Giá xi măng sẽ tăng ở đầu nguồn để tăng cung nhằm giảm giá bán lẻ?

* Tăng giá do đầu cơ tại khâu phân phối

QĐND Online-Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vừa bác bỏ thông tin giá xi măng (XM) tại TP Hồ Chí Minh thời gian vừa qua tăng lên 118.000 đến 125.000 đồng/bao. Hiện giá XM loại cao nhất là Hà Tiên cũng chỉ có giá 80.000 đồng/bao, các loại XM khác (Hoàng Thạch, Nghi Sơn, Chinfon, Phúc Sơn...) là 75.000 đồng/bao và XM Thái Lan nhập khẩu là 65.000 đồng/bao. Vừa qua, 16.000 tấn XM Hoàng Thạch từ miền Bắc đã được vận chuyển vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng tại đây mới tiêu thụ được 3000 tấn. Do đó dự kiến lượng XM này sẽ được vận chuyển vào sâu hơn thị trường phía Nam để tiêu thụ…

Sản xuất cầm chừng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, thị trường XM tại phía Nam đã dần đi vào ổn định. Các doanh nghiệp đang tích cực vận chuyển XM từ phía Bắc vào, đồng thời tăng lượng nhập khẩu clinker nên không có chuyện thiếu XM tại khu vực này. Chỉ tiêu đến hết tháng 5-2008 phải chuyển xong 30-50 nghìn tấn vào thị trường phía Nam, nhưng đến ngày 18-5 vừa qua, các doanh nghiệp đã chuyển xong hơn 40 nghìn tấn XM các loại, vì vậy nguồn cung không thiếu, giá không có cơ sở để tăng. Cuối tháng 5 này, Bộ xây dựng sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh XM phía Nam để rút kinh nghiệm “cơn sốt” vừa qua, đồng thời dự báo nhu cầu XM ở thị trường này trong tháng 6 để có sự điều tiết hợp lý. Năm nay, nước ta sẽ không thiếu XM nếu vẫn sản xuất đúng công suất hiện có và thêm nguồn nhập khẩu clinker. Tổng công xuất trong năm nay có thể sản xuất 36 triệu tấn cộng với nguồn nhập khẩu 4 triệu tấn clinker thì có thể đáp ứng được nguồn cung 42 triệu tấn. XM ở miền Bắc không thiếu, ngược lại thiếu cục bộ tại thị trường phía Nam. Nhưng do thiếu phương tiện vận tải (chỉ có 10 đến 15 xe vận chuyển XM vào phía Nam) mà giá XM ở thị trường phía Nam cao hơn giá bán phía Bắc. Cụ thể, giá mua XM tại miền Bắc là 800.000 đồng/tấn nhưng giá vận chuyển thì tới 350.000 đến 400.000/ tấn. Về nguyên nhân tăng giá XM tại phía Nam thời gian vừa qua, ông Nam cho biết còn do thiếu clinker, giá nhập clinker về đến TP Hồ Chí Minh cao bằng giá XM (hơn 1 triệu đồng/tấn). Trong khi đó, các doanh nghiệp phía Nam còn phải thêm ít nhất từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng chi phí cho việc nghiền, thêm phụ gia... để tạo ra một tấn XM. Vì vậy, giá XM tại thị trường phía Nam luôn cao hơn miền Bắc. Nếu tiếp tục kiềm chế giá như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục lỗ khoảng 120.000 đến 200.000 đồng/tấn XM.

Nhưng ông Nam cũng thừa nhận, do giá bán tại xí nghiệp không tăng, doanh nghiệp không thể bù đắp nổi chi phí, dẫn đến tình trạng sản xuất cầm chừng ở nhiều doanh nghiệp lớn. Đối với doanh nghiệp nhỏ, ngoài nguyên nhân trên còn do không đủ sức cạnh tranh, không nhập được clinker nên cũng sản xuất rất ít và dồn cầu vào các doanh nghiệp lớn. Từ đó dẫn đến hiện tượng thiếu cung trên thị trường. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất XM phía Nam đều thực hiện phương thức bán hàng thông qua nhà phân phối chính, không thể kiểm soát được giá bán lẻ cuối cùng đến với người tiêu thụ. Nên hiện tượng đầu cơ tại khâu phân phối là có, thậm chí có những nhà phân phối nhập XM về rồi ghìm hàng chờ qua ngày 30-6 sẽ tăng giá cùng với việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác. Vì thế mặc dù giá bán XM tại nhà máy không tăng song do thiếu nguồn hàng nên giá bán lẻ qua khâu phân phối vẫn tăng.

