Các Đại hội Đảng tiếp theo đã chỉ rõ yêu cầu “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa đấu tranh, vừa hợp tác”; tích cực chủ động mở quan hệ với tất cả các châu lục, hình thành thế trận đối ngoại mới, góp phần khắc phục hậu quả bao vây, cấm vận của phương Tây và sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu; củng cố, mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước độc lập dân tộc, các nước lớn, các nước đang phát triển. Cùng với đó, trên tinh thần “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”, Việt Nam là bạn, là đối tác của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Cũng từ đây, công tác đối ngoại quốc phòng tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn trước, thể hiện qua việc chú trọng phát triển quan hệ giữa ta và các nước có chung đường biên giới, các nước bạn bè truyền thống, các nước công nghiệp phát triển và các nước phương Tây. Chúng ta cũng thường xuyên tổ chức hội nghị ĐNQP toàn quân hai năm một lần, từ đó rút ra được những kinh nghiệm để chỉ đạo hoạt động ngày càng hiệu quả, không chỉ ở các cơ quan của Bộ Quốc phòng mà còn trong ngành đối ngoại của các quân khu, quân binh chủng.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất, tháng 12-2023. Ảnh: TUẤN HUY 

Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung và ĐNQP nói riêng. Các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII và XIII cùng với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII là những “kim chỉ nam” cho hoạt động ĐNQP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Nhờ đó, hiệu quả công tác ĐNQP ngày càng được nâng cao trên bình diện cả song phương và đa phương.

Trong quá trình đổi mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, đáng chú ý là hội nghị tổng kết những năm đầu đổi mới của hoạt động ĐNQP toàn quân và rút ra những bài học quan trọng:

Một là, phải nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng và nhiệm vụ quân sự-quốc phòng. Đây là những kinh nghiệm quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Trong quá trình hoạt động phải luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp và đường lối đối ngoại của Đảng; vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, giữ vững nguyên tắc “độc lập, tự chủ, tự lực tự cường”, gắn với sức mạnh thời đại, đấu tranh bảo vệ hòa bình, bảo vệ lợi ích dân tộc chân chính, chống chiến tranh xâm lược, kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.

Hai là, độc lập, tự chủ, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, tổ chức hoạt động ĐNQP. Có thể nói, đây là vấn đề mang tính quy luật và là nghệ thuật trong lĩnh vực ĐNQP nhằm hoàn thành các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là: Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, củng cố môi trường hòa bình để xây dựng phát triển đất nước; nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế...

Ba là, nhạy bén, linh hoạt trong xử lý các mối quan hệ về quốc phòng, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm quan trọng của ĐNQP, đúng như Bác Hồ đã dạy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, hay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập qua cụm từ “ngoại giao cây tre”.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ hoạt động ĐNQP với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong một thể thống nhất, từ đó tạo nên sức mạnh đối ngoại tổng hợp, phục vụ cho mục tiêu đối ngoại mà Đảng và Nhà nước đề ra.

leftcenterrightdel

Hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đại biểu hai nước tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6, tháng 4-2021. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Năm là, thường xuyên sơ kết, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, dự báo tình hình, đề ra chủ trương, giải pháp thực tế liên quan tới công tác ĐNQP. Trong sơ kết, tổng kết quan trọng là đánh giá đúng, thực sự khách quan, cầu thị để từ đó đề xuất các chủ trương, biện pháp, phương án, đối sách quan hệ, bảo đảm đúng quan điểm đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.

Sáu là, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về ĐNQP, làm tốt chính sách hậu phương Quân đội; nâng cao chất lượng bảo đảm trang thiết bị công tác... Bởi, đây là những nhân tố quyết định đến hiệu quả của hoạt động ĐNQP.

Những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn nói trên là “cẩm nang” không thể thiếu đối với lực lượng làm công tác ĐNQP, đồng thời là hành trang không thể thiếu của Quân đội và đất nước trên chặng đường phát triển tiếp theo.

(còn nữa)

Trung tướng PHẠM THANH LÂN, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.