Ngày 15/11/2007, Báo điện tử VietNamNet và Vietnam Report chính thức công bố bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam- VNR 500- tại website www.vnr500.com.vn và trang chủ của Báo điện tử VietNamNet.

1
Có thể nói, VNR 500 là một trong số ít bảng xếp hạng doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay tiếp cận theo thông lệ quốc tế. Trong quá trình xếp hạng, với sự tư vấn, giúp đỡ của GS. John Quelch, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard (http://quelchblog.vn) cũng như tham khảo kinh nghiệm xây dựng mô hình xếp hạng của Fortune 500, Forbes 500…, chúng tôi luôn đề cao tính chuyên gia, tính độc lập, khách quan và khoa học trong công tác nghiên cứu.

Doanh nghiệp được lọt vào danh sách VNR 500 hoàn toàn có quyền tự hào chính đáng về đẳng cấp đã được xác nhận của doanh nghiệp mình, bởi sự đánh giá độc lập, khách quan trong quá trình xếp hạng. Doanh nghiệp đã hoàn toàn không tốn bất kỳ một chi phí nào để được xếp hạng trong VNR 500.Ban tổ chức chỉ thông báo tới doanh nghiệp được xếp hạng vào VNR 500 sau khi kết quả đã chính thức được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, mọi nghi vấn về tính trung thực của VNR 500 có thể được loại trừ.

Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc đưa ra một bảng xếp hạng, ban tổ chức còn tiến hành thành lập một câu lạc bộ các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam- CLB VNR500 -nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu các doanh nghiệp tới cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước, đặc biệt tới thị trường Hoa Kỳ thông qua các buổi Roadshow, các buổi toạ đàm giới thiệu tại Trường Đại học Harvard và các thành phố: New York, Washington DC của Hoa Kỳ.(Tham khảo chi tiết tại:
http://vnr500.com.vn/vn/tinnong/33/index.aspx.)

Trong điều kiện hạn chế về nguồn cơ sở dữ liệu cũng như sự không đồng bộtrong mô hình quản lý, hạch toán kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chúng tôi đã cố gắng hết sức để đưa ra bảng xếp hạng VNR 500 nhằm xây dựng một bức tranh tổng thể phản ánh sức mạnh của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như những thành tựu đã đạt được trong hơn 20 năm đổi mới.

Bên cạnh những ưu điểm của bảng xếp hạng VNR 500, nhóm nghiên cứu chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót nhất định. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không muốn đi sâu vào những điểm đạt được của VNR 500, mà chỉ xin nêu ra một số khó khăn mà chúng tôi đã gặp phải trong quá trình đánh giá xếp hạng.Chúng tôihy vọng gợi mởphần nào cho các cuộc trao đổi, thảo luận từ các chuyên gia, các nhà quản lý, các đại diện doanh nghiệp, và từ chính công chúng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành xếp hạng còn non trẻ của Việt Nam sớm theo kịp bước tiến của thời đại.

Cơ sở dữ liệu - thách thức cho ngành xếp hạng của Việt Nam

Sự sẵn có,tính tin cậy và tính minh bạch của thông tin luôn là một vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam. Đó chính là một cản trở không nhỏ đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành xếp hạng doanh nghiệp nói riêng. Chính vì vậy, nhiều bảng xếp hạng doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam vẫn đang được tiến hành theo kiểu “bốc thuốc”, không có nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) đầy đủ và phương pháp luận đáng tin cậy.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin cũng như thẩm định thông tin, song chúng tôi đã tiến hành xây dựng được một bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về doanh nghiệp với nòng cốt là số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2007 của Tổng cục Thống kê kết hợp với nguồn cơ sở dữ liệu của Vietnam Report và từ một vài nguồn dữ liệu khác. Có thể nói, bảng xếp hạng VNR 500 đã tránh được tình trạng “bốc thuốc” của nhiều bảng xếp hạng doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh việc giải quyết được vấn đề “sự sẵn có của số liệu”, chúng tôi cũng đã gặp phải một số khó khăn trong việc đánh giá độ tin cậy của thông tin, tính sẵn sàng minh bạch của thông tin và những khó khăn trong việc xác định mô hình hạch toán trong các doanh nghiệp là thành viên thuộc các tổng công ty lớn hiện nay.

