Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN XUÂN

Lạm phát có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ chính sách tiền tệ, tín dụng. Thực hiện các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ngành ngân hàng đã đề ra nhiều chương trình hành động cụ thể. Trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân, đồng chí Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã và đang thực thi chính sách tiền tệ, điều tiết khối lượng tiền, lãi suất và ban hành các cơ chế chính sách tỷ giá, ngoại hối, tín dụng theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho thị trường tài chính.

Thắt chặt tiền tệ ở mức độ cần thiết

- Thưa đồng chí Phó thống đốc, cho dù có nhiều nguyên nhân, nhưng lạm phát luôn có nguyên nhân tiền tệ. Thủ tướng đã yêu cầu phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, vậy chính sách này được thực hiện ra sao ?

- Nguyên nhân gây ra lạm phát cao hiện nay đã được phân tích đánh giá do tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tiền tệ, như sự gia tăng quá mạnh của dòng vốn đầu tư nước ngoài; thâm hụt ngân sách kéo dài, chất lượng các khoản chi xây dựng cơ bản hiệu quả thấp; chính sách tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng hơn là đầu tư; sự tăng trưởng nhanh của tín dụng ngân hàng do nhu cầu đầu tư của nền kinh tế và tiêu dùng của dân chúng gia tăng...

Như vậy, để kiềm chế lạm phát, từ nguyên nhân tiền tệ cần phải có những giải pháp hạn chế cung tiền. Song, chỉ riêng chính sách tiền tệ thì không thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có sự kết hợp nhiều chính sách khác, nhất là chính sách tài khóa phải giảm thâm hụt, nâng cao chất lượng chi ngân sách, tăng thu sao cho chi thường xuyên thấp hơn thu từ nguồn thuế; chính sách đầu tư phải thực hiện có hiệu quả đồng vốn, tránh thất thoát và đầu tư dàn trải không tạo ra sản phẩm hàng hòa tương ứng với đồng vốn bỏ ra, hấp thụ có hiệu quả các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài; thực hiện kiểm soát, theo dõi sát, nắm bắt kịp thời dòng vốn đầu tư nước ngoài vào, ra lãnh thổ Việt Nam....

Đánh giá đúng nguyên nhân gây ra lạm phát, chúng ta sẽ có được những giải pháp phù hợp để kiềm chế lạm phát có hiệu quả. Về mặt nguyên tắc, chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả trong kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế, khi mà ngân hàng Trung ương kiểm soát cung tiền (hoặc lãi suất) ở mức nền kinh tế có thể đạt mức sản lượng tiềm năng và lạm phát mục tiêu. Trên nguyên tắc đó, Ngân hàng Nhà nước đang thực thi chính sách tiền tệ, điều tiết khối lượng tiền, lãi suất và ban hành các cơ chế chính sách tỷ giá, ngoại hối, hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho thị trường tài chính, nền kinh tế phát triển tốt trên tiềm năng sẵn có.

- Xin đồng chí nói rõ hơn về lĩnh vực mà ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ ?

- Việc kiểm soát, hạn chế cung tiền của Ngân hàng nhà nước hướng vào hạn chế tăng trưởng tín dụng ở những lĩnh vực không tạo ra sản phẩm, năng lực sản xuất xã hội. Như qui định hạn chế tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thận trọng trong vay kinh doanh bất động sản, tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại.

- Thưa đồng chí, trên thực tế rất nhiều dự án đang cần vốn và nhiều dự án nếu có vốn sẽ mang lại hiệu quả cao?

- Một trong 8 nhóm biện pháp để kiềm chế tốc độ tăng giá hiện nay của Chính phủ chỉ đạo các cấp các ngành, đó là phải thúc đẩy sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm, tăng cung hàng hóa, giữ vững được tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện nhóm biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các Ngân hàng thương mại cơ cấu lại đầu tư tín dụng theo hướng tập trung đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho các dự án có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn. Điều này đã được thể hiện rõ là các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, như các dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với số vốn cho vay của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lên đến hơn 23 nghìn tỷ đồng, các dự án của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam với tổng dư nợ cho vay và bảo lãnh mở L/C là 1.150 triệu USD, chủ động cân đối bảo đảm nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực, đáp ứng kịp thời vốn cho các dự án của Tổng công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu thủy sản, khu công nghiệp, khu chế xuất, chế biến gỗ, may mặc...

Thực hiện lãi suất, tỷ giá phù hợp và linh hoạt

- Thưa đồng chí, người gửi tiền tiết kiệm cho rằng lãi suất tiền gửi trong thời gian qua chưa thực dương, ý kiến của đồng chí về vấn đề này?

