QĐND - Theo hãng tin Tân Hoa xã, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) đã bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Lý do khiến ông Chu Vĩnh Khang bị bắt là do “làm lộ bí mật của Đảng và Nhà nước” và có những hành vi “gây hậu quả nghiêm trọng”, theo hãng tin này...

Tham nhũng, nhận hối lộ và tiết lộ bí mật quốc gia

Tân Hoa xã cho biết quyết định khai trừ đảng đối với ông Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương (chức vụ giám sát các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc) được đưa ra tại "một cuộc họp ngày 5-12 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc". Ông Chu Vĩnh Khang cũng đồng thời "bị điều tra pháp lý", động thái mở đường cho việc khởi tố quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc kể từ sau vụ “bè lũ bốn tên” xét xử năm 1980.

Ông Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức. Ảnh: AP

Những quyết định này được đưa ra sau khi toàn bộ các thành viên Bộ Chính trị được nghe báo cáo điều tra đầy đủ về những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Chu Vĩnh Khang, do Ủy ban Điều tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) trình lên. Trong thông báo công bố sáng 6-12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc (SPP) cho biết, các công tố viên của nước này đã mở cuộc điều tra hình sự đối với các hành vi phạm tội của Chu Vĩnh Khang và tống đạt quyết định bắt giam.

Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc bị cáo buộc "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", "làm lộ bí mật của đảng và Nhà nước" đồng thời bị phát hiện "nhận một lượng lớn tiền bạc và tài sản một cách trực tiếp và thông qua gia đình". Tân Hoa xã dẫn một tuyên bố của Bộ Chính trị CPC nêu rõ: “Các cuộc điều tra cho thấy ông Chu Vĩnh Khang đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về chính trị, tổ chức và bí mật trong Đảng”. “Ông Chu Vĩnh Khang đã lợi dụng chức vụ của mình để làm lợi cho nhiều người khác và tự tay hoặc thông qua gia đình nhận những khoản tiền hối lộ khổng lồ”, vẫn theo tuyên bố trên. Ngoài ra, cựu quan chức này đã "lợi dụng quyền lực để giúp họ hàng, các nhân tình và bạn bè kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nghiêm trọng tài sản của Nhà nước". Ông Chu Vĩnh Khang cũng bị phát hiện "ngoại tình với nhiều phụ nữ và sử dụng quyền lực để đổi chác tình dục và tiền bạc". Tuyên bố có đoạn: "Những việc làm của ông Chu Vĩnh Khang hoàn toàn xa rời bản chất và sứ mệnh của đảng, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, làm tổn hại nặng nề uy tín của đảng… và gây ra những hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, hồi tháng 7, ông Chu Vĩnh Khang đã bị điều tra do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Nhân vật này là bạn thân của Bạc Hy Lai, một quan chức cấp cao khác cũng bị cách chức vì các vụ bê bối và tham nhũng.

Từ “sao sáng” đến “tội đồ”

Trước khi bước lên đỉnh cao quyền lực để rồi sụp đổ, Chu Vĩnh Khang đã có một khoảng thời gian phấn đấu không mệt mỏi.

Chu Vĩnh Khang là con trai cả trong một gia đình ở làng Tây Tiền Đầu ở thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô). Để thoát cuộc sống nghèo khổ tại nông thôn Trung Quốc lúc bấy giờ, chàng thanh niên Chu Vĩnh Khang luôn cố gắng đạt thành tích học tập tốt ở trường và đậu vào đại học. Ba năm sau khi vào học Trường trung học Tô Châu năm 1958, Chu đậu vào Viện Hóa dầu Bắc Kinh (bây giờ là Trường Đại học Hóa dầu Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp đại học, Chu Vĩnh Khang bắt đầu công việc của một kỹ sư hóa dầu ở mỏ dầu Đại Khánh tại Hắc Long Giang. Từ đây, Chu nhanh chóng trở thành lãnh đạo trong chi nhánh dầu mỏ Liêu Hà.

Năm 1996, Chu Vĩnh Khang trở thành lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Năm 1999, Chu Vĩnh Khang giữ chức bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tứ Xuyên và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an vào năm 2002. Năm năm sau trở thành một trong chín ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 17, phân quản các vấn đề an ninh và tư pháp.

Chu Vĩnh Khang từng được coi là một “ngôi sao” trong ngành an ninh nội địa. Tên tuổi của Chu nổi như cồn khi đưa ra những biện pháp thúc đẩy mối quan hệ giữa cảnh sát và công chúng nhằm mục đích tháo ngòi những căng thẳng xã hội lúc bấy giờ.

Những lời đồn đoán về số phận Chu Vĩnh Khang bắt đầu xuất hiện từ năm 2012, và lưới pháp luật bắt đầu siết chặt đối với cựu chính trị gia này khi Lý Đông Sinh - một cựu thứ trưởng Bộ Công an và cũng là đồng minh thân cận của Chu-bị bắt giữ vào cuối tháng 12-2013. Rất nhanh sau đó, giám đốc Sở Tình báo Bắc Kinh, Lương Khắc cũng bị bắt và bị cách chức do nghi ngờ tham nhũng lớn.

Hầu hết trợ lý thân cận hàng đầu của Chu trong ngành dầu khí Trung Quốc đã bị bắt giữ, trong đó có Lý Hoa Lâm, Phó tổng giám đốc của CNPC kiêm cựu thư ký riêng của Chu Vĩnh Khang. Con trai, con dâu, em trai của Chu Vĩnh Khang đều đã bị bắt, với các cáo buộc trục lợi bất chính trong lĩnh vực mà cựu chính trị gia này từng quản lý. Giới chức Trung Quốc đã tịch thu tài sản trị giá ít nhất 90 tỷ nhân dân tệ từ Chu Vĩnh Khang và các trợ lý.

Trung Quốc kiên quyết "trừ tận gốc" nạn tham nhũng

Kể từ sau khi lên nắm quyền năm 2012, ban lãnh đạo khóa mới của CPC đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng nhằm "trừ tận gốc rễ" vấn nạn này. Việc bắt giữ Chu Vĩnh Khang và hàng loạt quan chức có liên quan đến tham nhũng cho thấy, ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đang quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng nhằm làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo các cấp ở nước này. Ông Tập Cận Bình từng nhấn mạnh, tham nhũng là một vấn nạn của Trung Quốc và có thể đe dọa tới sự tồn vong của CPC.

Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc ngày 6-12 đã có bài xã luận cho rằng, việc cựu Bộ trưởng Công an nước này Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) là một minh chứng cho thấy, CPC tăng cường đẩy mạnh sự thống nhất trong đảng, đồng thời kiên quyết trừng trị thẳng tay đối với những trường hợp tham nhũng. “Tham nhũng là một khối u có thể ăn mòn sinh khí của Đảng và quyết tâm cắt bỏ khối u này là cần thiết để củng cố đường lối, mục tiêu và sự lãnh đạo của Đảng, để thống nhất sức mạnh của Đảng và tạo nền tảng để thực thi sức mạnh trong Đảng”, bài xã luận của Nhân dân nhật báo cho hay.

Theo Nhân dân nhật báo, CPC đã bảo vệ quyền lợi căn bản của nhân dân, tuân thủ nguyên tắc rằng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và cuộc chiến chống tham nhũng là không có giới hạn. Quyết định của CPC đã nhận được sự tán đồng rộng rãi trong nội bộ cũng như trong dư luận Trung Quốc.

NGỌC HÀ