QĐND - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Mông Cổ Sa-khia-ghin Ên-bếc-đóc-giơ (Tsakhiagin Elbegdorj) thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 21 đến 24-11-2013.
Đây là chuyến thăm Việt Nam sau 8 năm của Tổng thống Mông Cổ kể từ chuyến thăm của Tổng thống Na-sa-gin Ba-ga-ban-đi tháng 1-2005.
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1954 và giữa hai nước đã duy trì một mối quan hệ hữu nghị lâu bền.
Trong những năm Việt Nam kháng chiến cứu nước, Mông Cổ là một trong những nước có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng nhất.
Hai nước thường xuyên tiến hành trao đổi đoàn các cấp, duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng giao lưu giữa các bộ ngành.
Thời gian gần đây, giao lưu hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng có tiến triển. Quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao được duy trì sau khi thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao được ký năm 2002 và đến nay hai bên đã tổ chức 5 cuộc tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.
Trên các diễn đàn quốc tế, hai bên đã có sự hợp tác, ủng hộ lẫn nhau. Mông Cổ ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, còn Việt Nam củng hộ Mông Cổ vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2016-2018.
Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Mông Cổ được ký vào năm 1958 và đến nay, hai nước đã ký khoảng 20 Hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác. Hai nước cũng đã 3 lần ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác vào các năm 1961, 1979, 2000.
Đến nay, hai bên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật (được thành lập tháng 12-1979), đã tổ chức 15 kỳ họp, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
Hiện hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam và Mông Cổ vẫn còn ở mức thấp. Kim ngạch hai chiều năm 2012 mới đạt mức 16,3 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 15,6 triệu USD, nhập khẩu đạt 0,65 triệu USD. Tháng 12-2012, hai bên đã trao Công hàm chính thức công nhận lẫn nhau có Quy chế kinh tế thị trường đầy đủ.
Lĩnh vực hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Mông Cổ có truyền thống từ lâu và đạt được nhiều thành tựu. Việc trao đổi sinh viên, giao lưu và hợp tác về văn hóa được thực hiện từ những năm 60. Hai bên hợp tác theo Hiệp định ký giữa hai Chính phủ. Tính đến năm 1990, Mông Cổ đã đào tạo cho Việt Nam hơn 100 cán bộ khoa học kỹ thuật bậc đại học và trên đại học.
Hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác giáo dục giai đoạn 2013-2016, theo đó hằng năm Việt Nam nhận đào tạo 15 sinh viên Mông Cổ và Mông Cổ đào tạo 5 sinh viên Việt Nam. Hiện có khoảng 20 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mông Cổ và hơn 50 sinh viên Mông Cổ đang theo học tại Việt Nam.
Hai bên cũng đã thành lập Tiểu ban hợp tác về khoa học kỹ thuật để đẩy nhanh quá trình hợp tác trong lĩnh vực này.
Trải qua nhiều năm tháng, phía Mông Cổ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Sa-khia-ghin Ên-bếc-đóc-giơ diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17-11-1954/17-11-2014), nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước; thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, kinh tế, thương mại, nông nghiệp, môi trường, văn hóa, giáo dục; đồng thời triển khai chính sách đối ngoại của Mông Cổ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mở rộng quan hệ với các nước ASEAN.
Nhân dân Việt Nam vui mừng chào đón Tổng thống Mông Cổ Sa-khia-ghin Ên-bếc-đóc-giơ tới thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp, tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam lần này của Tổng thống Mông Cổ Sa-khia-ghin Ên-bếc-đóc-giơ sẽ thành công tốt đẹp, tạo tiền đề cho những bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ.
QĐND