- Lãi suất thực dương được hiểu là lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại phải cao hơn mức lạm phát dự kiến, lãi suất cho vay khách hàng phải cao hơn lãi suất huy động. Trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao như hiện nay, biện pháp để có được mức lãi suất thực dương cũng là biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá. Để có được kết quả này đòi hỏi các cấp, các ngành cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đang tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, điều tiết cung cầu vốn trên thị trường đạt được mức lãi suất mục tiêu, đảm bảo thanh khoản tạo sự ổn định của thị trường tiền tệ, hạn chế cung tiền của nền kinh tế, qua đó hạn chế lạm phát và giữ được tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.

- Cơ chế điều hành lãi suất ngân hàng trong thời gian sắp tới sẽ như thế nào?

- Theo Quyết định mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 19-5, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 12%/năm. Từ nay trở đi, định kỳ hằng tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ công bố lãi suất cơ bản bằng VNĐ làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh (lãi suất huy động và lãi suất cho vay) bằng VNĐ đối với khách hàng. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi suất của các tổ chức này không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản đã được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong từng thời kỳ .

- Theo đồng chí thì tỷ giá VND/USD hiện đã hợp lý chưa?

- Triển vọng kinh tế Mỹ kém khả quan đã khiến cho đồng đô-la Mỹ rơi vào xu hướng mất giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc tế. Tính từ đầu năm đến nay, đô-la Mỹ đã giảm 8,39% so với Euro, 8,72% so với yên của Nhật Bản, 6,52% so với đô-la Ô-xtrây-li-a, 4,19% so với nhân dân tệ của Trung Quốc...

Trong bối cảnh chung như vậy, đồng Việt Nam không thể tránh khỏi áp lực lên giá so với đô-la Mỹ. Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, phù hợp với cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, tỷ giá được điều chỉnh theo hướng để đồng Việt Nam lên giá nhẹ so với USD nhưng tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng giá của các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ để vẫn bảo đảm hỗ trợ khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đến thời điểm hiện nay, cung cầu ngoại tệ trên thị trường đã có xu hướng cân bằng và diễn biến tỷ giá vẫn đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu.

- Vậy trong thời gian tới, xu thế của tỷ giá này ra sao?

- Các chuyên gia kinh tế dự báo đồng đô-la Mỹ sẽ chưa thể phục hồi trong ngắn hạn mà nhiều khả năng tiếp tục mất giá. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, theo cung - cầu thị trường, can thiệp thị trường ngoại hối có chọn lọc chủ yếu để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và bình ổn thị trường.

Hỗ trợ vốn cho vùng khó khăn, hộ khó khăn

- Chúng tôi được biết, hiện nay ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những địa bàn nông thôn, miền núi, vùng biên giới, hải đảo, bà con đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn để sản xuất. Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế, chính sách gì để giúp họ?

- Biện pháp tốt nhất mà Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện để hỗ trợ các lĩnh vực, địa bàn gặp nhiều khó khăn như hộ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ nghèo, đồng bào vùng khó khăn lũ lụt... là làm sao đó tạo cho họ nguồn vốn, cùng với sự giúp đỡ của các cấp các ngành, các chính quyền địa phương để họ có thể sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả trong đầu tư phát triển sản xuất, nhằm tăng thu nhập, thoát nghèo.

Chính sách cụ thể là Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng cổ phần nông thôn... là những tổ chức tín dụng có thể trực tiếp tiếp cận tới những vùng, địa bàn khó khăn để cho vay. Để kiểm soát lạm phát trong quý I năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên mức 11%. Yêu cầu các tổ chức tín dụng phải mua tín phiếu bắt buộc. Tuy nhiên, đối với các tổ chức tín dụng phục vụ nông nghiệp-nông thôn, mức dự trữ bắt buộc thấp hơn và không phải mua tín phiếu bắt buộc. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước dành hạn mức chiết khấu cho các ngân hàng thương mại cho vay nông nghiệp, nông thôn.

- Với các hộ nông dân vay vốn nhưng bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, việc xử lý nợ sẽ như thế nào?

- Ngành ngân hàng đã có hướng dẫn về việc xử lý vốn cho vay bị rủi ro trong trường hợp do nguyên nhân khách quan như bão lụt, dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng, lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá... để tạo điều kiện giúp các hộ nông dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và tiếp tục phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, như cho vay hộ dân mua nhà trả chậm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay giải quyết việc làm do Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhiệm cũng tiếp tục được mở rộng. Hộ dân ở vùng khó khăn không phải là hộ nghèo cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với các điều kiện ưu đãi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

ĐỖ PHÚ THỌ (thực hiện)