phấn đấu có lập trường chung và tiến hành các hoạt động chung, nhưng ASEAN không có kế hoạch hướng tới một tổ chức có chính sách đối ngoại chung, và cũng không dự định có chính sách quốc phòng chung.

ASEAN tôn trọng quyền tự quyết của mỗi nước thành viên trong việc thực thi các chính sách đối ngoại và quốc phòng riêng. Kế hoạch hành động xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN nêu rõ, "Cộng đồng An ninh ASEAN nỗ lực phát huy hợp tác chính trị, an ninh trong phạm vi ASEAN hòa hợp với mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2020 chứ không phải là bất cứ hiệp ước quốc phòng, liên minh chính trị hay chính sách đối ngoại chung nào khác”.

Cách tiếp cận này xuất phát từ sự đa dạng của các nước thành viên ASEAN về mọi mặt, khiến các quốc gia có những lợi ích và các quan hệ đối ngoại truyền thống khác nhau, quan niệm của các quốc gia về các thách thức và đe dọa đối với an ninh quốc gia và khu vực do vậy cũng khác nhau.

Tuy không có chính sách đối ngoại và quốc phòng chung, nhưng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ASEAN phải tăng cường hợp tác và điều phối để giảm thiểu sự khác biệt trong chính sách của các nước thành viên và cố gắng có được lập trường chung. Điều này này đã được chứng minh qua phản ứng chung của ASEAN trước các vấn đề khu vực và quốc tế như vấn đề hòa bình ở Trung Đông, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay an ninh năng lượng. ASEAN cũng đã lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng nhằm gia tăng hợp tác và xây dựng lòng tin giữa Bộ Quốc phòng của các nước thành viên ASEAN, giúp giảm dần các khác biệt và tăng cường phối hợp giữa các Bộ Quốc phòng nhằm bảo đảm và duy trì hòa bình, ổn định lâu dài ở khu vực.

Ngoài ra, theo nguyên Phó giám đốc và Phụ trách nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Xin-ga-po A-mi-tap A-cha-ri-a (Amitav Acharya), trong suốt quá trình hình thành và phát triển, ASEAN cũng không có ý tưởng trở thành một liên minh quân sự. Trước hết là bởi để trở thành một liên minh quân sự, các nước thành viên cần có nhận thức chung về thách thức từ bên ngoài ASEAN. Tuy nhiên, ASEAN lại không có chung nhận thức đó. ASEAN lập cộng đồng an ninh là để cùng đối phó với các thách thức an ninh từ bên trong khu vực trên cơ sở quan niệm về an ninh toàn diện của ASEAN.

Hơn nữa, việc lập một liên minh quân sự sẽ ám chỉ nhằm đối phó hoặc thách thức một quốc gia nào đó ngoài ASEAN, sẽ trái với phương cách truyền thống và triết lý phát triển của ASEAN, đó là một tổ chức khu vực mở, không liên minh đe dọa ai.

ANH VŨ