Trong bài viết có tựa đề “24 giờ trên tàu Rubis với các thủy thủ tàu ngầm” đăng trên Báo Le Figaro mới đây, nhà báo Renaud Girard đã chia sẻ những cảm nhận của ông khi được “mục sở thị” con tàu nổi tiếng của Hải quân Pháp.

“Tôi chỉ có 24 giờ trên tàu NAS Rubis, không được hít thở không khí thoáng đãng, ngửi mùi i-ốt và nhựa thông, nghe tiếng gió thổi xào xạc hay ngắm nhìn biển và những ngọn đồi ở vùng Provence. Nhưng 24 giờ sống trong ánh sáng nhân tạo là quá đủ đối với tôi. Tàu ngầm được thắp sáng bằng đèn màu đỏ khi trời tối. Đó là điều duy nhất tạo nên sự khác biệt với ban ngày”, nhà báo Girard mở đầu câu chuyện.

Theo nhà báo 66 tuổi này, ở Pháp, có rất nhiều người làm việc vào ban đêm. Nhưng không có ai sống cả tuần trong đêm, trừ những người đi tàu ngầm. Ai chưa từng trải qua 24 giờ trong chiếc tàu ngầm lặn sâu dưới đáy biển thì chưa thể đo lường được mức độ kỷ luật và tinh thần thép của thủy thủ đoàn, những người sống nhiều tuần dưới nước để hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp. Đó thực sự là một nghề phi thường.

 Phòng điều hành trên tàu ngầm tấn công hạt nhân Rubis của Pháp. Ảnh: lefigaro.fr

“Nếu Thuyền trưởng tàu NAS Rubis Nicolas Maigné nhận được lệnh không quay lại cảng mà phải lập tức thực hiện nhiệm vụ mới, về mặt lý thuyết, ông hoàn toàn làm được. Lò phản ứng hạt nhân với công suất 48MW trên tàu NAS Rubis sẽ không cần tiếp nhiên liệu.

Với tốc độ trung bình 20 hải lý/giờ và lặn ở độ sâu 100 mét, sẽ không ai phát hiện ra nó. Tàu NAS Rubis có thể đi từ cảng Toulon đến vịnh Gibraltar trong vòng chưa đầy 36 giờ. Tàu cũng có thể đi vòng quanh địa cầu dưới nước, hạn chế duy nhất là bổ sung thủy thủ cho cuộc hành trình dài ngày”, ông Girard viết.

Một đặc điểm khác biệt của các chỉ huy tàu ngầm của Pháp mà ông Girard cảm nhận được, đó là các thuyền trưởng có sự hiểu biết rất cặn kẽ về con tàu, ở mọi góc độ, bởi họ đã từng trải qua tất cả vị trí, từ canh gác, phụ trách thủy lôi và tên lửa chống hạm...

Nhà báo Girard cho biết, giống như trước đây, các thủy thủ thường sử dụng những từ viết tắt để trao đổi và nếu có người lạ, họ khó có thể đoán được. Ví dụ, GS là kính tiềm vọng tấn công, FB-lượng oxy trên tàu, MP-tuabin...

Ông Girard viết: “Để giải thích về độ khó khi thực hiện các nhiệm vụ dưới biển, Thuyền trưởng Maigné đưa ra sự so sánh: “Hãy tưởng tượng bạn đang ở giữa một đám đông, trong đó có kẻ xấu muốn hại bạn. Bạn chỉ có cách dùng đôi tai để nhận biết”.

Ngay sau đó, như để cho tôi thấy khả năng ẩn nấp của tàu, Thuyền trưởng Maigné ra lệnh cho tàu lặn sâu. Tôi có thể theo dõi tàu lặn trên màn hình trong câu lạc bộ sĩ quan. Càng đi sâu xuống, thân tàu càng kêu cót két. Đến độ sâu khoảng 300 mét, tôi được mời uống một cốc nước biển: Đó là một nghi thức khi đi trên tàu ngầm”.

Liệu tàu ngầm có trở thành tàu chiến duy nhất an toàn trong thời chiến? Thời gian gần đây, số lượng tàu NAS đã tăng lên rất nhanh do các nước nhận thấy tầm quan trọng của chúng, nhất là khi có thể lặn dưới nước trong nhiều tuần mà không bị phát hiện...

Hiện nay, 6 tàu NAS của Pháp có vai trò quan trọng trong việc răn đe hạt nhân. Ngoài ra, chúng có nhiệm vụ dẫn dắt 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN). Tàu SSBN có trọng lượng 14.000 tấn và chạy bằng lò phản ứng hạt nhân 150MW.

“Luôn có một tàu SSBN trên biển, có khả năng phóng bom H theo lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp. Thông thường, một tàu NAS sẽ đi cùng với tàu SSBN trên biển trong giai đoạn mới lặn để kiểm tra có bị tàu nước ngoài theo dõi hay không. Điều quan trọng là tàu NAS phải cung cấp chiều sâu chiến lược cho sự di chuyển của tàu SSBN”, nhà báo Girard bổ sung.

Vậy các con tàu ngầm này liên lạc như thế nào? Nhà báo Girard cho biết, các tín điện được truyền đi bằng sóng ở tần số rất thấp. Các sóng này cũng có khả năng thu tín hiệu ở độ sâu dưới biển hàng chục mét. Để truyền tín hiệu, Pháp có 4 trung tâm truyền dữ liệu được trang bị những cột tháp cao như tháp Eiffel, trải khắp bốn phương của đất nước.

“Các thủy thủ tàu ngầm sống trong bóng tối với ánh sáng nhân tạo. Nhưng ánh sáng của những ngọn hải đăng trên biển sẽ dẫn dắt họ tiếp tục thực hiện sứ mệnh quan trọng. Đó là bảo vệ đất nước trước nguy cơ các cuộc tấn công”, nhà báo Girard kết luận.

PHƯƠNG VŨ (lược dịch)