Tính đáng tin cậy của thông tin?

Thông tin về doanh nghiệp, cho dù là thông tin chính thống, đôi khi vẫn chưa thật đáng tin cậy. Điều này đặc biệt đúng đối với các số liệu về tài sản của doanh nghiệp. Việc định giá đất đai, thiết bị và tài sản vô hình vẫn đang là dấu hỏi lớn tại Việt Nam. Các con số về số lao động và về lợi nhuận cũng vậy. Như vậy, liệu việc xếp hạng các doanh nghiệp tại Việt Nam dựa trên các tiêu chí này trong thời điểm hiện nay có còn ý nghĩa? Đây thực sự là một câu hỏi lớn cho nhóm chuyên gia của Vietnam Report cũng như bất kỳ chuyên gia nào khi tiếp cận vấn đề.

Qua nghiên cứu thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, được sự tư vấn của GS. John Quelch, nhóm nghiên cứu đã quyết định áp dụng mô hình Fortune 500, xếp hạng doanh nghiệp theo doanh số đạt được. Vẫn biết nếu chỉ dùng doanh thu, thì cũng chưa thể phản ánh chính xác được thứ hạng của các doanh nghiệp trong một nền kinh tế. Song, mô hình của Fortune 500 là một mô hình khá đơn giản và hiệu quả, rất phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi, doanh thu là chỉ tiêu đáng tin cậy nhất đo lường quy mô của doanh nghiệp tại Việt Nam và phù hợp với thông lệ đánh giá doanh nghiệp trên thế giới.

Tính sẵn sàng minh bạch của thông tin?

Luật Thống kê hiện nay quy định không được công bố công khai thông tin của mỗi doanh nghiệp trong cuộc điều tra. Các doanh nghiệp tại Việt Nam đôi khi cũng vẫn còn tâm lý dè dặt khi công bố thông tin.

Tuy nhiên, cùng với việc Việt Nam đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế thế giới, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO và trình độ phát triển ngày càng cao của cơ chế kinh tế thị trường tại Việt Nam, thì việc công khai thông tin là một nhu cầu tất yếu.

Chính vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn phương án là chưa công bố thông tin chi tiết về kết quả kinh doanh, giá trị tài sản, số lượng lao động v.v. của mỗi doanh nghiệp, nhưng đồng thời sẽ gửi công văn tới từng doanh nghiệp đề nghị các doanh nghiệp chấp thuận cho phép nhóm nghiên cứu và ban tổ chức công bố số liệu về doanh nghiệp. Hy vọng sẽ nhận được phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp, như một sự xác nhận cho xu hướng kinh doanh minh bạch và hội nhập.

Câu chuyện của các tổng công ty nhà nước

Hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp không chỉ được thành lập theo Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005, mà theo rất nhiều bộ luật khác nhau như Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Ngân hàng và Tổ chức tín dụng… Vấn đề còn phức tạp hơn khi xét tới các tổng công ty, tập đoàn và các nhóm công ty mẹ, công ty con. Tổng cục Thống kê đã coi các đơn vị kinh doanh hạch toán độc lập là các đơn vị doanh nghiệp. Để đảm bảo sự đồng nhất về cơ sở dữ liệu, chúng tôi cũng tuân thủ theo cách định nghĩa doanh nghiệp này của Tổng cục Thống kê, tức là các doanh nghiệp được xếp hạng trong VNR 500 đều là các doanh nghiệp hạch toán độc lập.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy việc đánh giá xếp hạng các doanh nghiệp trong mô hình tổng công ty nhà nước hiện nay sẽ không tránh khỏi những thiếu sót nhất định trong quá trình xác định mô hình hạch toán của các đơn vị thành viên, bởi đây là thời điểm các tổng công ty lớn của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi. Chấp nhận thực tế của quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng bảng xếp hạng VNR 500 - Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt làm đối trọng và là cơ sở so sánh. Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, câu lạc bộ các doanh nghiệp thuộc VNR 500 sẽ là cầu nối, là biểu tượng đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
  • Theo : VNN-Vũ Đăng Vinh (CEO, Vietnam Report)