“Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế quốc dân, phải có chính sách đầu tư hợp lý, kịp thời ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất muối”. Đó là phát biểu của ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị tổng kết sản xuất muối năm 2006 vừa tổ chức sáng 4-1, tại Hà Nội.
Sản xuất giảm nhưng cung vẫn vượt cầu!
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2006 diện tích sản xuất muối trên toàn quốc là gần 12 nghìn héc-ta, sản lượng muối đạt hơn 792 nghìn tấn, giảm 25,8% so với năm 2005, trong đó sản lượng giảm chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
 |
Ảnh baocantho.com.vn |
Nguyên nhân sản lượng muối giảm là do thời tiết năm qua không thuận lợi, số giờ nắng ít, cường độ yếu, đặc biệt là không có nắng to liên tục và thường xuyên có mưa xen kẽ. Việc giảm sản lượng sản xuất muối trong nước không ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, muối không chỉ đáp ứng cho sinh hoạt đời sống mà còn sử dụng nhiều trong công nghiệp hóa chất. Để bảo đảm đủ muối công nghiệp, có chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp, Bộ Thương mại đã cho phép nhập khẩu có hạn ngạch 200 nghìn tấn. Lượng cung thực tế trong năm 2006 đạt trên 1.300 nghìn tấn (số lượng muối “tăng thêm” chủ yếu dồn chuyển từ năm trước), trong khi đó, sản lượng tiêu thụ khoảng 1.280 nghìn tấn. Vì vậy, sản lượng sản xuất muối tuy giảm nhưng lượng cung vẫn vượt quá cầu gần 53 nghìn tấn.
Sản xuất muối là một nghề nắng nôi nhọc nhằn, một số địa phương vẫn làm thủ công theo kiểu phơi cát. Theo nhiều diêm dân (người sản xuất muối), thu nhập bình quân nghề làm muối còn thấp hơn so với nhiều nghề. Năm 2006 giá muối tăng so vớí các năm trước, tình hình tiêu thụ thuận lợi, thu nhập của người sản xuất được cải thiện hơn. Tuy vậy, mức thu nhập ở khu vực phía Bắc cũng chỉ ở mức từ 285.000 đồng đến 300.000 đồng/người/tháng; Khu vực miền Trung từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/người/tháng; Cao nhất là khu vực Nam Bộ cũng chỉ từ 285.000 đồng đến 375.000 đồng/người/tháng. Do đặc điểm địa lý, những khu vực sản xuất muối không có thêm nghề phụ nên rất khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực khác. Trên thực tế, một số nơi đã chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang nuôi trồng thuỷ hải sản, nhưng không hiệu quả lại quay về nghề cũ.
Quan tâm hơn công tác đầu tư
Trao đổi với phóng viên báo Quân đội nhân dân, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Những năm qua, hiệu quả sản xuất muối chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên và kinh nghiệm của diêm dân. Bộ đang tích cực chỉ đạo việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất muối, đặc biệt là muối sạch. Tuy nhiên để có bước đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, cần có sự thay đổi trong chính sách đầu tư, triển khai thực hiện dự án, công tác đấu thầu, bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất.
Hầu hết các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất muối đều cho rằng, nếu không thay đổi chính sách đầu tư sẽ rất khó cho sự phát triển, cần phải tăng mức hỗ trợ trong chương trình khuyến diêm (khuyến khích sản xuất muối). Hiện nay Nhà nước chỉ hỗ trợ 20% kinh phí, còn lại 80% là vốn đối ứng của diêm dân là chưa phù hợp. Trên thực tế, thu nhập của diêm dân thấp hơn so với mặt bằng các ngành nghề khác, nhiều nơi phải trả lại dự án do không đủ vốn đối ứng để triển khai. Sau 7 năm thực hiện Quyết định 153/1999/QĐ-TTg (ngày 15-7-1999) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển ngành muối, tại các địa phương, doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, do chưa có quy hoạch xây dựng nên nhiều dự án đầu tư dàn trải, trùng lắp, nhiều vùng muối thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng… trong thời gian ngắn đầu tư 2 đến 3 dự án. Có một thực tế là, do kinh phí dự án đầu tư thấp, nhỏ giọt dẫn đến việc nhiều công trình không bảo đảm tiến độ thi công. Hiệu quả đầu tư so với tổng mức đầu tư cũng chưa tương xứng và đồng đều, các vùng muối phơi nước phía Nam ít được quan tâm như các đồng muối phơi cát ở phía Bắc.
Mục tiêu sản xuất 1,5 triệu tấn muối vào năm 2010
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định: Sẽ tiếp tục thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành muối, bảo đảm sản xuất có hiệu quả kinh tế và bền vững, giải quyết việc làm ổn định, nâng dần mức sống cho người làm muối, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nguyên liêu cho các ngành công nghiệp, thay thế hàng ngoại nhập, hướng tới xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2010, sản lượng toàn ngành sẽ đạt 1,5 triệu tấn/năm, và năm 2020 sẽ là 2 triệu tấn/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, trong định hướng phát triển, hoạt động đầu tư cho ngành muối sẽ chỉ triển khai tại các địa phương đã có quy hoạch, tránh hiện tượng chuyển đổi sản xuất muối sang nuôi trồng hải sản và các ngành nghề khác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo việc đẩy mạnh đầu tư tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (như đê mặn, đê ngọt, cống đầu mối, kênh cấp một, điện, đường…), đồng thời kêu gọi các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng đồng muối hiện đại, sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các cơ sở công nghiệp, từng bước thay thế hàng nhập khẩu.
Chủ trương đạt 1,5 triệu tấn muối được các địa phương, doanh nghiệp đón nhận trong tâm trạng vừa mừng, vừa lo. Nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm sẽ giúp người sản xuất sống được bằng nghề. Tuy nhiên, bài toán “đầu tư từ đâu” vẫn đang cần lời giải đúng. Theo ông Mai Văn Dư, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định: Bộ Tài chính cần nâng cao tỉ trọng kinh phí đầu tư hàng năm, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ khuyến diêm cho người sản xuất. Về phía Bộ chủ quản, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất muối đạt hiệu quả cao. Đồng thời, cần xúc tiến việc thành lập Hiệp hội nghề muối, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ một loại sản phẩm được kết tinh từ biển
HÙNG HƯƠNG