QĐND - Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền Trung Phi-líp-pin hôm 8-11, gây thiệt hại nặng nề về người và của, các nỗ lực cứu trợ và khắc phục hậu quả vẫn đang được gấp rút tiến hành.

Ngày 17-11, đã có thêm nhiều binh sĩ và cảnh sát được điều động đến để ổn định an ninh tại thành phố Ta-clô-ban (Tacloban) trên đảo Lây-tơ (Leyte), địa phương bị tàn phá nặng nề nhất. Cùng ngày, Tổng thống Phi-líp-pin B.A-ki-nô (Benigno Aquino) đã quay trở lại Ta-clô-ban thị sát tình hình.

Siêu bão Haiyan đã khiến nhiều khu vực tại miền Trung Phi-líp-pin trở nên điêu tàn, tang thương. Hội đồng quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia Phi-líp-pin (NDRRMC) cho biết, rất nhiều hố chôn tập thể hàng trăm người đã được lập nên. Trong khi đó, chính quyền địa phương cho hay, vẫn còn rất nhiều thi thể nằm ngoài đường trong hơn một tuần qua. Tờ Inquirer dẫn thông tin cập nhật từ NDRRMC sáng 17-11 công bố con số thương vong mới nhất do siêu bão Haiyan gây ra tại Phi-líp-pin là 3.681 người chết, 12.544 người bị thương. 1.186 người khác được báo cáo mất tích. Tính đến nay, Inquirer cho biết, siêu bão Haiyan đã làm ảnh hưởng đến 3,9 triệu người và phá hủy 543.127 căn nhà. Thiệt hại đối với nông nghiệp ước tính khoảng 9 tỷ pê-xô (khoảng 206 triệu USD) và đối với cơ sở hạ tầng là 1,25 tỷ pê-xô (khoảng 28,6 triệu USD).

Binh lính Phi-líp-pin phân phát hàng cứu trợ cho người dân tại Ta-clô-ban ngày 17-11. Ảnh: Roi-tơ

Trong bối cảnh Chính phủ Phi-líp-pin và các tổ chức nhân đạo đang kêu gọi khoản viện trợ 300 triệu USD để giúp các nạn nhân và tái thiết những vùng bị siêu bão tàn phá, cộng đồng quốc tế tiếp tục chung tay cứu trợ nạn nhân bão tại nước này. Mỹ đã điều một nhóm 8 tàu chiến do tàu sân bay USS George Washington dẫn đầu tới Phi-líp-pin  tham gia công tác cứu trợ. Ô-xtrây-li-a đã điều 3 máy bay vận tải C-130 Hercules trong khi các máy bay C-130 khác cũng đang được các quốc gia như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, Hàn Quốc, Niu Di-lân và các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cùng các tổ chức từ thiện tư nhân triển khai. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã tăng gấp ba gói cứu trợ khẩn cấp lên hơn 30 triệu USD và  chuẩn bị gửi 1000 binh sĩ đến giúp các nỗ lực cứu trợ.  Anh thông báo viện trợ bổ sung 30 triệu bảng (tương đương 48 triệu USD), gửi tàu sân bay IMS Illustrious và triển khai máy bay vận tải RAF C-130 tới hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc cho biết nhóm cứu hộ Blue Sky cùng với Hội chữ thập đỏ của Trung Quốc và các nhóm cứu hộ phi chính phủ khác đã bày tỏ mong muốn tham gia công tác cứu trợ tại Phi-líp-pin.

AFP dẫn thông tin từ các tổ chức thuộc LHQ cho biết, hơn 170.000 người đã nhận được gạo và thực phẩm, trong khi tổ chức Chữ Thập đỏ và Thầy thuốc không biên giới cho biết, họ hy vọng đến cuối tuần sẽ tổ chức được các cơ sở y tế lưu động tại Ta-clô-ban.

Tuy nhiên, Roi-tơ dẫn lời các quan chức địa phương cho biết, công tác vận chuyển hàng cứu trợ tới những vùng bị ảnh hưởng hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn do sân bay Ta-clô-ban chỉ đón được 3 máy bay cùng một lúc; tình trạng đổ nát cũng cản trở việc lưu thông bằng đường bộ giữa Ta-clô-ban với bên ngoài. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quan ngại về các cộng đồng dân cư, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ và trẻ em, ở 20 hòn đảo nhỏ của Phi-líp-pin - nơi đang đặt ra những thách thức phức tạp cho công tác cứu trợ. “Do đặc điểm địa lý của Phi-líp-pin  là quần đảo với nhiều đảo nhỏ và có quá nhiều vùng bị ảnh hưởng của bão, điều này giống như chúng ta phải tiến hành 7 nỗ lực cứu hộ riêng lẻ cùng một lúc”, AFP dẫn lời  bà G.Han (Julie Hall), đại diện WHO tại Phi-líp-pin.

HOÀNG VŨ