 |
Người dân chen lấn mua xăng dầu tại thời điểm tăng giá bán. |
* Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khi tăng giá
Từ 11 giờ trưa hôm qua (25-2), giá bán xăng, dầu trong nước đã đồng loạt tăng giá. Theo Quyết định của Bộ Tài chính, giá dầu đi-ê-den 0,25S và dầu hỏa tăng từ 10.200 đồng/lít lên 13.900 đồng/lít, giá dầu ma-dút tăng từ 8.500 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg. Riêng đối với mặt hàng xăng, Bộ không đưa ra quyết định tăng giá mà trao quyền cho doanh nghiệp đầu mối trên nguyên tắc bảo đảm kinh doanh không lỗ, có sự giám sát giá của liên Bộ Tài chính-Công thương. Theo nguyên tắc này, cácđơn vị kinh doanhđã đồng loạt tăng giá xăng thêm 1.500 đồng/lít.
Buộc phải tăng giá vì ngân sách Nhà nước không thể bao cấp tràn lan
Tại cuộc họp báo về công tác điều hành giá xăng dầu do liên Bộ Tài chính-Công thương-Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng hôm qua (25-2), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã phân tích: Việc điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước trong thời điểm hiện nay là cấp thiết vì ngân sách Nhà nước không có khả năng cân đối để bù lỗ cho việc kinh doanh xăng, dầu. Việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa đảm bảo kinh phí cho doanh nghiệp hoạt động vừa hạn chế nạn chảy máu xăng dầu qua biên giới và Nhà nước không thể bao cấp tràn lan cho các doanh nghiệp của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Chúng ta phải chấp nhận mặt bằng giá mới. Nếu không điều chỉnh giá xăng dầu, Nhà nước sẽ phải tiếp tục bao cấp không biết đến bao giờ. “Có người cho thời điểm này là nhạy cảm, nhưng đây là bước đi buộc phải đi, không kéo dài hơn được nữa. Nếu không tính toán thời điểm, thì việc này đã phải xảy ra từ năm 2007 rồi”-Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đề nghị không gọi đây là tăng giá xăng, mà chính xác là "điều chỉnh" giá xăng, để tránh hiểu nhầm rằng Nhà nước dùng biện pháp hành chính tăng giá. Nhưng trên thực tế thì việc điều chỉnh lần này không làm giảm giá mặt hàng xăng dầu nào. Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú thì từ năm ngoái, giá xăng đã được thực hiện theo giá thị trường. Giá xăng do doanh nghiệp tự quyết định, theo cơ chế: Doanh nghiệp đăng ký, liên Bộ Tài chính – Công thương phê duyệt. Bắt đầu từ năm nay, giá xăng sẽ không có từng đợt điều chỉnh như các năm trước, mà giá được điều chỉnh thường xuyên theo đề nghị của doanh nghiệp. Phương thức điều chỉnh mới mang lại lợi ích cho tất cả các bên: Doanh nghiệp được tự chủ kinh doanh. Người dân được hưởng hàng hóa tốt hơn do doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ để cạnh tranh; người nghèo được hỗ trợ nhiều hơn. Nhà nước có thể tập trung nguồn bù lỗ sang phát triển kinh tế-xã hội.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, liệu có xảy ra tình trạng “bắt tay để đầu cơ” khi doanh nghiệp được quyền tự quyết định giá, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Nhà nước nghiêm cấm việc doanh nghiệp liên kết với nhau để “làm giá”. Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh, mức xử lý cao nhất là rút giấy phép hoạt động.
Mở rộng đối tượng hỗ trợ khi điều chỉnh giá xăng dầu
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Nhà nước sẽ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho nhiều đối tượng khi điều chỉnh giá xăng, dầu. Cụ thể, đối với người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước sẽ cấp không thu tiền 5 lít dầu/hộ/năm cho các hộ dân ở những nơi chưa có điện lưới. Những nơi có điện lưới sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền điện tương đương với 5 lít dầu/hộ/năm. Các chính sách trợ cước vận chuyển sẽ tiếp tục được thực hiện. Ngoài ra các chế độ về học bổng, hỗ trợ về mua bảo hiểm y tế... cũng sẽ được nâng lên trong năm nay.
