Hà Nội đang triển khai nhiều dự án lớn đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhiều công trình vẫn tình trạng dở dang, tiến độ thi công chậm, một số công trình chưa thể khởi công do nhiều vướng mắc.

Cầu Vĩnh Tuy, nhiều lần lỡ hẹn...

Với tiến độ thi công như vậy, e rằng, cầu Vĩnh Tuy sẽ rơi vào tình trạng "thông cầu, nhưng tắc đường lên" vào thời điểm đưa công trình vào sử dụng vào cuối tháng 4 năm nay, giống như cầu Thanh Trì hiện nay. Lúc đó, các phương tiện đi từ đê Nguyễn Khoái qua phần cầu chính, rẽ vào tuyến đường Long Biên - Thạch Bàn để nối vào tuyến đường Thạch Bàn và tuyến đường trong khu công nghiệp Hanel ra quốc lộ 5, vòng vèo xa hơn. Ùn tắc giao thông cục bộ và lãng phí hiệu quả đầu tư là điều khó tránh khỏi.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy, một công trình trọng điểm, được khởi công tháng 2-2005. So với những cây cầu bắc qua sông Hồng, cầu Vĩnh Tuy có nhiều điểm nổi trội: Là cây cầu có khẩu độ nhịp bê-tông lớn nhất, chuỗi dầm bê-tông liên tục lớn nhất và khổ cầu bê-tông rộng nhất Việt Nam. Ðây là cây cầu đầu tiên xây dựng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô, do chính các đơn vị trong nước thiết kế và thi công, khẳng định thế và lực của Thủ đô trong thời kỳ đổi mới. Công trình càng thêm ý nghĩa khi được thành phố chọn làm công trình mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Người dân Thủ đô hy vọng cầu Vĩnh Tuy sớm hoàn thành góp phần giải quyết những nhu cầu bức xúc về giao thông nội đô, san tải cho cầu Chương Dương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía bắc sông Hồng.

Thế nhưng công trình này đã nhiều lần lỗi hẹn với người dân Thủ đô, trở thành tâm điểm trong các phiên chất vấn tại các kỳ họp HÐND thành phố. Theo kế hoạch ban đầu, cầu Vĩnh Tuy được thi công trong 18 tháng, thông cầu vào cuối năm 2006. Thời hạn này đã liên tục bị thay đổi, bị lùi lại đến tháng 2-2007, rồi tháng 9-2007, sau đó lại đến 2-2008. Mới đây nhất, chủ đầu tư dự án khẳng định là sẽ nối nhịp cầu hai bờ trước Tết Mậu Tý, thông xe và đưa vào sử dụng công trình vào dịp 30-4-2008, hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 2-2009. Vậy tại sao có tình trạng này?

Phó Chủ nhiệm Dự án cầu Vĩnh Tuy (thuộc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn Ðỗ Hạnh Long, cho biết: "Thời gian 18 tháng để thi công một công trình quy mô lớn, phức tạp như cầu Vĩnh Tuy trong điều kiện lý tưởng, thuận lợi nhất đã là một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn. Trong khi trên thực tế, dự án này được thi công trong điều kiện không mấy thuận lợi".

Tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu HÐND TP Hà Nội về nguyên nhân chậm tiến độ hoàn thành cầu Vĩnh Tuy, Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tưHà Nội Triệu Ðình Phúc thừa nhận: Nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án là do cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi. Các nhà thầu gặp khó khăn về tài chính nên khả năng huy động vốn không cao, khó mua vật tư và huy động thiết bị. Các đơn giá định mức trượt giá, thay đổi liên tục nên càng khó khăn cho nhà thầu. Chưa hết, dự án cầu Vĩnh Tuy thực hiện qua hai tuyến đê sông Hồng, công tác vận chuyển, tiếp nhận vật tư, vật liệu của nhà thầu gặp nhiều trở ngại. Những trận lũ kéo dài làm ảnh hưởng thời gian thi công của các nhà thầu...

Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản gây chậm trễ tiến độ vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. Theo chủ đầu tư dự án, công tác GPMB phục vụ thi công dự án cầu Vĩnh Tuy rất lớn và phức tạp, phải di dời 1.316 hộ dân, năm cơ quan, 572 ngôi mộ tại quận Long Biên và 497 hộ dân, 16 cơ quan, hai hợp tác xã tại quận Hai Bà Trưng, tương đương việc GPMB nhiều công trình trọng điểm, phải thực hiện nhiều năm mới hoàn thành. Trong khi đó, dự án khởi công tháng 2-2005, nhưng đến năm 2006 mới có khu tái định cư, đến cuối năm 2006 mới cơ bản có mặt bằng, vừa thi công vừa tiến hành GPMB. Ðến đầu tháng 1-2008, quận Long Biên giải phóng mặt bằng diện tích của một số hộ dân trên đường Nguyễn Văn Linh, hai cơ quan, một trạm điện nằm trong chỉ giới dự án. Hiện chủ đầu tư dự án đang tiến hành di chuyển tuyến ống cấp nước thô để có mặt bằng triển khai thi công đoạn tuyến chính nối cầu ra quốc lộ 5 và nút giao thông đường Long Biên - Thạch Bàn và quốc lộ 5. Những hạng mục này sẽ hoàn thành vào tháng 2-2009.


