Ảnh minh họa.

QĐND - Ngày 2-8, trang tin Gazeta.ru, một trong ba tờ báo điện tử tư nhân lớn nhất tại Nga, đăng bài phỏng vấn Tiến sĩ A. Y-an-cốp (Alexandr Yankov), nguyên Đại diện thường trực Bun-ga-ri tại Liên hợp quốc (LHQ) và hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về luật quốc tế, cho rằng: Những sự kiện gần đây ở châu Á-Thái Bình Dương cho thấy vai trò của LHQ và luật pháp quốc tế đang bị lung lay. Nếu trước đây, các quốc gia có thể đàm phán để đi đến thỏa hiệp thì hiện nay, một số nhóm quốc gia đang hành động một cách độc đoán để đạt được lợi ích vị kỷ. “Với tư cách là Đại diện thường trực của Bun-ga-ri tại LHQ, tôi đã từng bỏ ra 8 năm để cùng với các đồng nghiệp quốc tế soạn thảo Công ước LHQ về Luật Biển. Nhưng với những hành động như vừa qua, Trung Quốc đã làm ngơ văn bản pháp lý này và coi như nó chưa từng tồn tại", chuyên gia A. Y-an-cốp cho biết. Ông A. Y-an-cốp cũng khẳng định, vừa qua, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Dù Bắc Kinh có cố gắng biện hộ thế nào thì vị trí hạ đặt giàn khoan cũng nằm rất xa phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của họ và điều này đã được quy định trong UNCLOS 1982 mà Trung Quốc chính thức tham gia. Chuyên gia A. Y-an-cốp nhấn mạnh, để bảo đảm an ninh ở Biển Đông, các bên liên quan cần tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với các nước ASEAN năm 2002.

Trong khi đó, cùng ngày, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài viết của Giáo sư Can Thay-ơ (Carl Thayer) thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a, đưa ra kiến nghị về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó nhấn mạnh, muốn giành được sự ủng hộ, Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Giáo sư Can Thay-ơ bình luận, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc nên nhận ra rằng, nỗ lực của Bắc Kinh thuyết phục các nước khác về "chủ quyền lịch sử" hay "chủ quyền không thể tranh cãi" của họ ở Biển Đông ít có khả năng thành công mà chỉ làm gia tăng đối đầu và căng thẳng. Trung Quốc nên bảo đảm rằng, tất cả các thỏa thuận và điều luật trong nước của họ phù hợp với luật pháp quốc tế. Chỉ có như thế mới giúp Trung Quốc mạnh mẽ hơn về pháp lý và làm nền tảng cho hoạt động ngoại giao. Trung Quốc nên làm rõ yêu sách về "chủ quyền lịch sử" hay "chủ quyền không thể tranh cãi" với độ chính xác. Cho đến bây giờ, Bắc Kinh đã nói quá nhiều lần rằng họ có đủ bằng chứng cho yêu sách của mình nhưng chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng chi tiết nào. Ví dụ tiêu biểu nhất là bản đồ 9 đoạn (nay là 10 đoạn) đã bị các chuyên gia pháp lý quốc tế cho rằng nó chỉ là một mẩu thông tin không có giá trị yêu sách chủ quyền. “Chỉ cần Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, điều này sẽ giúp biến các tranh chấp chủ quyền từ đối đầu trên thực địa thành đối đầu pháp lý. Nếu Trung Quốc và các nước trong khu vực chấp nhận phán quyết của một tòa trọng tài độc lập, điều này sẽ đóng góp rất lớn vào mục tiêu duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á. Đây là một thắng lợi cho tất cả các bên”, Giáo sư Can Thay-ơ viết.

HOÀNG VŨ