Đối với ngư dân, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp một phần chi phí về giá dầu cho các chuyến đi biển; hỗ trợ một phần ba phí bảo hiểm thân tàu cho việc khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên tham gia hoạt động trên tàu đánh cá; hỗ trợ để thay máy tàu từ loại máy tiêu hao nhiều nhiên liệu sang loại tiêu hao ít nhiên liệu. Ngoài ra Nhà nước sẽ tiếp tục tăng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển hạ tầng nghề cá, hỗ trợ để ngư dân mua và đóng mới tàu đánh cá.
Song song với các chính sách cụ thể nêu trên, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác để góp phần ổn định đời sống, giảm tác động của việc tăng giá đến đời sống của nhân dân như việc miễn thuế nông nghiệp, miễn thủy lợi phí, giảm một số khoản phí, lệ phí...
Chen lấn, xô đẩy để được mua xăng
Ghi nhận của phóng viên báo Quân đội nhân dân, sáng qua (25-2), tại nhiều điểm bán lẻ xăng dầu rất đông người dân đổ xô đi mua xăng, dầu, dẫn đến tình trạnh chen lấn, xô đẩy. Từ 10 giờ 30 phút các điểm bán lẻ xăng dầu đã đóng cửa để tiến hành kiểm kê, khi mở cửa trở lại rất nhiều người đã xếp hàng để chờ đổ xăng. Bản thân các cửa hàng xăng dầu cũng không được chuẩn bị trước vì chỉ mới được thông báo vài phút trước đó. Anh Lợi, nhân viên tại cây xăng số 2 - Giảng Võ (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi có quá ít thời gian để chuẩn bị nên hiện chỉ có 2 máy bơm xăng hoạt động được, những máy khác chưa kịp điều chỉnh giá. Từ ngày 24, lượng khách đã tăng lên đáng kể, đến sáng 25-2 đã trở nên quá tải”. Cũng theo anh Lợi, mấy ngày gần đây không có hiện tượng người dân mua xăng, dầu để dự trữ, có thể vì không ai ngờ giá lại tăng nhanh như vậy. Trong khi đó, những nhân viên tại cửa hàng số 280 - Đội Cấn (Hà Nội) đến gần 11 giờ mới được thông báo điều chỉnh giá, vì thế mà khách hàng đã đứng chờ đông tràn ra cả lòng đường. Hầu hết những người đến đổ xăng cũng rất bất ngờ trước sự tăng giá đột ngột này.
Giá xăng tăng khiến nhiều người lo lắng vì cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Là một công chức, lương mỗi tháng chỉ 2 triệu đồng, anh Hảo đã mất đến 500 nghìn cho tiền xăng, “giá xăng tăng đồng nghĩa với mỗi tháng phải chi thêm hơn trăm nghìn nữa, nhưng cũng không còn phương tiện nào khác để thay thế xe máy, dù xăng có tăng nữa cũng phải chấp nhận thôi. Sắp tới chắc chắn sinh hoạt phí sẽ còn tăng theo”, anh Hảo than thở. Nỗi lo của những người làm nghề kinh doanh vận tải còn chồng chất hơn nữa trước những diễn biến của giá xăng dầu. Anh Tuấn, lái xe của hãng taxi Thành Lợi cho biết: “Đợt tăng giá xăng trước, cước taxi từ 6.500 đồng/km lên 7.000 đồng/km, khách hàng đã kêu trời, nếu giá xăng cứ không ngừng tăng, cước có thể lên đến 8.000 đồng/km, khi đó không biết còn ai đi taxi nữa không”. Nhiên liệu tăng giá, nguồn thu của các hãng vận tải bị ảnh hưởng, thu nhập của lái xe cũng hao hụt đi nhiều, bởi cạnh tranh về giá cả và nhu cầu của người dân cũng ít hơn. Với anh Khánh, chủ một chiếc xe tải chở thuê, sức ép cạnh tranh còn khốc liệt hơn khi xăng, dầu tăng giá. “Giá nhiên liệu tăng bắt buộc tôi phải tăng giá cước, nhưng cũng không thể bù lại được, tôi chỉ làm ăn nhỏ lẻ, nếu tăng cao quá làm sao cạnh tranh được với những hãng vận tải lớn”, anh Khánh đang cố gắng tìm giải pháp cho bài toán kinh tế của mình.
Theo ý kiến chung của nhiều người dân mà chúng tôi hỏi ngày hôm qua thì giải pháp tối ưu lúc này để đối phó với mặt bằng giá xăng dầu mới là phải triệt để tiết kiệm nhiên liệu.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG-HÀ THÚY