Với tiến độ thi công như vậy, e rằng, cầu Vĩnh Tuy sẽ rơi vào tình trạng "thông cầu, nhưng tắc đường lên" vào thời điểm đưa công trình vào sử dụng vào cuối tháng 4 năm nay, giống như cầu Thanh Trì hiện nay. Lúc đó, các phương tiện đi từ đê Nguyễn Khoái qua phần cầu chính, rẽ vào tuyến đường Long Biên - Thạch Bàn để nối vào tuyến đường Thạch Bàn và tuyến đường trong khu công nghiệp Hanel ra quốc lộ 5, vòng vèo xa hơn. Ùn tắc giao thông cục bộ và lãng phí hiệu quả đầu tư là điều khó tránh khỏi.

Dự án đường 5 chậm trễ kéo dài vì GPMB

Dự án xây dựng tuyến đường 5 kéo dài cũng là dự án lớn được thành phố Hà Nội khởi công từ năm 2005, phấn đấu hoàn thành vào năm 2010 để mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng đến thời điểm này, tiến độ thi công rất chậm, khó có thể hoàn thành công trình đúng thời hạn.

Dự án đường 5 kéo dài có chiều dài toàn tuyến 13,3 km, mặt cắt ngang từ 68 m đến 72 m được thiết kế thi công đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khi hoàn thành tuyến đường nối khu đô thị bắc Thăng Long - Vân Trì tới nút giao thông cầu Chui, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía bắc sông Hồng. Dự án gồm mười gói thầu xây lắp chính, trong đó có bảy gói thầu xây lắp đường, ba gói thầu xây lắp cầu. Phó Chủ nhiệm dự án đường 5 kéo dài Phạm Văn Duân (thuộc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn) cho biết: Sau hơn hai năm triển khai, đến thời điểm này, mới có khoảng 40% diện tích đất cần GPMB được thu hồi, chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ðông Anh, còn phần đất thổ cư của hơn 200 hộ dân huyện Ðông Anh và gần 800 hộ dân quận Long Biên chưa di chuyển được vì chưa có quỹ nhà tái định cư. Vì vậy, cả năm 2007, chủ đầu tư chỉ giải ngân được 70 tỷ đồng phần kinh phí GPMB, trong tổng kinh phí được giao là 400 tỷ đồng.

Không đủ mặt bằng, cho nên việc thi công bị cầm chừng. Nhiều nhà thầu tập trung máy móc, nguyên vật liệu, công nhân làm được vài ba ngày, rồi lại nghỉ hàng tháng. Ðồng chí Nguyễn Thế Thạch (Công ty Xây dựng 319, Bộ Quốc phòng) điều hành thi công gói thầu số 11, cho biết: "Khối lượng công việc của gói thầu ít, chỉ có 1.600 m đường và cầu Ngũ Huyện Khê mà thi công từ tháng 9-2005 đến nay vẫn chưa xong, trong khi thời hạn thi công theo hợp đồng đã hết từ lâu". Ðến nay, đơn vị vẫn chưa có mặt bằng để thi công cầu Ngũ Huyện Khê vì năm hộ dân ở thôn Trung Thôn và thôn Lại Ðà (xã Ðông Hội) nằm trong chỉ giới chưa giải tỏa do hạ tầng khu tái định cư chưa hoàn thành. Dự kiến, tháng 5-2008 mới di dời được các hộ dân này, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để thi công tiếp.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, dự án có nhiều thay đổi lớn như phải bổ sung tuyến ống cấp nước dọc tuyến, điều chỉnh thiết kế nút giao thông đường 5 kéo dài với tuyến đường sắt Hà Nội - Ðồng Ðăng, nút giao thông đường 5 kéo dài với dự án cầu Nhật Tân, việc thi công cầu Ðông Trù theo công nghệ mới mất nhiều thời gian để chuyển giao công nghệ..., đòi hỏi chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế, trình duyệt tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thi công.

Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ?

Ðến thời điểm này, nhìn lại tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thống kê có đến mười dự án hạ tầng đô thị triển khai chậm, không đạt kế hoạch giao. Cụ thể, ngoài hai dự án cầu Vĩnh Tuy và đường 5 kéo dài như nêu ở trên, còn có dự án đường Lạc Long Quân, đường vành đai ba, cầu Thanh Trì đã thi công trong nhiều năm nay mà chưa hoàn thành. Các dự án khác như đường vành đai 1 (đoạn Ô Ðống Mác-đê Nguyễn Khoái), cầu Nhật Tân, tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, đường Văn Cao - Hồ Tây, nhà máy nước sạch sử dụng nước mặt sông Hồng..., sau nhiều năm chuẩn bị đầu tư vẫn chưa khởi công được.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như đã nêu trên, thành phố Hà Nội cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan gây nên tình trạng chậm trễ này. Ðó là công tác quy hoạch chậm làm ảnh hưởng tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, vướng mắc về đền bù GPMB, thủ tục hành chính trong quy hoạch đầu tư xây dựng còn cồng kềnh, phức tạp. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do năng lực yếu kém của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn và nhà thầu trực tiếp thi công công trình, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Từ nay đến dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thời gian không còn nhiều mà khối lượng công việc khá bề bộn. Thành phố Hà Nội cần rà soát, xác định rõ các công trình và cụm công trình quan trọng có khả năng hoàn thành, tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành đúng tiến độ, xây dựng và phê duyệt tiến độ chi tiết thực hiện các công trình để đôn đốc, kiểm tra, giao ban định kỳ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Quỹ nhà, quỹ đất tái định cư cho các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cần ưu tiên cân đối, để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, di dời hộ dân trong diện GPMB đến nơi ở mới. Các ban quản lý là chủ đầu tư các công trình trọng điểm cần kiện toàn, nâng cao năng lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Mặt khác, cần có các giải pháp hiệu quả để khắc phục khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thi công, thay thế các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng tiến độ.

Theo ND