QĐND Online – Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang dần đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người tiêu dùng (NTD) và doanh nghiệp, tuy nhiên sau một năm triển khai thực hiện cũng đã nảy sinh một số tồn tại, đòi hỏi cần có biện pháp tháo gỡ…
Sáng 18-7, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực thi luật, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội bảo vệ NTD và doanh nghiệp. Các đại biểu đã tập trung đánh giá việc thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thảo luận những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi Luật, đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD và doanh nghiệp.
 |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thu Hùng
|
Kết quả và hạn chế
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 17-11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2011.
Cùng với sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động bảo vệ NTD.
Để Luật đi vào cuộc sống, trong năm qua các cơ quan hữu quan cùng với địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định và điều khoản đến từng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn cho các đối tượng thuộc cơ quan quản lý nhà nước, các cấp cũng như các lực lượng thực thi Luật bao gồm: Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Bộ đội Biên phòng…
Bên cạnh đó, các ngành, cơ quan, tổ chức từ Trung ương tới địa phương cũng chú trọng công tác tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, khiếu nại của NTD. Theo ông Nguyễn Nam Phương – Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, trong năm 2011 có hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương và tỉ lệ giải quyết thành công là 90,2%; gần 2.000 vụ việc khiếu nại đến hội bảo vệ người tiêu dùng các địa phương và khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh.
Ngay cả cộng đồng doanh nghiệp cũng có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Thời gian qua đã có 10 trường hợp doanh nghiệp chủ động thu hồi sản phẩm với số lượng khoảng 15.000 sản phẩm sau khi phát hiện ra lỗi trên sản phẩm. Nhiều Tổng công ty, Tập đoàn lớn đã thực hiện việc đăng ký hợp đồng sản xuất theo mẫu và tự giác tuân thủ các điều kiện giao dịch theo tiêu chuẩn. Cùng với đó, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã có những bước chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, công tác thực hiện Luật Bảo vệ về quyền lợi người tiêu dùng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi cho NTD tại nhiều địa phương chưa được triển khai một cách đồng bộ và bài bản. Thẳng thắn đề cập tới những tồn tại , ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, các Sở Công Thương chưa thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước và chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật một cách có hiệu quả. Còn theo Phó giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Bùi Gia Tuấn, các Sở Công Thương không có bộ máy chuyên trách thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi NTD, không có cả cán bộ chuyên trách thực hiện việc Quản lý Nhà nước về bảo vệ NTD. Công tác này thường được giao cho một chuyên viên của Phòng Quản lý Thương mại kiêm nhiệm nên không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu và tham mưu cho Sở về Luật bảo vệ NTD.
Trong khi đó, hoạt động của các hiệp hội bảo vệ NTD còn thiếu hiệu quả do gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, như: Thiếu kinh phí, thiếu quyền hạn, thiếu đội ngũ chuyên môn... Vì vậy, các tổ chức này chưa hỗ trợ được nhiều khi NTD có tranh chấp, khiếu nại.
Đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một phần quan trọng trong công tác thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng nhân lực và vật lực dành cho mặt trận này vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các lực lượng trong cuộc chiến chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng còn chưa thực sự hiệu quả.
Cũng theo ông Trần Hùng, tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại diễn biến ngày một tinh vi, phức tạp. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và bắt giữ hơn 6.600 vụ sai phạm và đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
 |
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thu Hùng
|
Trên thực tế, việc thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng “mới chỉ dừng ở mức độ khởi động”, đó là đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm TTK Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Giải pháp và đề xuất
Theo ông Nguyễn Nam Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương thì việc nâng cao năng lực cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD và từng bước hình thành, hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD từ Trung ương đến địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường chú trọng và phát triển các Hội bảo vệ NTD vì đối tượng họ bảo vệ là tất cả NTD. Tuy nhiên, họ lại gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình do thiếu kinh phí, thiếu quyền hạn... Ông Bùi Gia Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ để các Hội bảo vệ NTD sớm được công nhận là tổ chức xã hội đặc thù.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp tích cực để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống.
Cùng với việc phối hợp với báo chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật; các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ NTD và đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – PCT kiêm TTK Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh, việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng mà phần lớn nhờ vào NTD. NTD cần hiểu biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD để bảo vệ mình và tránh tiếp tay cho các đơn vị sai phạm bằng cách tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng và thông báo cho cơ quan chức năng sớm nhất. Chính người tiêu dùng là những người bảo vệ mình thông thái nhất.
Hoàng Anh