Tham gia đoàn có Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhiều đồng chí là lãnh đạo chủ chốt của các quân, binh chủng, đơn vị có hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc; các Quân khu có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.
Đoàn đã được bác sĩ Liễu Hồng Lâm, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Nam Khê Sơn, giới thiệu về những ngày tháng đầu tiên từ khi bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm được xây dựng, cho tới quá trình điều trị thương binh từ Việt Nam.
 |
Lãnh đạo Bệnh viện Nam Khê Sơn giới thiệu các tư liệu với đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam.
|
Bác sĩ Liễu Hồng Lâm cho biết, với mục đích chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, sau một thời gian chuẩn bị từ năm 1966, đến năm 1967, bệnh viện được khởi công và hoàn thành vào năm 1968. Bắt đầu từ ngày 26-3-1969 đến năm 1975, thông qua đầu mối phía Việt Nam là Bệnh viện E, Bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm trực thuộc Bộ Y tế Trung Quốc đã thực hiện việc điều trị cho các thương bệnh binh từ miền Nam Việt Nam và các cán bộ trung cao cấp ở các địa phương của Việt Nam.
Trong 7 năm, Bệnh viện đã chữa trị được 5.432 bệnh nhân, trong đó, tiến hành hơn 2.000 ca phẫu thuật và tiếp 780.000ml máu cho các thương, bệnh binh. Năm 1975, sau khi những bệnh nhân cuối cùng được đưa về Việt Nam, Bệnh viện được giao cho Sở Y tế Quảng Tây quản lý, đổi tên thành Bệnh viện Nam Khê Sơn Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
 |
Cuốn sổ ghi tên thương binh Việt Nam điều trị tại Bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm trước đây. |
Bác sĩ Liễu Hồng Lâm cũng giới thiệu với Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam những hình ảnh, hiện vật, trang thiết bị bệnh viện còn lưu giữ tại nhà truyền thống, kể lại những câu chuyện đầy xúc động về quá trình các y, bác sĩ của Trung Quốc tận tình chăm sóc các bệnh nhân là thương binh Việt Nam; tình cảm của các thương bệnh binh với y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện…
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến bày tỏ sự xúc động trước sự hy sinh, cống hiến của nhiều y, bác sĩ Trung Quốc không quản gian khổ để chăm sóc cho thương binh, cán bộ của Việt Nam, thậm chí đã nhiều lần hiến máu của chính mình để cứu các thương binh. “Tình hữu nghị của chúng ta không gì có thể thay đổi. Trong dòng máu của nhiều thương binh đã hòa chung một dòng máu với y, bác sĩ, nhân dân Trung Quốc. Tôi cho rằng chỉ có mối tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em mới có thể có sự chia sẻ, hỗ trợ chân tình to lớn đến như vậy”, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chia sẻ.
 |
Các đại biểu nghiên cứu tư liệu tại nhà truyền thống của bệnh viện. |
Bày tỏ sự tri ân tới các thế hệ bác sĩ, y tá tại bệnh viện từng chữa trị cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong lưu bút ghi tại bệnh viện, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến viết:
“Đoàn Đại biểu Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng xúc động đến thăm Bệnh viện Nam Khê Sơn, tiền thân là Bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm, nơi đã chi viện, điều trị cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ thương bệnh binh và cán bộ cao cấp Việt Nam; đây là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc trong công cuộc giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam trân trọng ghi nhớ và mãi mãi biết ơn về tình đoàn kết, sự ủng hộ to lớn, hiệu quả mà Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc và đặc biệt là các bác sĩ, y tá, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Nam Khê Sơn đã dành cho Việt Nam.
Chúc Bệnh viện Nam Khê Sơn ngày càng phát triển lớn mạnh, mãi là bông hoa tươi đẹp trong vườn hoa hữu nghị Việt - Trung.
Chúc tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!”.
 |
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ghi lưu bút tại Bệnh viện Nam Khê Sơn.
|
Tại Bệnh viện Nam Khê Sơn, đoàn công tác cũng đã được xem phim tài liệu, được nghe chính các cán bộ bệnh viện, y tá ôn lại những kỷ niệm sâu đậm, mà trong tâm trí các y, bác sĩ, dường như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua thôi. Bác sĩ Liễu Hồng Lâm kể lại câu chuyện của bác sĩ khoa nội Vương Dư Thái khi tới nói chuyện truyền thống tại bệnh viện: “Khi cấp cứu thương bệnh binh bị bệnh nặng, chúng tôi thường phải làm thêm giờ, thêm ca, truyền máu cho họ từ trên cơ thể mình, nhưng chúng tôi đều không hề do dự. 8 năm phấn đấu gian khổ, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, trình độ y tế của chúng tôi được nâng cao toàn diện. Các thương bệnh binh Việt Nam rất hữu nghị với Trung Quốc”.
Tôi nhớ mãi lời kể của bác sĩ Vu Thục Tuệ được bác sĩ Liễu Hồng Lâm dẫn ra làm dẫn chứng về tình hữu nghị hai nước: Một cô gái Bắc Kinh tài năng, trẻ trung nhưng vẫn sẵn sàng đến những nơi gian khó như Quế Lâm để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, điều trị cho thương binh Việt Nam, và điều mà bác sĩ Vu Thục Tuệ tự hào nhất, nhớ nhất trong cuộc đời là câu nói của mẹ bà: “Con gái ơi, con thật vĩ đại, máu đào của con gái đã chảy vào trái tim của thương bệnh binh Việt Nam rồi”.
Ghi nhận những đóng góp của Bệnh viện Nam Khê Sơn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, năm 1974, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức Bệnh viện. |
NGUYỄN HÒA (từ Quảng Tây, Trung Quốc)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.