QĐND Online – Có, hay không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư là một nội dung được phân tích, thảo luận nhiều tại hội trường Quốc hội. Sáng 20-11, Quốc hội đã biểu quyết và quyết định không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư với 330 đại biểu tán thành (đạt 66,27%)…

Do có nhiều ý kiến trái chiều về việc có, hay không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư, Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về vấn đề này. Có 425 đại biểu cho ý kiến (3 phiếu không hợp lệ). Tuy nhiên, số ý kiến về từng phương án không có sự chênh lệch lớn (215/422 ý kiến nhất trí với phương án cho phép và 208/422 ý kiến nhất trí với phương án không cho phép).

Giảng viên và học viên Học viện Tư pháp tham gia một buổi thực hành kỹ năng tranh tụng tại tòa (ảnh mang tính minh họa). Nguồn: Tiền Phong

Những đại biểu đồng tình cho phép, đề nghị chỉnh lý quy định tại điểm b khoản 4, Điều 17 Dự thảo Luật theo hướng cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật luật hành nghề luật sư (trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cho phép đối tượng trên được hành nghề luật sư nhưng chỉ ở lĩnh vực tư vấn pháp luật). Các đại biểu này cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung cho đội ngũ luật sư, vừa phát huy năng lực chuyên môn, vừa giúp đội ngũ giảng viên pháp luật có điều kiện kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ này.     

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc có cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không cần được cân nhắc kỹ. Vì cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy và khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư trong khi số giảng viên đại học chuyên ngành luật so với yêu cầu phát triển còn rất thiếu. Hơn nữa, nếu cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm hành nghề luật sư cũng chưa khắc phục được những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư những năm vừa qua. Ngoài ra, nếu chỉ cho phép đối tượng nói trên hành nghề luật sư ở lĩnh vực tư vấn pháp luật sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và cũng không giải quyết được vấn đề bức xúc nhất hiện nay là thiếu luật sư tham gia tố tụng, đặc biệt trong hoạt động tố tụng hình sự. Hơn nữa, hoạt động tư vấn pháp luật của viên chức giảng dạy pháp luật đã được pháp luật hiện hành điều chỉnh, nên không cần thiết bổ sung trong Luật này. Ngày 20-11, trước khi biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết nội dung này và 66,27% đại biểu Quốc hội tán thành với quy định không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư.

Nội dung quy định thời gian đào tạo và nội dung tập sự hành nghề luật sư cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và có ý kiến khác nhau. Một loại ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian đào tạo và tập sự hành nghề luật sư như quy định hiện hành (6 tháng đào tạo và 18 tháng tập sự); có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian tập sự hành nghề luật sư lên 2 năm.

UBTVQH nhận thấy, thời gian đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư quy định tại dự thảo Luật đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Luật sư và việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Theo đó, tổng thời gian đào tạo nghề và tập sự hành nghề luật sư là 2 năm (Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng và thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng). Quy định này cũng nhằm bảo đảm mặt bằng chung về thời gian đào tạo giữa luật sư và các chức danh tư pháp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định của Dự thảo Luật. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã được Quốc hội thông qua với 431 đại biểu tán thành (đạt 86,55%).

XUÂN DŨNG