QĐND - Từ bao đời nay, người nông dân xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) chủ yếu sống bằng nghề chuyên canh cây lúa, cây khoai lang, ngô, cùng vài loại rau màu khác. Loay hoay mãi với các cây trồng quen thuộc trên thì người nông dân vẫn chỉ ở trong cái vòng luẩn quẩn đói nghèo.

Bước “đột phá” khiến cho các hộ nông dân nơi đây bớt khổ, bớt đói nghèo là cách đây gần 10 năm, khi có vài gia đình mang cây hoa đào và quất cảnh về trồng thử nghiệm trên đất trồng lúa, khoai. Tuy nhiên, bước khởi đầu này có cả thất bại và thành công. Trồng hoa đào, năm thì nở trước Tết, năm thì lại nở vào tháng Giêng. Còn quất cảnh thì quả xanh, quả chín còi cọc, bán không ai mua…

Không nản lòng với những thất bại ấy, khoảng gần chục hộ dân trồng hoa, cây cảnh nơi đây đã quyết bám trụ và sang các làng hoa truyền thống như Nhật Tân, Quảng Bá để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm trồng đào, trồng quất cảnh. Kỹ năng “ngóng” thời tiết để đảo quất, tuốt lá đào sao cho quất ra quả chín đều và đào nở hoa vào đúng dịp Tết cũng được người nông dân Uy Nỗ học hỏi. Khi đã có được chút ít kinh nghiệm, qua vài mùa thử nghiệm, tới mùa thứ 3, thứ 4 những hộ dân đi đầu với cây hoa đã thành công và bắt đầu có thu nhập. Anh Nguyễn Văn Tâm ở thôn Cầu Cả là một trong những người trồng hoa đầu tiên ở Uy Nỗ kể rằng: “Khi đã bắt đầu thành công thì chỉ với một sào đất trồng hoa đào, nhà tôi đã có thu nhập bằng cả một mẫu trồng lúa trong một năm...”. Cũng theo anh Tâm, với một sào Bắc Bộ (360m2), trồng được khoảng 250 cây hoa đào, chỉ cần đào trúng vụ và bán với giá trung bình 150.000 đồng/cành như Tết năm trước thì tổng thu cũng vào khoảng gần 40 triệu đồng. Trừ đi chi phí giống, phân bón vẫn còn lời khoảng 25 triệu đồng. Nếu trồng lúa, cũng với một sào đất như thế thì 1 năm 2 vụ mức lợi nhuận cao nhất cũng chỉ vài ba triệu đồng. Tất nhiên là khi chuyển đổi từ lúa sang hoa, người nông dân phải thức khuya, dậy sớm và tốn rất nhiều công sức, chứ không hề nhàn hạ như trồng lúa, trồng khoai.

Sự thành công của cây hoa từ những hộ dân ấy đã thôi thúc rất nhiều hộ dân khác quyết dứt bỏ cây lúa để chuyển sang nghề trồng hoa đào, quất cảnh. Hiện tại, riêng thôn Cầu Cả, nằm ngay sát cạnh Quốc lộ 3, có tới 70% số hộ trồng hoa đào, hoặc quất cảnh. Chị Lê Thị Hà, chủ nhân một vườn quất cảnh gần 2 sào với 400 gốc quất cảnh đang vàng rực quả chuẩn bị bán Tết kể về duyên kỳ ngộ khiến gia đình chị đến với nghề trồng hoa. Chị cho hay: “Hai năm đầu đều thất thu nên gia đình kiệt quệ về kinh tế. Em tôi động viên mãi và tôi bám trụ tới năm thứ 3 mới bắt đầu có thu nhập khi quất cảnh trúng mùa. Tới năm thứ 4 thì tôi đã trả hết nợ và có tích lũy. Phát huy thế mạnh cây quất, tôi đã thay nốt gần một sào ruộng còn lại bằng quất và đến nay, nghề hoa đã theo gia đình tôi được gần 10 năm.

Không chỉ gia đình chị Hà, anh Tâm, bà Lan, cô Thắm... ở Cầu Cả đang giàu lên nhờ nghề hoa, cây cảnh, mà rất nhiều hộ dân ở Uy Nỗ cũng thực sự “phất” lên khi quyết định bỏ lúa để trồng hoa. Người dân nơi đây đã, đang thực sự làm giàu từ cây hoa cảnh và đây cũng là một điển hình hiệu quả về chuyển dịch cơ cấu cây trồng...

Tuấn Anh