1. Cuộc chiến gà năm 1963

Đây là câu chuyện về một con gia cầm đã châm ngòi cho thùng thuốc súng. Mỹ đã tận dụng Chiến tranh thế giới thứ hai để hiện đại hóa ngành công nghiệp gia cầm của mình. Sau chiến tranh, những con gà giá rẻ của Mỹ đã tràn ngập thị trường châu Âu, chiếm tới 50% thị trường về khối lượng. Đối mặt với sự cạnh tranh được coi là không công bằng này, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) còn rất non trẻ, dưới sự thúc đẩy của Pháp và Đức, đã thiết lập các rào cản hải quan vào năm 1962 thông qua chính sách nông nghiệp chung.

Mỹ ngay lập tức có biện pháp đáp trả. Năm 1963, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã áp dụng mức thuế 25% đối với một số sản phẩm châu Âu, bao gồm cả xe tải Volkswagen, biện pháp này vẫn có hiệu lực cho đến ngày nay.

Cuộc chiến kinh tế đã chiếm phần lớn thời gian trong các cuộc gặp ngoại giao giữa Mỹ và EU, đến mức Thượng nghị sĩ Mỹ J. William Fulbright đe dọa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi NATO. Cựu Thủ tướng Đức Konrad Adenauer sau này tâm sự rằng, cuộc chiến kinh tế gà đã chiếm gần một nửa các cuộc thảo luận của ông với Tổng thống Mỹ John Kennedy, ngang bằng với cuộc khủng hoảng Berlin hay Vịnh Con Lợn.

2. Cuộc thập tự chinh chuối

"Cuộc chiến chuối" đã làm tổn hại đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong gần 2 thập kỷ, minh họa rõ ràng cho sự khác biệt cơ bản giữa mô hình thương mại của châu Âu và châu Mỹ.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1993, khi Brussels thành lập Tổ chức thị trường chung về chuối - một hệ thống phức tạp về hạn ngạch và thuế hải quan có lợi cho các nước cựu thuộc địa châu Âu (gồm các nước châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương, viết tắt là ACP), gây bất lợi cho các công ty đa quốc gia của Mỹ như Chiquita. Washington coi đây là hành vi phân biệt đối xử đặc trưng.

Vụ việc có bước ngoặt lớn trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nơi Mỹ, được các nước Mỹ Latin ủng hộ, đã thắng kiện vào năm 1997. Nhưng châu Âu đã kháng cự, khiến Mỹ bị thiệt hại lên tới 191,4 triệu USD vào năm 1999. Phải đến tháng 12-2009, một thỏa thuận cuối cùng mới được đưa ra tại Geneva, nơi EU đồng ý giảm thuế hải quan từ 176 euro xuống còn 114 euro/tấn. Một sự “đầu hàng” nhẹ nhàng đánh dấu chiến thắng của thương mại tự do trước mô hình hậu thuộc địa châu Âu, đồng thời bộc lộ sức mạnh của Washington trong các xung đột thương mại.

Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump và mong muốn áp thêm thuế đối với hàng hóa châu Âu đang khơi dậy những mối bất hòa cũ trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương. Ảnh: REUTERS 

3. Chuyện về thịt bò do hormone (hoóc-môn)

Câu chuyện về thịt bò được xử lý bằng hormone là minh họa rõ nét cho sự xung đột về văn hóa quản lý giữa Brussels và Washington. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1989, khi EEC quyết định cấm sử dụng 6 loại hormone tăng trưởng trong sản xuất thịt bò. Một quyết định thực sự đóng cửa thị trường châu Âu đối với các nhà lai tạo Mỹ, Canada và Australia, gây ra một cuộc chiến dữ dội trước WTO.

Cuộc đối đầu có bước ngoặt ngoạn mục vào năm 1999, khi Washington, phấn khởi vì chiến thắng trước Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, đã áp đặt các lệnh trừng phạt có mục tiêu vào các sản phẩm tiêu biểu của châu Âu, đứng đầu là pho mát Roquefort của Pháp. Một cuộc chiến thương mại lên đến đỉnh điểm khi nghị sĩ của Nghị viện châu Âu (EP) José Bové quyết định phá dỡ một nhà hàng McDonald's ở Millau (Pháp).

Phải đến năm 2011, một thỏa hiệp mới xuất hiện: Brussels chấp nhận nhập khẩu thịt "sạch" của Mỹ, không có hormone, để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Bằng chứng cho thấy châu Âu có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn y tế của "Chú Sam".

4. Boeing - Airbus: Cuộc tấn công trên không

Đây là tranh chấp thương mại dài nhất trong lịch sử của WTO. Trong 17 năm qua, EU và Mỹ đã cáo buộc nhau trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn sản xuất máy bay của họ. Một cuộc chiến “hao tiền tốn của” diễn ra từ năm 2016 đến năm 2021, minh họa cho logic không thể lay chuyển của việc leo thang các lệnh trừng phạt thương mại.

WTO, trọng tài của cuộc đấu khổng lồ này, ban đầu đã ra phán quyết có lợi cho Mỹ vào năm 2016, xác nhận các lệnh trừng phạt tiềm tàng trị giá 10 tỷ USD đối với các khoản trợ cấp của châu Âu dành cho Airbus. Washington đã nắm bắt cơ hội vào năm 2019, áp dụng mức thuế hải quan mục tiêu là 7,5 tỷ USD vào “lục địa già”, ảnh hưởng đến mọi thứ từ máy bay Airbus đến phô mai Parmesan và rượu Cognac.

Châu Âu đã trả đũa vào cuối năm 2020 khi WTO bật đèn xanh cho lệnh trừng phạt trị giá 4 tỷ USD đối với Boeing và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Cuối cùng, cuộc xung đột trên không đã kết thúc vào tháng 6-2021, khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ký một thỏa thuận “đình chiến” thương mại kéo dài 5 năm.

5. Cuộc tranh cãi về biến đổi gene

Các sinh vật biến đổi gene làm nổi bật sự khác biệt cơ bản giữa hai bờ Đại Tây Dương về mặt nông nghiệp. Một mặt, châu Âu gắn liền với mô hình nông nghiệp truyền thống. Mặt khác, Mỹ đang đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ sinh học. Một cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và thể hiện viễn cảnh đối kháng về hiện đại hóa nông nghiệp.

6. Cuộc chiến đầu tiên của ông Donald Trump

Sự xuất hiện của ông Trump tại Nhà Trắng vào năm 2016 đã đánh dấu một sự thay đổi. Hai năm sau, ông tung ra vũ khí thuế quan đối với thép (25%) và nhôm (10%) châu Âu nhân danh "an ninh quốc gia". Châu Âu phản ứng lại bằng cách đánh thuế rượu bourbon, xe Harley-Davidson và vô số sản phẩm khác, chủ yếu ở các tiểu bang mà ông Trump có nhiều cử tri nhất trong cuộc bầu cử tổng thống. Sự leo thang này chỉ kết thúc khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống năm 2020. Nhưng điều này chỉ đình chỉ thuế hải quan chứ không bãi bỏ chúng.

Trước đó, vào tháng 7-2018, ông Trump và Chủ tịch EC khi đó là ông Jean-Claude Juncker đã nhất trí thành lập một nhóm làm việc chung để xóa bỏ mọi thuế hải quan đối với các sản phẩm công nghiệp. Đổi lại, EU đồng ý nhập khẩu thêm khí hóa lỏng và đậu nành.

7. Đạo luật giảm lạm phát (IRA): Một vấn đề gây tranh cãi

Kế hoạch khí hậu trị giá 369 tỷ USD của Mỹ thông qua IRA đã khiến người châu Âu khó chịu. Đằng sau tham vọng xanh của mình, IRA ẩn chứa chủ nghĩa bảo hộ thuần túy của Mỹ. Các khoản trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp xanh của Mỹ đang thu hút các nhà đầu tư trước đây cho phép châu Âu dẫn đầu lĩnh vực công nghệ xanh. Châu Âu đã phản ứng bằng Đạo luật Công nghiệp phát thải ròng bằng 0 và cho phép các cơ quan công quyền phản ứng lại các khoản trợ cấp của Mỹ nhằm giữ chân các nhà đầu tư ở châu Âu.

Trên thực tế, 7 cuộc chiến thương mại lớn này nêu bật một điều không đổi. Đó là sự hòa giải khó khăn giữa các mô hình kinh tế và xã hội khác nhau ở cả hai bờ Đại Tây Dương. EU và Mỹ là đồng minh tốt, nhưng họ lại khác nhau. Tuy nhiên, những bất đồng này không làm suy yếu vĩnh viễn hoạt động thương mại xuyên Đại Tây Dương. Bất chấp những căng thẳng này, EU và Mỹ vẫn là đối tác thương mại đặc quyền, cùng chiếm hơn 30% thương mại thế giới.

PHƯƠNG LINH (theo Le Point)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.