 |
Một trong những sản phẩm “ninh xương nhừ” được bán ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) |
Dư luận vô cùng lo lắng khi nghe thông tin nhiều người bán bún, phở đã dùng chất tẩy rửa nhà cửa,toa-lét để ninh hầm xương, thịt, làm nước dùng của phở. Thông tin này có thật hay không? Thực hư của việc sử dụng các hoá chất, phụ gia trong chế biến thực phẩm hiện nay ra sao? Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào để bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng...? Chúng tôi đã đi tìm hiểu về vấn đề này.
Bột làm nhừ xương là chất gì?
Thông tin về các hàng phở dùng hóa chất tẩy cọ toa-lét để ninh hầm xương thịt làm nước dùng được nhanh đã khiến cho không ít người dân rùng mình. Nhiều chị em phụ nữ ra chợ bàn tán xôn xao về vấn đề này và bày tỏ sự lo sợ. Thế nhưng theo quan sát của chúng tôi, không có nhiều biến động từ các cửa hàng phở. Trưa hôm qua (15-9), những cửa hàng phở trên phố Bát Đàn, Hà Nội vẫn nườm nượp khách vào ăn. Chị Trần Thị Lan (nhà ở phố Phùng Hưng) cho biết, chị có nghe thông tin về việc dùng hóa chất tẩy rửa nhà cửa để ninh làm nhừ xương. Chị cho rằng, có chăng thì một số cửa hàng chứ không phải tất cả. Chị vẫn ăn phở vào buổi sáng và chọn nhà hàng nào có uy tín để ăn cho bảo đảm an toàn. Một số người thì tỏ ra nghi ngờ thông tin đó.
Trong vai người đi mua hàng, chúng tôi đến một số địa điểm chuyên bán các loại phu gia thực phẩm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội như: chợ Hàng Da, phố Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua… Bất cứ quầy nào chúng tôi hỏi đều có bán chất này. Điều đáng nói là không một quầy nào bày bán công khai cả. Chỉ sau khi có một số động tác thăm dò, những người bán hàng mới lấy từ sau quầy ra, hoặc bỏ đi một lúc rồi mang lại những túi bột trắng (1kg) hoặc lọ nhựa nhỏ 100mg rồi khẳng định tất cả các hàng phở đều mua những loại này, ngoài ra không còn loại nào khác. Xem xét những loại bột được chủ hàng đưa, chúng tôi không tìm thấy bất cứ một thông tin nào bảo đảm về công dụng và chất lượng. Chúng tôi cũng chưa tìm thấy loại bột ninh nào lại vừa có công dụng tẩy rửa toa-lét vừa có công dụng làm phụ gia trong nấu ăn. Túi bột trắng 1kg được đóng túi thủ công (buộc miệng túi bằng dây chun), trên vỏ có hai chữ viết tay bằng bút dạ: “bột nhừ”. Ngoài ra, không có bất cứ một thông tin gì. Chủ quầy hàng Dũng Khánh (chợ Đồng Xuân) tỏ vẻ khó chịu khi thấy chúng tôi hỏi thêm thông tin hàng hoá rồi gắt gỏng: Đây là hàng trong nước, nhập từ Bắc Giang, có thể để hàng năm không hỏng, mỗi lần dùng chỉ cần nửa thìa con, có mua thì mua, không hỏi nhiều… Gói bột 1kg này ở phố Hàng Buồm bán với giá 10.000đồng/kg, còn ở chợ Đồng Xuân là 25.000đồng/kg. Quầy hàng Cường Liên (Chợ Đồng Xuân) cũng có loại bột nhừ nói trên nhưng lại giới thiệu mặt hàng “xịn hơn” nhập của Thái, đó là một hộp nhựa nhỏ 100mg tên là: Bicarbonate of Soda, giá 15.000đồng/1hộp. Chị bán hàng khẳng định: đây là hàng bảo đảm chất lượng, ninh xương thịt mềm nhanh gấp đôi thời gian bình thường, cứ yên tâm mua đi không sợ, về dùng thử sau lại đến, mua lúc nào cũng có… Hộp màu xanh, kiểu dáng giống như hộp đựng sữa chua, nguồn gốc không rõ ràng, không hề có thông tin về công dụng và hướng dẫn sử dụng; đóng gói sơ sài, không niêm phong, không có chống ẩm. Đặc biệt, cầm hộp trên tay một lúc thì nhãn in trên vỏ hộp đã phai nhoè nhoẹt ra tay.
