Người Trung Quốc khi đón Tết có một số phong tục như: Dọn dẹp nhà cửa, dán câu đối đỏ trước cửa nhà, đêm Giao thừa sum vầy bên gia đình, đi thăm chúc Tết người thân, mừng tuổi, dành thời gian tụ tập, gặp mặt người thân và bạn bè sau một năm bận rộn. Đặc biệt, người Trung Quốc sẽ ăn các món làm từ cá. Trong tiếng Trung, từ cá có cách đọc đồng âm với từ có nghĩa “dư”, nên người Trung Quốc ăn cá đầu năm để mong cả năm luôn sung túc, dư dả...
Tết ở Trung Quốc rất thú vị
Là người đang cùng gia đình sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, nhưng chị Trần Thị Tâm, 34 tuổi, giảng viên Khoa tiếng Trung, trường Đại Học Duy Tân, Đà Nẵng lại nhiều lần đón Tết ở Trung Quốc. Được biết, khi còn học thạc sĩ ở Đại học Vân Nam, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thì chị chỉ biết đến không khí Tết nhưng chưa được đón Tết ở Trung Quốc.
 |
Chị Trần Thị Tâm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Mãi cho đến năm 2018, khi chị kết hôn với chồng người tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thì mới thực sự đón không khí Tết bên đó như thế nào. “Tết năm nào thu xếp được là gia đình mình cũng sang Trung Quốc, cùng gia đình nhà chồng đón Tết. Cả nhà sẽ sắp xếp sang Trung Quốc trước ngày 23 tháng Chạp để dọn dẹp, mua sắm trang hoàng nhà cửa”, chị Tâm chia sẻ.
Chị Tâm rất ấn tượng với Tết Trung Quốc, đặc biệt là khi đón Tết ở Sơn Đông, một tỉnh ở miền Bắc Trung Quốc. Chị Tâm cho biết: “Tết ở Trung Quốc, đặc biệt ở là các vùng quê rất thú vị. Không khí chuẩn bị đón Tết nhộn nhịp từ ngày 23 tháng Chạp. Ở Trung Quốc, ngày 23-12 Âm lịch còn được gọi là Tết "Tiểu niên". Đến ngày này, người Trung Quốc coi như đã hết một năm; những ngày còn lại là thời gian chuẩn bị dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón năm mới. Gia đình nào cũng tất bật, sơn sửa lại nhà cửa, viết câu đối đỏ dán ở cửa...”.
Với người Trung Quốc, Tết “Tiểu niên” là một dịp lễ đặc biệt. “Vào ngày Tết "Tiểu niên" người Trung Quốc sẽ ăn bánh tổ – một loại bánh đặc trưng vào dịp Tết được làm bằng bột gạo nếp, rất dẻo và ngon. Bánh này trong tiếng Trung Quốc có ngụ ý năm mới hy vọng mọi điều, mọi việc đều được thăng tiến”, chị Tâm cho biết thêm.
Chị Tâm khi mới đón Tết ở Trung Quốc cảm thấy có sự khác biệt so với ở Đà Nẵng. Chị không thấy họ cúng Giao thừa. Mà thay vào đó “đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cả nhà sẽ quây quần bên nhau cùng ăn sủi cảo; cùng xem chương trình Gala chào xuân của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV)”, chị Tâm nhớ lại.
Chia sẻ về những phong tục trong ngày Tết của gia đình bên chồng, chị Tâm cho biết: “Sáng Mồng 1 Tết, các con trai nếu ở riêng sẽ về chúc Tết bố mẹ, còn ở chung nhà thì thức dậy thật sớm, ăn mặc thật đẹp ra chúc Tết ông bà, bố mẹ và nhận mừng tuổi may mắn đầu năm. Mồng 2 Tết, sẽ đi thăm và chúc Tết cô, dì, chú, bác bên nội, ở lại quây quần ăn bữa cơm trưa đến tối mới về nhà. Mồng 3 Tết mới sang thăm và chúc Tết bên ngoại. Và cũng sẽ ở lại đây ăn uống, quây quần vui vẻ đến tối mới trở về. Sau ba ngày Tết, gia đình mới đi thăm hỏi, chúc Tết hàng xóm láng giềng. Dịp Tết, thường mọi người sẽ nghỉ ngơi ở nhà hoặc tụ tập chơi mạt chược là chính mà ít ra ngoài”.
Ngoài ra, người Trung Quốc quan niệm rằng sáng Mồng 1 Tết dậy sớm thể hiện một năm sẽ cần cù, chăm chỉ làm việc. Ngoài ra, sáng Mồng 1 Tết còn ăn bánh sủi cảo – loại bánh có vỏ làm bằng bột mì, nhân có thịt, rau; mong muốn cả năm sẽ có của ăn của để, cả năm có thịt, có rau.
 |
Bánh sủi cảo – loại bánh có vỏ làm bằng bột mì, nhân có thịt, rau. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Điểm đặc biệt với chị Tâm khi nhắc về Tết Trung Quốc đó còn là người Trung Quốc ăn Tết khá dài. Tết kéo đến tận Rằm tháng Giêng, phải sau ngày này họ mới bắt đầu trở lại công việc.
Dù rất ấn tượng với Tết Trung Quốc, nhưng chị Tâm vẫn luôn yêu thích Tết Việt hơn. “Dù thế nào thì mình vẫn thích đón Tết Việt Nam hơn vì mình thích ăn bánh chưng và củ kiệu hơn là ăn sủi cảo”, chị cười chia sẻ.
