QĐND - Nhân dân cụm dân cư số 6 phường Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) phản ánh: Khi triển khai làm đường ống dẫn nước mới, trong khi nhân dân ở 5 cụm dân cư (từ số 1 đến số 5) không phải nộp tiền thì tại cụm dân cư số 6, các hộ dân mới đây đã nhận được thông báo, mỗi hộ phải “hỗ trợ” 1,5 triệu đồng.  

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đạt ở tổ 34 cho biết: Theo hợp đồng mua bán nước sạch thì người dân là những khách hàng mua nước sạch, còn Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) là bên bán với trách nhiệm là phải đầu tư trang thiết bị cung cấp nước sạch cho từng hộ dân. Nếu Công ty không làm đường ống dẫn đến thất thoát nước hoặc chất lượng nước kém thì thiệt hại cũng thuộc về Viwaco chứ không phải thiệt hại của người dân. Hơn nữa, Viwaco là doanh nghiệp phải lo vốn để kinh doanh, nếu khó khăn về vốn thì phải đi vay của ngân hàng hoặc có thể vay của dân rồi trả dần bằng sản phẩm (nước sạch). Đằng này, Viwaco lại “kêu gọi sự đóng góp của dân” nhưng thực chất là bắt bí dân phải đóng tiền mới mắc nước. Việc Viwaco thông qua chính quyền phường để áp đặt mức đóng góp “không hoàn lại” rõ ràng là không tôn trọng người dân. Pháp luật không cho phép các doanh nghiệp độc quyền được o ép người dân, làm theo cách có lợi cho mình.

Bà Dương Thị Là, tổ phó tổ 35, cụm dân cư số 6 cho hay: “Chủ trương làm đường ống nước mới bắt đầu từ năm 2012. Ban đầu, Công ty Viwaco phối hợp với UBND phường Kim Giang đã họp bàn và đề nghị mỗi hộ gia đình đóng 4 triệu đồng, nhưng chúng tôi đã phản đối vì nhiều hộ gia đình còn khó khăn, không có khả năng đóng một khoản tiền lớn như vậy. Sau đó, Viwaco hạ xuống 2,3 triệu đồng, 1,8 triệu đồng và cuối cùng là 1,5 triệu đồng, dù người dân không đồng tình nhưng cũng đành phải miễn cưỡng mang tiền đi đóng cho Viwaco, vì sợ nếu không đóng thì Viwaco sẽ cắt nước”.

Trả lời báo chí về vấn đề miễn cưỡng nộp tiền của người dân cụm dân cư số 6, ông Lê Trung Cường, Chủ tịch UBND phường Kim Giang cho biết: Toàn bộ cụm dân cư số  6 có 280 hộ dân, phần lớn là gia đình bộ đội nên rất khó khăn. Ngày xưa dùng nước của trạm giếng khoan ở gần nhà văn hóa, giá rẻ hơn nhiều. Hai năm trở lại đây, dân chuyển sang dùng nước sạch của sông Đà. Nước này phải mua. Thời gian gần đây, do phát hiện nước thất thoát quá lớn, công ty bị thua lỗ, nên Viwaco mới có phương án thay thế đường ống mới. Phường cũng đã trao đổi và đi đến thống nhất với đại diện các tổ dân phố đóng góp 1,5 triệu đồng mỗi hộ. 

Còn bà Đỗ Thị Thanh Mai, Phó chủ tịch UBND phường Kim Giang thì cho rằng: “Số tiền đóng góp là do thỏa thuận giữa đại diện các cụm dân cư và Viwaco”. 

Được biết, vào cuối năm 2010, sau khi vận động nhân dân ở cụm dân cư số 6 phường Kim Giang thay đường ống dẫn nước cũ bằng đường dẫn ống nước mới không có hiệu quả, cả cụm dân cư số 6 “bỗng dưng” bị mất nước sạch tới 10 ngày. Dân cư trong cụm đã phải đôn đáo chạy khắp mọi nơi, với rất nhiều đơn thư khiếu nại, việc cấp nước sạch mới quay trở lại. 

Cũng tại cụm dân cư số 6 phường Kim Giang, vào năm 1998, để có nước sạch dùng, mỗi hộ dân ở đây đã phải bỏ ra 1,5 triệu đồng (tương đương ba chỉ vàng) để lắp đặt đường ống dẫn nước. Người dân ở đây trước kia cũng đã phải đóng tiền để xây dựng đường điện, đổ bê-tông ngõ, ngách.

Đề nghị Viwaco thực hiện đầy đủ nghĩ vụ đối với nhân dân cụm dân cư số 6.

PHÚ THỌ