QĐND - Cách đây 30 năm, ngày 10-12-1982, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), được 107 quốc gia,  trong đó có Việt Nam, ký tại Vịnh Montego thuộc Gia-mai-ca, đánh dấu thành công của Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ ba, với sự tham gia của trên 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ. 30 năm sau, trong buổi lễ kỷ niệm ngày ra đời của UNCLOS 1982 diễn ra ở Hàn Quốc hồi tháng 8, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) đã khẳng định, UNCLOS 1982 là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng nhất của thế giới và là công cụ cho sự phát triển bền vững mà các quốc gia cần phê chuẩn.

Bản "Hiến pháp về đại dương"

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ -  một trong những người đầu tiên tham gia biên dịch các tài liệu và nội dung Công ước ra tiếng Việt, UNCLOS 1982 được xem là “Hiến pháp quốc tế về biển và đại dương”, chỉ đứng sau Hiến chương LHQ bởi Công ước này liên quan tới 70% diện tích bề mặt trái đất. UNCLOS 1982 có ý nghĩa, tầm vóc lớn về mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế và ngày càng được coi trọng trong thời kỳ hiện nay khi loài người bước vào thế kỷ 21, thế kỷ hướng ra đại dương.

Là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục, chứa đựng hơn 1000 nguyên tắc và quy phạm pháp lý khác nhau, UNCLOS 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Những quy định của UNCLOS 1982 là kết quả của quá trình hợp tác, đấu tranh, thỏa hiệp và xây dựng trong nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển kinh tế, góc nhìn luật pháp khác nhau. 

Trên thực tế, UNCLOS 1982 thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế bởi nó không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán. UNCLOS 1982 thể hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới. UNCLOS 1982 đã đề ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó tất cả các hoạt động ở các biển và đại dương phải được tuân thủ và tạo cơ sở quan trọng cho việc duy trì nền hòa bình và ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác hợp lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển và môi trường ở các vùng biển trong và ngoài thẩm quyền quốc gia. Quan trọng hơn, UNCLOS 1982 đã thiết lập một cơ chế mới nhằm giải quyết tranh chấp biển, từ đó cung cấp cho các bên nhà nước một phương tiện hữu ích để giải quyết các bất đồng một cách hòa bình. UNCLOS 1982 cũng tạo ra sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của các bên. 

Tiến sĩ Trần Công Trục cho hay, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, UNCLOS 1982 đưa vào các quy định cho phép quốc gia thành viên vận dụng xác định phạm vi vùng biển, cách thức và phạm vi của vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia. Trong các văn bản trước của thế giới đã đặt ra vấn đề này nhưng không rõ ràng cụ thể. “Trước đây khi quy định lãnh hải nói chung là các quốc gia có quyền mở rộng lãnh hải không quá 12 hải lý hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý chưa được đề cập đến, có một số quốc gia trong thực tế quy định lãnh hải 200 hải lý như các nước Mỹ La-tinh. Hay trước đây cũng chưa quy định cụ thể cách thức tính phạm vi vùng biển, thậm chí cách tính cũng rất mơ hồ. Vì vậy các quốc gia tùy lợi ích của mình mà vận dụng, dẫn đến làm phức tạp tình hình”, ông Trục lấy ví dụ.  

Bên cạnh đó, theo những điều khoản trong UNCLOS 1982, trên từng vùng biển không những xác định phạm vi mà còn đưa ra quy định, quy phạm pháp luật xác định quyền hạn, nghĩa vụ của các quốc gia ven biển đối với các vùng biển mà họ có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, cũng như các quốc gia khác kể cả quốc gia không có biển. Tùy tính chất từng vùng biển mà mức độ quy phạm pháp luật khác nhau, không phải tất cả vùng biển đều chung chế độ pháp lý. Có những mức độ khác nhau xác định rõ ràng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia. “Nếu không nhận thức rõ điều này, có thể dẫn đến tranh chấp phức tạp trong quá trình các quốc gia ven biển và các quốc gia khác khi hoạt động trên vùng biển đó có thể có xung đột nhau về mặt pháp lý. So với các văn bản liên quan đến luật biển trước đây, tập quán thực tiễn quốc tế đã áp dụng, thì quy định của UNCLOS 1982 là tiến bộ, đầy đủ và rõ ràng hơn”, Tiến sĩ Trục đánh giá.