Phong phú các hoạt động đón Tết
Chị Ngô Linh Phương sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên nước ta, nhưng từ năm 2018 sau khi lấy chồng người Hà Nam – một tỉnh miền Bắc Trung Quốc thì hai vợ chồng chị sang Trung Quốc sinh sống. Tuy nhiên, hai vợ chồng chị không ở quê chồng mà lại sống tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông – một tỉnh ở miền Nam. Chính vì vậy, chị Tâm được đón và cảm nhận không khí Tết ở cả hai miền.
 |
Chị Ngô Linh Phương và gia đình chồng đi chợ hoa Tết ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Chia sẻ về những phong tục ngày Tết ở miền Bắc Trung Quốc, ngoài những điểm như chị Tâm chia sẻ, chị Phương còn đặc biệt nhấn mạnh về việc người miền Bắc rất chú trọng tích trữ thực phẩm dịp Tết, nhất là các loại thịt. Trong đó, thịt lợn họ mua trữ cả tảng gồm thịt và xương. Thịt nạc, ba chỉ sẽ xay ra, để làm nhân bánh sủi cảo, bánh bao. “Như gia đình mình, có khi mẹ chồng làm cả hàng trăm cái bánh bao, 200-300 cái bánh sủi cảo để trữ ăn dần mấy ngày Tết”. Chị Phương vừa cười vừa nhớ lại mỗi dịp chuẩn bị Tết.
Lý giải vì sao người miền Bắc lại tích trữ nhiều thực phẩm cho Tết như vậy, chị Phương chia sẻ, do lúc đó thời tiết rất lạnh, có tuyết, các gia đình muốn trữ thực phẩm đầy đủ cho mấy ngày Tết mà không phải lo mua sắm thêm. Trái ngược với điều này, người miền Nam lại không tích thực phẩm, mà chỉ mua ít vừa ăn, ăn hết lại mua do miền Nam thời tiết ấm, chợ mở thường xuyên.
 |
Vùng Quảng Đông cũng chơi quất cảnh như nước ta. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nhắc đến đây, chị Phương lại nhớ ngay đến chợ Tết ở miền Nam. Chị cho biết, chợ Tết bên này cũng rất đông vui, bày bán đủ loại hoa, quả, thực phẩm cũng phong phú. Như vùng Quảng Đông mà gia đình chị sinh sống, họ cũng chơi đào, quất như ở nước ta.
“Quất ở đây cũng có những chậu rất lớn, nhưng họ tạo dáng thành hình trụ đứng, thon thon giống cuộn chỉ khâu. Những cây to như vậy thường bày trang trí ở cửa công ty, khách sạn, nhà hàng. Những chậu quất nhỡ họ để mọc tự do, cắt tỉa tạo hình không nhiều. Ngoài ra, cũng có những chậu quất bon sai nhỏ bày ở bàn trong nhà với không gian nhỏ. Hoa đào họ cứ để cành bó nguyên dây chứ không để bung ra như ở Việt Nam để mọi người biết dáng cành đẹp hay không”, chị Phương kể.
 |
Người Quảng Đông dùng hoa đào, chậu xà lách nhỏ để trang trí nhà cửa mỗi dịp Tết đến. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Người Quảng Đông còn dùng những chậu rau nhỏ để trang trí với nhiều ý nghĩa khác nhau. Chị Phương giới thiệu về một số loại hay được người dân sử dụng: “Người Quảng Đông hay mua chậu rau xà lách nhỏ (khi đọc lệch đi thành từ mang nghĩa sinh tài, với ngụ ý nhiều tài lộc), cây hành hoa (cách đọc đồng âm với từ có nghĩa thông minh), rau cần (cách đọc đồng âm với từ cần cù, chăm chỉ), cây tỏi (cách đọc đồng âm với từ tính toán trong câu thành ngữ của người Trung Quốc với ý nghĩa tính toán kỹ lưỡng, ngụ ý năm mới sẽ biết vun vén tiền bạc, không tiêu pha lãng phí)”.
 |
Chị Phương chia sẻ, những người ở vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây còn rất coi trọng việc đi lễ chùa đầu năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chị Phương còn chia sẻ thêm rằng, những người ở vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây còn rất coi trọng việc đi lễ chùa đầu năm. Nhớ lại cái Tết năm 2024 ở Quảng Châu khi đi chùa Mồng 1 Tết, chị cho biết: “Mồng 1 Tết người ta đi chùa rất đông, chật kín sân chùa ấy. Họ đến chùa dâng hoa, dâng hương cầu may mắn bình an cho một năm”.
 |
Chợ hoa xuân phố Giang Nam Tây, Quảng Châu 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
 |
Chị Ngô Linh Phương cùng mẹ chồng và con gái chụp ảnh trước cổng chào Lễ hội đèn lồng xuân Quảng Châu năm 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Miền Nam Trung Quốc với sự thuận lợi của thời tiết nên các địa phương tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Ngoài chợ Tết trên, còn có các hội hoa trước Tết như hội hoa cúc, triển lãm hoa lan..., hay như hội đèn lồng kéo dài từ trước Tết và xuyên Tết để cho người dân có thể đi ngắm hoa, đi chơi Tết; đi kèm đó là các dịch vụ giúp kích cầu chi tiêu dịp Tết nhiều hơn”, chị Phương cho biết.
ĐẶNG LOAN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.