Điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế

Trong khi kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, Ấn Độ trở thành điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế. Báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2018" vừa được công bố ngày 11-12 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được dự báo vượt mức 6,7% của năm nay, lên 7,2% trong năm 2018 và 7,4% trong năm 2019, qua đó giúp Ấn Độ tiếp tục là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Cũng theo báo cáo, mặc dù chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại vào đầu năm 2017 và những tác động của chính sách đổi tiền song triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ vẫn rất tích cực nhờ chi tiêu tiêu dùng của người dân và đầu tư công tăng mạnh, cũng như những cải cách về cơ cấu đang được chính phủ nước này thực hiện.

Tăng trưởng kinh tế trong khi tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 3,9% GDP (năm 2015-2016) và dự báo tiếp tục giảm xuống 3,5% trong năm 2017, chỉ số lạm phát được khống chế ở mức 5,39% đã giúp đời sống người dân Ấn Độ có bước cải thiện thực chất.

Một xưởng lắp ráp ô tô ở Ấn Độ. Ảnh: Livemint 

Nhờ những chính sách cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, FDI vào Ấn Độ đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, trong khi FDI vào các nước trên toàn cầu lại tiếp tục suy giảm. Năm 2015, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia thu hút vốn FDI lớn nhất trên thế giới với 63 tỷ USD; con số này tăng lên 75 tỷ USD vào năm 2016 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Có thể thấy, với chính sách Modinomics, nền kinh tế Ấn Độ đang có những thành công đáng kể, đưa Ấn Độ trở thành một nhân tố có vai trò ngày càng quan trọng hơn ở khu vực và trên trường quốc tế.

Những sáng kiến làm “sáng” chính sách Modinomics

Thành công này gắn liền với chính sách kinh tế Modinomics. Sau hơn hai năm triển khai, có thể thấy rõ, Modinomics đã và đang mang đến luồng sinh khí mới cho sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.

Nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế suy giảm sâu, Thủ tướng Modi đã áp dụng chính sách Modinomics, trong đó đặt ưu tiên hàng đầu là phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo môi trường thân thiện, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong cuộc bầu cử năm 2014, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ của ông N.Modi làm nòng cốt đã giành chiến thắng tuyệt đối, có quyền thành lập chính phủ mà không cần liên minh với các đảng khác. Sự tỏa sáng của “mô hình Gujarat” mà ông Modi trong vai trò là người lãnh đạo đã tạo ra một cơ sở vững chắc khơi dậy niềm tin của người dân Ấn Độ về một tương lai tốt đẹp hơn, khi những chính sách mà ông đã áp dụng thành công ở bang Gujarat được triển khai trên toàn bộ đất nước này. Các quyết sách đem lại sự thịnh vượng và phồn vinh cho người dân Gujarat trở thành nền tảng cho chính sách kinh tế mới-Modinomics-của ông Modi trong vai trò Thủ tướng Ấn Độ. Chính phủ của Thủ tướng Modi đặc biệt coi trọng phát triển những lĩnh vực chủ chốt vì sự tăng trưởng toàn diện của Ấn Độ, trong đó bao gồm kết cấu hạ tầng, các mạng lưới thông tin, ngư nghiệp và đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo trong nước.

Do hệ thống kết cấu hạ tầng tại Ấn Độ còn nhiều yếu kém, Thủ tướng Modi đã chú trọng vào việc xây dựng mới các đường cao tốc, sân bay, hệ thống kho vận và bến bãi. Nhằm thúc đẩy triển khai sáng kiến “Thương hiệu Ấn Độ” (Brand India) và phục hồi nền kinh tế, ông Modi đã công bố “Kế hoạch 5T” (theo tiếng Anh-PV), bao gồm: Nhân tài, thương mại, công nghệ, du lịch và truyền thống là những mặt trận chủ chốt mà Chính phủ của ông đẩy mạnh thực hiện những cải cách sâu rộng.

Kể từ khi nhậm chức đến nay, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã công bố và triển khai nhiều sáng kiến mới trải rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Những sáng kiến, như “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Ấn Độ kỹ thuật số”, “Kỹ năng Ấn Độ”, “Ấn Độ trong sạch”, “Thuế hàng hóa và dịch vụ” (GST) hay “Luật Phá sản” đã giúp đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.

Sau hơn hai năm, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, những thành quả ấn tượng của chính sách Modinomics đã tạo nên bước phát triển bứt phá cho nền kinh tế Ấn Độ, mang lại một diện mạo và vị thế hoàn toàn mới cho nước này. Những chính sách kinh tế vĩ mô mà ông Modi đã áp dụng và thêm vào đó là sự quyết đoán, nghệ thuật lãnh đạo của ông đã vực dậy thành công nền kinh tế đang trong tình trạng đình trệ, thúc đẩy nền kinh tế nước này tiếp tục phát triển.

Tuy đạt được nhiều thành tựu, song Ấn Độ cũng còn nhiều hạn chế như mức tăng trưởng dự kiến 7,2% trong năm 2018 nói trên vẫn thấp hơn mức dự báo đưa ra hồi tháng 5-2017 của Liên hợp quốc là 7,9%. Ấn Độ cũng đã nhận ra điểm yếu được quốc tế cảnh báo rằng, hoạt động yếu ớt của đầu tư tư nhân và cảnh báo về môi trường vẫn là mối quan ngại, gây ảnh hưởng nhất định tới kinh tế vĩ mô của Ấn Độ.

NGUYỄN HÒA