 “Một trong những điểm đặc biệt quan trọng là khi đưa ra những tiêu chuẩn, quy phạm xác định những nội dung đối với các vùng biển về mặt địa lý, khoa học kỹ thuật, pháp luật, UNCLOS 1982 đã lường trước được có những tranh chấp, vùng chồng lấn giữa các quốc gia ven biển kế cận hoặc đối diện nhau khi họ dựa vào công ước đưa ra phạm vi ranh giới phạm vi vùng biển theo công ước quy định. Từ đó đưa ra những quy định và trù liệu cơ chế quốc tế giúp giải quyết tranh chấp với chức năng nhiệm vụ hết sức rõ ràng. Đây là nội dung hết sức ý nghĩa trong tình hình hiện nay khi hoạt động của loài người hướng ra biển ngày càng nhiều, sự mâu thuẫn giữa quốc gia phát triển với đang phát triển ngày càng gia tăng, chưa tính đến những tham vọng chính trị khác trong việc khống chế trên các vùng biển”, Tiến sĩ Trục cho hay.

UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16-11-1994 và đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX và là điều ước quốc tế phổ cập với 164 quốc gia thành viên, tính đến thời điểm hiện nay.

 

Việt Nam thực hiện tốt UNCLOS vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực 

Phát biểu trong Phiên thảo luận chung của ĐHĐ LHQ khóa 67 về Đề mục "Luật Biển và đại dương" hôm 11-12, nhân kỷ niệm 30 năm ngày ký UNCLOS 1982, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ, cho rằng UNCLOS thể hiện nguyện vọng của cộng đồng quốc tế về một trật tự luật pháp quốc tế bình đẳng ở các đại dương và được hầu hết các nước trên thế giới chấp nhận. Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định, ngay sau khi UNCLOS được thông qua, Việt Nam là một trong số 107 quốc gia ký Công ước ngày 30-4-1982. Và kể từ khi phê chuẩn UNCLOS năm 1994, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện Công ước như đã nêu trong Bản báo cáo thực hiện UNCLOS của Việt Nam gửi Tổng thư ký LHQ, hiện đang được lưu hành như một tài liệu chính thức của Khóa họp ĐHĐ thứ 67 theo Điều khoản Chương trình nghị sự 75 (a) (Đại dương và Luật biển).

Căn cứ các quy định của UNCLOS cũng như xem xét tình hình thực tiễn, tháng 6-2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một nỗ lực pháp lý quan trọng của Việt Nam nhằm cụ thể hóa các quy định của UNCLOS thành luật pháp quốc gia của Việt Nam, góp phần cải thiện khung pháp lý quốc gia liên quan đến biển và hải đảo của Việt Nam. Luật Biển của Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho Việt Nam trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ các vùng biển và các nguồn tài nguyên.

Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh, là một quốc gia có 3.260km đường bờ biển thuộc Biển Đông, Việt Nam rất quan tâm đến công tác duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông bao gồm bảo đảm an ninh hàng hải, thúc đẩy thịnh vượng và hợp tác hữu nghị phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Việt Nam kêu gọi tất cả các nước ký kết cũng như các nước khác ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố năm 2012 của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông. Việt Nam sẵn sàng hoạt động sớm ký kết một đạo luật ứng xử ở Biển Đông nhằm thúc đẩy hơn nữa nền hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

Những vấn đề cơ bản được đưa vào nội dung UNCLOS 1982 bao gồm: Quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy đại dương-di sản chung của loài người; Việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật; Vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; Vấn đề giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; Quy chế hoạt động của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa, Tòa án Luật biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước...

TRANG TOÀN