Nhà nước ta đã có chủ trương chuyển đổi một số tổng công ty 90 và 91 sang mô hình tập đoàn. Điều khác biệt quan trọng nhất của mô hình mới so với mô hình cũ, là phải có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới thông qua sản phẩm xuất khẩu của mình. Làm được điều này không hề dễ, các tập đoàn đều phải có chiến lược phát triển đúng đắn với những lộ trình hợp lý. Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn trong nước lại có một động thái giống nhau là, chuyển mạnh sang kinh doanh tiền tệ và bất động sản. Các tập đoàn hàng đầu ngay từ khi ra đời đã thành lập ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán. Cuối năm ngoái, Tập đoàn dầu khí Petro Vietnam đã ra mắt công ty bất động sản Petroland, gần đây nhất Tập đoàn Dệt may Vinatex cũng đã chính thức thành lập công ty kinh doanh bất động sản VinatexLand…
 |
Việt Nam đang nỗ lực đưa nguồn lợi dầu thô thành sản phẩm chủ động phục vụ nhu cầu trong nước. (Ảnh: moi.gov) |
Một trong những nguyên tắc hình thành tập đoàn mà vốn Nhà nước chiếm tỉ lệ chi phối, là phải tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn mà mỗi tập đoàn có ưu thế như: dầu khí, điện lực, hàng không, đóng tàu, viễn thông, dệt may, khai khoáng, cơ khí… Vậy thì việc nhiều tập đoàn đều đã chú trọng vào một lĩnh vực có tính hướng nội như vậy, có làm rời xa mục tiêu ban đầu-hướng ngoại là chính? Để trả lời câu hỏi này, trước hết thử phân tích hiệu quả từ cơ cấu kinh doanh cụ thể từ chính hai tập đoàn vừa nêu trên. Năm 2007 Vinatex đạt lợi nhuận 540 tỷ đồng, gần gấp 2,5 lần so với năm 2006. Nhưng dệt may không tăng mạnh bằng các hoạt động đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, cùng các dịch vụ khác. Một công ty thành viên vốn nổi tiếng một thời là Dệt Thắng Lợi, sau khi cổ phần hóa bán hầu như tất cả các thiết bị dệt may để lấy đất kinh doanh bất động sản. Tập đoàn dầu khí với Petroland thì đang “say sưa” với nhiều dự án lớn đã và đang triển khai như: Trung tâm thương mại, tài chính dầu khí Phú Mỹ Hưng, cao 30 tầng tại TP Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư 56 triệu USD; Khách sạn Dầu khí Vũng Tầu, tiêu chuẩn 4 sao, 155 phòng, mức đầu tư 18 triệu USD…
Có thể nói, các tập đoàn ở nước ta đã lần lượt ra đời trong vòng mấy năm trở lại đây, đều chưa một tập đoàn nào có sự bứt phá ngoạn mục, đưa ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Như vậy sẽ còn dẫn đến nguy cơ lệ thuộc nhiều vào thị trường nội với những sản phẩm có giá trị thấp hay những hoạt động đầu cơ tài chính. Việc nhiều tập đoàn kinh tế phát triển mối “liên kết ngang”, cũng dễ tạo ra những nhóm đặc quyền đặc lợi, có khả năng sau này quay lại thao túng, ngăn cản quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một hệ quả khác cũng đã được nhiều nhà phân tích kinh tế nhắc đến. Khi mà một số công ty con, nhất là công ty tài chính, mặc dù không có tài sản gì ngoài danh nghĩa của tập đoàn mẹ, các thành viên hội đồng sáng lập được mua cổ phiếu trong lần phát hành đầu tiên, vô hình trung lợi nhuận đổ vào túi cá nhân họ ngày một nhiều, nghiễm nhiên trở thành “đại gia” do các nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu những thông tin cần thiết, bị thua lỗ trong đầu tư chứng khoán mang lại.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rà soát lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế nhà nước, để có sự chấn chỉnh tạo ra một cơ cấu phát triển hài hòa, lành mạnh. Và dứt khoát phải bảo đảm sự hoạt động đúng hướng, mang lại hiệu quả cao nhất, nhanh nhất cho nền kinh tế quốc dân.
PHẠM QUANG