QĐND - Về Yang Mao (huyện K’rông Bông, tỉnh Đắc Lắc) trong những ngày giáp Tết, trên các cánh đồng, người dân đang ra sức xuống giống và nuôi hy vọng một mùa bội thu mới.
Không khí Tết nơi những phiên chợ đã nhộn nhịp hơn. Bên những sạp quần áo, những đứa trẻ háo hức ướm thử áo mới. Ở mấy gian hàng bán đồ trang sức, các cô gái Ê Đê, M’nông đang lựa chọn vòng tay, bông tai... Ngồi bên hiên nhà dài, già làng Ama Lul (buôn M’Nang Dơng) cầm tẩu thuốc đưa lên miệng rít một hơi, hướng mắt về dãy núi Cư Yang Sin, già kể: “Trước đây, khu này là nơi đứng chân của lực lượng cách mạng nên kẻ thù luôn tìm nhiều cách để xóa bỏ. Chúng dồn dân lập ấp, phá nhà, đốt rẫy, điên cuồng bắn phá để tiêu diệt bộ đội, kìm kẹp không cho dân làng tiếp tế gạo, gùi đạn phục vụ kháng chiến. Nhưng với lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, đồng bào mình dũng cảm bám buôn, bám làng, trồng sắn, trồng ngô nuôi bộ đội đánh thắng giặc”. Già Âm Lul bảo: “Giờ nhìn buôn làng, nhà nhà thóc gạo đủ đầy, già vui lắm”.
Tiếp bước truyền thống của cha ông và buôn làng, con trai già và nhiều đoàn viên thanh niên của xã đã hăng hái nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nhớ lại những thăng trầm, rồi sự chuyển mình, đổi thay của xã, ông Y Meng Niê, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Yang Mao hiện có 913 hộ, 4.882 nhân khẩu với 3 dân tộc Kinh, M’nông, Ê Đê cùng sinh sống ở 11 thôn, buôn. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì nên số hộ nghèo của xã chiếm gần 50%. Các hủ tục lạc hậu vẫn đồng hành cùng cái đói, cái nghèo, cứ đeo bám năm này qua năm khác.
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhất là Chương trình 134, 135, 167... bà con được xây nhà, hỗ trợ giống, tư liệu sản xuất, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi nên đã dần dần ổn định và có sự phát triển. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa tuy chưa thể bằng so với các vùng khác trong tỉnh, nhưng nhiều gia đình đã có đủ gạo ăn quanh năm. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa từng bước được quan tâm, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ. Văn hóa, y tế, giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực. 100% trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường. Việc khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thực hiện có hiệu quả. Điện lưới quốc gia cũng đã về tận các thôn, buôn. Bà con nhân dân sống đoàn kết, tận tình giúp đỡ lẫn nhau. Con đường Đông Trường Sơn đi qua địa bàn xã đang được triển khai xây dựng, rồi đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển giao thương nông sản của bà con trong buôn.
Tuấn Anh