Như vậy, tại Indonesia, chỉ trong 2 ngày, 13 và 14-5, đã xảy ra 5 vụ đánh bom ở nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có 3 vụ nhằm vào nhà thờ, làm hàng chục người chết và bị thương.

An ninh được tăng cường tại khu vực xảy ra đánh bom trụ sở cảnh sát ở thành phố Surabaya. Ảnh: WION.

Dấu vết IS

Giới chức Indonesia cho biết, vụ nổ bom xảy ra sáng 14-5 tại trụ sở cảnh sát ở TP Surabaya là do 4 đối tượng đánh bom liều chết thực hiện và 4 đối tượng đều đã tử vong. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Indonesia, Tito Karnavian cho biết, các thành viên gia đình nói trên đi trên 2 xe máy, kích nổ bom tại một trạm kiểm soát bên ngoài trụ sở cảnh sát, làm ít nhất 16 người bị thương. Chỉ có con gái 8 tuổi trong gia đình này sống sót và hiện đang hồi phục sức khỏe.

Trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 14-5, trong ngày 13-5, tại Surabaya đã xảy ra loạt vụ tấn công nhằm vào 3 nhà thờ: Nhà thờ Công giáo Thánh Maria Tak Bercela, nhà thờ Thiên chúa giáo Indonesia và nhà thờ Central Pentecost. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, thủ phạm thực hiện vụ tấn công này là một gia đình 6 người, gồm: Bố, mẹ cùng 4 con từ 9 đến 18 tuổi. Cảnh sát tỉnh Đông Java cho biết, gia đình này có quan hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, và nằm trong số 500 người Indonesia theo IS trở về từ chiến trường Syria. Theo cảnh sát, trong loạt vụ tấn công xảy ra ngày 13-5, người chồng đã lái một xe ô tô chở chất nổ đâm vào cửa một nhà thờ. Trong khi đó, hai vụ tấn công nhằm vào 2 nhà thờ khác sau đó, một vụ là do vợ cùng hai bé gái 9 và 12 tuổi thực hiện; vụ còn lại do 2 con trai riêng 16 và 18 tuổi của người chồng tiến hành.

Hiện trường sau vụ tấn công vào một nhà thờ. Ảnh: Reuters.

Báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng Indonesia, số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công này đã lên tới 13 người trong khi 40 người bị thương vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Khi vụ việc đang được điều tra, ngay trong đêm 13-5, một vụ nổ bom khác xảy ra tại một căn hộ ở thị trấn Sidoarjo, cách Surabaya 34km. Căn hộ này nằm ngay sau một văn phòng của cảnh sát địa phương. Người phát ngôn cảnh sát tỉnh Đông Java Frans Barung Mangera cho biết, vụ đánh bom xảy ra lúc 21 giờ 20 phút (giờ địa phương); vụ nổ khiến 2 người thiệt mạng và 3 em nhỏ bị thương. Ông Mangera cho biết, cảnh sát tới hiện trường ngay sau vụ nổ và bắn chết người cha vì người này đã đe dọa kích nổ một quả bom.

Hiện cảnh sát cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa các vụ nổ bom. Theo một người phát ngôn của cảnh sát, "những loại chất nổ tương tự đã được sử dụng". Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, tướng Tito Karnavian xác nhận, thủ phạm của các vụ tấn công 3 nhà thờ Thiên chúa giáo và sở chỉ huy cảnh sát ở thành phố Surabaya đều là thành viên của các nhóm khủng bố Jemaah Ansharut Tauhid (JAT) và Jemaah Ansharut Daulah (JAD) có liên hệ với IS. Ông Karnavian tiết lộ thêm các vụ tấn công nói trên là hành động trả thù của JAT và JAD vì cơ quan chức năng Indonesia đã bắt giữ thủ lĩnh của hai nhóm này và đang chờ xét xử.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ không khoan nhượng trong các hành động chống khủng bố. Ảnh: Tempo.

Nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á là có thật

Ngay sau các vụ đánh bom, nhiều thành phố và khu vực tập trung đông người; địa điểm du lịch được đặt trong tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất. Ngày 14-5, Bộ trưởng Điều phối chính trị, luật pháp và an ninh Indonesia Wiranto cho biết, lực lượng cảnh sát nước này với sự hậu thuẫn của quân đội sẽ tăng cường an ninh trên toàn quốc.

Ngay trong ngày 13-5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới hiện trường các vụ tấn công thị sát, đồng thời ra tuyên bố lên án các vụ tấn công là hành động "man rợ". Ngày 14-5, phát biểu trên mạng truyền hình Metro TV, Tổng thống Widodo lên án đây là "hành động hèn nhát, tàn bạo và vô nhân tính". Ông Widodo nhấn mạnh, sẽ không khoan nhượng trong các hành động chống khủng bố.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 13-5 cũng lên án các vụ tấn công khủng bố nhằm vào những người đang đi lễ tại 3 nhà thờ ở tỉnh Surabaya.

Các vụ tấn công khủng bố tại Indonesia đã cho thấy cảnh báo của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 diễn ra cách đây chưa lâu rằng mối đe dọa khủng bố và tấn công mạng đối với Đông Nam Á là "rất thật".

 Ngày 14-5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các các vụ tấn công khủng bố xảy ra vừa qua tại thành phố Surabaya, Indonesia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố xảy ra vừa qua tại thành phố Surabaya, trong đó có vụ tấn công khủng bố dã man tại 3 nhà thờ vào sáng 13-5, làm nhiều thường dân chết và bị thương. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ Indonesia và gia đình các nạn nhân. Việt Nam ủng hộ Chính phủ Indonesia trong nỗ lực chống khủng bố và tin rằng những kẻ chủ mưu của vụ tấn công sẽ bị trừng trị thích đáng”.

NGUYỄN HÒA