Một số hàng phở trên phố Hàng Vải và Bát Đàn e dè, thận trọng trả lời chúng tôi không biết loại bột này hoặc không dùng loại bột ninh này. Còn theo một dược sĩ ở cửa hàng thuốc số 10 Lý Nam Đế thì bột Bicarbonate of Soda đó thường được dùng để chữa bệnh đau dạ dày! Tóm lại, việc sử dụng loại bột giúp ninh nhừ xương nhanh là có. Tuy nhiên, những loại bột nói trên có trong danh mục các chất được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm hay không và nguồn gốc, chất lượng ra sao là điều cần phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Thị trường phụ gia thực phẩm bị thả nổi?
Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế cho biết: Thông tin trên bà cũng mới mới nhận được qua báo chí một vài hôm gần đây. Từ trước đến giờ thì cục An toàn vệ sinh thực phẩm chưa nhận được bất cứ một thông tin và báo cáo nào từ các đơn vị ở cơ sở về việc dùng hóa chất tẩy rửa trong ninh nhừ xương thịt. Sự việc mà báo chí nêu vừa qua, cơ quan chức năng chưa thể khẳng định là đúng nhưng cũng không chắc chắn là không có việc đó, sẽ sớm tiến hành kiểm tra để có kết luận chính xác. Tuy nhiên, việc kinh doanh chất phụ gia không rõ nhãn mác, nguồn gốc là hoàn toàn sai phạm, cần phải được thanh tra và xử lý nghiêm. Bà cũng khẳng định: Không bao giờ có một chất phụ gia lại vừa có thể là hóa chất cọ toa-lét, nhà cửa, lại vừa dùng trong chế biến thực phẩm. Đây là hai hóa chất hoàn toàn khác nhau với những mục đích sử dụng khác nhau.
Theo bà Trâm thì việc sử dụng hóa chất và phụ gia để chế biến thực phẩm là việc cần thiết và rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm trong thời kỳ hiện nay. Tuy nhiên các phụ gia đó phải bảo đảm hai yêu cầu: có trong danh mục được Bộ Y tế quy định, phải đạt được độ tinh khiết (gần tuyệt đối 90-100%) và không được dùng quá liều lượng. Việc sử dụng hoá chất, phụ gia trong chế biến thực phẩm đòi hỏi vô cùng tỉ mỉ, thận trọng, tuân thủ chặt chẽ công thức khoa học. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng hóa chất và các chất phụ gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, nhà hàng, quầy thức ăn đường phố thì rất khó tuân thủ được các quy trình kỹ thuật và mức độ, hàm lượng cho phép như vậy.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề rất bức xúc là vậy. Tuy nhiên, công tác quản lý về vấn đề này lại còn quá lỏng lẻo. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, PGS-TS Nguyễn Thị Khánh Trâm bày tỏ: Hiện nay việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và chất phụ gia thực phẩm nói riêng là rất khó khăn. Trừ một số cơ sở kinh doanh có đăng ký kinh doanh thì kiểm soát được, còn lại phần lớn phụ gia với những nguồn gốc không rõ ràng được bán tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trong chợ, trên đường phố là “mặt hàng chìm” mà cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được. Nguồn hàng hóa này lại được người dân sử dụng rất nhiều vì dễ mua và giá rẻ. Trong khi đó, những phụ gia bảo đảm chất lượng thuộc danh mục quy định được phép sử dụng thì không thể có giá thấp như thế.
Hiện nay, việc quản lý vấn đề này đã được phân cấp cho sở Y tế các tỉnh, thành phố. Nhưng mới chỉ có duy nhất sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Phòng vệ sinh an toàn thực phẩm, còn ở các tỉnh khác, cán bộ đều là kiêm nhiệm, lực lượng cán bộ chuyên môn quá mỏng và thiếu phương tiện kỹ thuật. Không chỉ khó khăn về lực lượng, phương tiện mà việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí. Bởi muốn kiểm tra được đến nơi đến chốn cần có kinh phí chi trả cho cán bộ chuyên môn, mua sắm trang thiết bị xét nghiệm các mẫu thực phẩm… Ngoài những đợt kiểm tra định kỳ hoặc các chiến dịch kiểm tra, thì giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Nỗi sợ hãi về phụ gia thực phẩm sẽ vẫn còn đeo đẳng trong tâm lý người tiêu dùng mà chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục. Người dân mong đợi sự quan tâm đúng mức của Chính phủ và chờ đợi những biện pháp quản lý quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường phụ gia thực phẩm nếu không sớm chấn chỉnh thì hậu quả của nó sẽ khôn lường đối với sức khoẻ của cả cộng đồng xã hội.
HẠNH NGUYÊN và THANH MINH