Bước vào năm 1972, từ thực tế trên chiến trường và những thắng lợi ở Lào và Việt Nam, Quân ủy Trung ương hai nước xác định: Mùa mưa 1972 chắc chắn địch sẽ tiến công chiếm lại địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum nhằm uy hiếp, chia cắt vùng giải phóng của cách mạng Lào, với hy vọng sẽ đảo ngược tình thế trên chiến trường tại khu vực này nói riêng và chiến trường Lào nói chung. Trên cơ sở quyết tâm chiến lược, Quân ủy Trung ương Lào đã nghiên cứu, trao đổi, hoàn toàn nhất trí và thống nhất với chủ trương của Quân ủy Trung ương Việt Nam quyết định mở Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho lực lượng cách mạng trong đấu tranh chính trị ở Lào; xây dựng địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, bảo vệ sườn tây cho các chiến dịch chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường Việt Nam; góp phần tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng Lào nói riêng và cho cách mạng 3 nước Đông Dương nói chung
Tham gia chiến dịch, Quân Giải phóng nhân dân Lào có 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội bộ đội địa phương. Đây chính là các đơn vị đã nhiều năm chiến đấu với địch ở chiến trường, rất thông thạo địa hình, có nhiều kinh nghiệm tác chiến vừa và nhỏ, nắm chắc quy luật hoạt động của địch; nhiều đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu phòng ngự, đủ khả năng đảm nhiệm một khu vực phòng ngự độc lập hay hiệp đồng tác chiến.
 |
Chuyên gia quân sự Việt Nam huấn luyện kỹ thuật sử dụng pháo 12 nòng cho đơn nữ pháo binh của Bộ đội Pathet Lào chống đế quốc Mỹ, năm 1972. Ảnh tư liệu |
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, các đơn vị Quân Giải phóng nhân dân Lào đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội Việt Nam gấp rút xây dựng trận địa phòng ngự; trực tiếp tổ chức chốt ở một số điểm tại hướng tây nam và nam thị xã Xiêng Khoảng, cùng với các trận địa của bộ đội Việt Nam hình thành thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc, bảo đảm tác chiến dài ngày, kể cả trong điều kiện phức tạp. Với cách bố trí này vừa có thể chủ động đánh địch trên các hướng, vừa chi viện, hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình tác chiến; đồng thời, thuận tiện cho việc chỉ huy, phát huy sở trường của từng lực lượng mỗi bên.
Mặc dù trong địa bàn tác chiến, lực lượng vũ trang địa phương ít, đa phần nhân dân đã di chuyển ra các khu vực khác, thời điểm chuẩn bị chiến dịch đúng vào mùa mưa nhưng các đơn vị của Lào đã huy động nhân lực, vật lực cùng các lực lượng của Việt Nam tích cực xây dựng công sự, trận địa, làm đường cơ động, vận chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật... Các đơn vị Quân Giải phóng nhân dân Lào đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Việt Nam tổ chức huấn luyện tác chiến hiệp đồng, hỗ trợ nhau theo các phương án tác chiến, thực hành chiến đấu tạo thế, chuyển hóa thế chiến dịch và ngăn chặn địch phản kích, nống lấn, thăm dò phản ứng...
Sau gần 6 tháng chiến đấu, Quân Giải phóng nhân dân Lào và bộ đội Việt Nam đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ từ chủ trương đến công tác chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Hai bên đã đánh tổng số 244 trận, có cả cấp sư đoàn và trung đoàn, giành thắng lợi lớn. Thành công của chiến dịch đã cho thấy hiệu quả trong phối hợp tác chiến chiến dịch giữa quân đội hai nước. Đặc biệt, Quân Giải phóng nhân dân Lào có bước trưởng thành về mọi mặt, trước hết là trong tác chiến khi lần đầu tiên phối hợp tổ chức thành công loại hình chiến dịch phòng ngự bài bản theo các nguyên tắc của nghệ thuật chiến dịch, sát hợp với điều kiện thực tế của chiến trường một cách hoàn chỉnh, đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ chiến lược Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng.
Đại tá VONGXAY INTHAKHAM
(Trưởng phòng Tùy viên quốc phòng, Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam)