Trong vụ sản xuất lúa Đông Xuân năm 2012-2013, tỉnh Đồng Tháp có 26 đơn vị doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo (7 doanh nghiệp trong tỉnh và 19 doanh nghiệp ngoài tỉnh) được phân bổ thu mua tạm trữ...
QĐND Online - Trong vụ sản xuất lúa Đông Xuân năm 2012-2013, tỉnh Đồng Tháp có 26 đơn vị doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo (7 doanh nghiệp trong tỉnh và 19 doanh nghiệp ngoài tỉnh) được phân bổ thu mua tạm trữ. Các doanh nghiệp trên mua lúa khô với giá từ 5.100 đến 5.400đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg so với thời điểm chưa triển khai thu mua tạm trữ.
Tính đến ngày 31-3, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trong tỉnh đã thu mua được 86.444 tấn quy ra gạo, các doanh nghiệp ngoài tỉnh đã thu mua được 128.873 tấn quy ra gạo. Còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn cho các doanh nghiệp vay để thu mua tạm trữ gạo với dư nợ khoảng 459 tỷ đồng…
 |
Người dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thu hoạch lúa Đông Xuân 2012-2013. |
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đồng Tháp, chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, một chủ trương đúng đắn nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập và nhìn chung chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, thời điểm thu mua lúa cho nông dân từ ngày 20-2-2012 là chưa phù hợp với tình hình thực tế ở Đồng Tháp vì vào thời điểm này trên 60% diện tích lúa trong tỉnh đã thu hoạch. Đến thời điểm doanh nghiệp thực tế thu mua đã có khoảng 80% diện tích lúa đã thu hoạch, theo đó nhiều nông dân đã bán lúa tại ruộng cho tiểu thương (tiểu thương mua lúa để bán lại do doanh nghiệp) nên không còn hưởng lợi từ việc mua tạm trữ. Cơ chế thẩm định để phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp mua tạm trữ cũng chưa được rõ ràng, không gắn kết với chính quyền địa phương nên xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp có năng lực trên địa bàn tỉnh không được phân bổ chỉ tiêu mua lúa tạm trữ theo đúng năng lực thật sự của họ.
Ngoài ra, Đồng Tháp có sản lượng lúa hằng năm đứng thứ 3 cả nước với trên 3 triệu tấn lúa/năm nhưng chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ có 74.000 tấn gạo tương đương 148.000 tấn lúa là chưa tương xứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu của tỉnh.
Vì vậy, mới đây, ngày 14-5, ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thu mua tạm trữ trên, đồng thời kiến nghị, cần xem xét thời gian triển khai thu mua tạm trữ lúa, gạo phù hợp với thời gian thu hoạch thực tế các vùng. Tăng chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp thuộc địa phương có vùng nguyên liệu nhiều như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp... để giúp tiêu thụ lượng lúa hàng hóa cho nông dân. Cần quy định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu, ưu tiên phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp có xây dựng vùng nguyên liệu.
Tin, ảnh: VĂN XÂY