Từ vị trí trọng yếu đó, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh[1], trong những năm đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, quân và dân Tây Bắc luôn vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, hết lòng, hết sức, toàn tâm, toàn ý giúp bạn về mọi phương diện, góp phần vào thắng lợi của cách mạng mỗi nước, đồng thời vun đắp, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng giải phóng Tây Bắc đã trở thành một trong những “hậu phương”, “địa bàn xuất phát” cho các lực lượng Việt - Lào tiến sang xây dựng các căn cứ kháng chiến ở khu vực Thượng Lào, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, tạo tiền đề cho sự ra đời Quân đội Lào Itxala vào tháng 1-1949. Đến tháng 8-1950, tại Tuyên Quang, với sự góp phần bảo vệ, giúp đỡ của quân và dân Tây Bắc, Đại hội Quốc dân Lào với hơn 100 đại biểu tham dự tổ chức thành công, Mặt trận Neo Lào - Itxala và Chính phủ Kháng chiến Lào được thành lập, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Lào phát triển lên một bước mới.

Từ sau Chiến thắng Tây Bắc năm 1952, vùng giải phóng ở khu vực này mở sát đến biên giới Việt - Lào, sự đóng góp của quân và dân Tây Bắc vào phong trào kháng chiến ở Thượng Lào càng to lớn và mạnh mẽ hơn. Năm 1953, quân và dân Tây Bắc đã huy động hàng chục nghìn dân công, hàng nghìn phương tiện vận tải, hàng nghìn tấn lương thực và hàng nghìn gia súc góp phần phục vụ các lực lượng ta và bạn mở chiến dịch Thượng Lào thắng lợi[2], giải phóng một vùng rộng lớn khoảng 35.000km2 với hơn 40.000 dân[3]. Chính phủ kháng chiến Lào, Mặt trận thống nhất Lào, Quân đội giải phóng Lào từ đây có một căn cứ địa vững chắc, nối thông với vùng tự do của nước Việt Nam. Trên cơ sở đó, trong Đông Xuân 1953 - 1954, liên quân Việt - Lào phối hợp tiến công trên những hướng chiến lược của chiến trường Đông Dương, đẩy địch lâm vào phân tán, bị động phòng thủ, tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve năm 1954, chấp nhận rút quân khỏi Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước trên bán đảo này.

 Chuyên gia quân sự Việt Nam với Bộ đội Pathet Lào. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Quân khu Tây Bắc được giao nhiệm vụ cử các đơn vị quân tình nguyện giúp bạn vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang, đồng thời mở các chiến dịch bảo vệ căn cứ, mở rộng vùng giải phóng, nổi bật là các chiến dịch Nậm Thà (1962), Nậm Bạc (1968); loạt chiến dịch ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng: Chiến dịch Mường Sủi (1969), Toàn Thắng và chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, góp phần to lớn làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, buộc đối phương phải ký Hiệp định Viêng Chăn về lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào vào tháng 2-1973. Phát huy thắng lợi chiến lược đó, đến năm 1975, với sự giúp đỡ của quân và dân Việt Nam, trong đó có quân và dân Tây Bắc, quân và dân Lào đã đánh bại hoàn toàn những lực lượng phản cách mạng, giành được chính quyền trên cả nước, lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Sau ngày đất nước Lào giải phóng, trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1988, Trung đoàn 82 của Quân khu 2 đứng trong đội hình Mặt trận 379 (sau này là Sư đoàn 379) tiếp tục giúp các tỉnh Bắc Lào xây dựng cơ sở, phối hợp với Quân đội nhân dân Lào bảo vệ vững chắc biên cương đất nước.

Trong những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 cùng với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp với các lực lượng chức năng của Lào tích cực “xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị”; chỉ đạo làm tốt công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại Lào; thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác quốc phòng, giúp Lào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế; đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trên địa bàn quân khu chỉ đạo tốt các hoạt động công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quân sự, xây dựng quan hệ với các địa phương, quân đội Lào. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, Quân khu 2 đã tích cực hỗ trợ các địa phương, các đơn vị quân đội trên địa bàn các tỉnh Bắc Lào về trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19, với tổng trị giá 4,75 tỷ đồng...

Quân khu 2 bàn giao thiết bị, vật tư y tế giúp các tỉnh Bắc Lào phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Điện Biên ngày 17-5-2021. Ảnh: qdnd.vn

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam và Lào. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao, lực lượng vũ trang Quân khu 2 cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, trên cơ sở phát huy truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào, quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại được vạch ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 9-1-2023, Kết luận số 53-KL/TW ngày 28-4-2023 của Bộ Chính trị và chủ trương, giải pháp của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, tích cực đổi mới tư duy, tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp trong đoàn kết, hợp tác với Lào về quân sự, quốc phòng; xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác hằng năm với lộ trình, nội dung, phương thức, tổ chức thực hiện sáng tạo, toàn diện, chặt chẽ, chu đáo, phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ.  

Thứ hai, duy trì hoạt động gặp gỡ, giao ban định kỳ các xã, huyện, tỉnh, các đồn trạm biên phòng hai bên biên giới giữa Việt Nam và Lào trên hướng Tây Bắc; kịp thời xử lý các tình huống xảy ra theo phương châm kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt, đúng luật pháp quốc tế và luật pháp hai bên; quản lý chặt chẽ đường biên, mốc giới; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển toàn diện.

Thứ ba, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền các địa phương trên địa bàn tuyên truyền giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội hai nước Việt - Lào nói chung; giữa Quân khu 2 với các tỉnh Bắc Lào nói riêng. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống âm mưu chia rẽ mối đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; sẵn sàng đập tan mọi âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng; trong đó, tập trung vào các hoạt động trao đổi đoàn; tổ chức các hội nghị, giao ban định kỳ, giao ban biên giới, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp hoạt động; chú trọng hợp tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ, nhất là lớp cán bộ trẻ cho Lào. Đồng thời, phối hợp với bạn thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh về nước; chỉ đạo Công ty Hợp tác quốc tế 705 tiếp tục nắm chắc tình hình, thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị; xây dựng các cụm bản, các công trình, dự án được giao trên địa bàn các tỉnh Bắc Lào...

Thứ năm, xây dựng, đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại đủ về số lượng, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, khả năng tham mưu đúng, trúng, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng được giao. Chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong quá trình hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng.

Tinh thần chiến đấu, tình cảm cao đẹp, sự đóng góp to lớn, chí tình, chí nghĩa của quân và dân Tây Bắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay đã góp phần tăng cường mối đoàn kết, tình hữu nghị thủy chung son sắt giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, xứng đáng với lòng tin yêu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Trung tướng PHẠM ĐỨC DUYÊN, Chính ủy Quân khu 2

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Tập 7 (1953-1955), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2002, tr64.

[2] Quân và dân Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã huy động phục vụ chiến dịch được 34.650 dân công, 850 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa, cung cấp 4.975 tấn gạo, 140 con trâu, 2.200 con bò, 154 tấn muối, 108 tấn rau, 12 tấn đường.

[3] Gồm toàn tỉnh Sầm Nưa, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một phần tỉnh Luông Pha Băng.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.