Nhu cầu tăng ngoài dự kiến

Thời gian qua, giá XM tại các tỉnh phía Nam tăng cao còn do đầu năm 2008, địa bàn này có nhiều công trình được khởi công xây dựng nên nhu cầu tăng. Mặt khác cũng do tâm lý người dân và chủ đầu tư các công trình nhỏ cho rằng chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2008 đã tăng 11,6% và sau tháng 6-2008 các mặt hàng trọng yếu mà thời gian qua Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không đuợc tăng giá, sẽ có sự tăng đột biến, gây hiện tượng khan hiếm nguồn hàng nên đã mua sẵn XM tích trữ từ đầu năm. Do vậy, nhu cầu đã tăng cao so với dự kiến. Dự báo nhu cầu XM năm 2008 ở khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng khoảng 14% so với năm 2007 nhưng thực tế nhu cầu XM 4 tháng đầu năm 2008 tại đây đã tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2007. Nguồn cung XM trong 4 tháng đầu năm 2008 cũng đã cao hơn 21% so với năm 2007 song vẫn chưa đáp ứng thoả mãn đủ nhu cầu tiêu thụ. Khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là nơi tiêu thụ khoảng 40% nhu cầu XM của cả nước nhưng năng lực sản xuất XM ở đây chỉ đáp ứng được khoảng 27%, còn lại là phải vận chuyển từ phía Bắc vào hoặc nhập khẩu của Thái Lan. Hiện nay các nước Ấn độ; In-đô-nê-xi-a đang có chính sách giảm xuất khẩu XM, clinker nên các nước nhập khẩu truyền thống như Băng-la-đét, Sri Lan-ka chuyển sang mua của Thái Lan với giá cao nên nguồn clinker Thái Lan xuất sang Việt Nam cũng bị hạn chế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra đối với mạng lưới phân phối XM ở khu vực phía Nam, xử lý nghiêm những đại lý tự động đẩy giá bán XM lên cao. Đặc biệt, không loại trừ khả năng sẽ điều tra làm rõ đối với những đối tượng tung tin thất thiệt trục lợi, gây bất ổn thị trường.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam:

Tăng giá tại xí nghiệp

Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng giá XM tại đầu nguồn. Bởi nếu giá XM tại nhà máy tăng, chi phí được bù đắp, các doanh nghiệp hứng khởi, chấm dứt tình trạng sản xuất cầm chừng, nhập khẩu clinker nhiều hơn, nguồn cungsẽ dồi dào, ổn định... Và khi cung và cầu đã cân đối thì chẳng có lý do gì giá trên thị trường bán lẻ lại tăng lên được. Cung nhiều mà cầu ít, giá sẽ giảm. Cung ít mà cầu nhiều, giá sẽ tăng. Chúng ta nên chấp nhận việc giá XM có thể sẽ tăng tại “đầu nguồn” nhưng đó là giải pháp tốt, lâu dài mà chúng ta cần làm quen để phát triển thị trường bình ổn.

Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu Xây dựng Việt
Nam Trần Văn Huynh: Giúp doanh nghiệp XM chủ động than và điện Than dùng cho sản xuất XM không phải loại than đặc biệt, vậy mà bán cho ngành XM trên 1 triệu đồng/ tấn bằng với giá than cao cấp xuất khẩu là hết sức vô lý. Do vậy, Nhà nước nên xem xét giá than bán cho các doanh nghiệp XM hợp lý hơn. Nhưng về lâu dài nhằm góp phần ổn định giá XM Nhà nước nên giao cho ngành XM một mỏ than, ngành XM sẽ tự tổ chức khai thác lấy để chủ động nhiên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp XM cũng cần tiết kiệm nguồn điện bằng cách xây dựng các nhà máy điện để tận dụng lượng nhiệt trên 3600C xả ra từ các lò nung. Thời gian xây dựng mỗi nhà máy điện này khoảng 1 năm, kinh phí đầu tư cho những nhà máy điện này cũng không lớn, có thể thu hồi sau 5 năm.

Bài, ảnh: Phan Anh và CTV