Các hạng mục chính của công trình thủy điện Plây Krông (Kon Tum) đã cơ bản hoàn thành, có thể phát điện tổ máy số 1 vào tháng 3 và tổ máy 2 vào tháng 6-2008. Ảnh: TTXVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình Bộ Công thương các phương án tăng giá điện áp dụng từ 1-7-2008. Đây cũng là lộ trình đã được dự kiến từ trước. Theo phương án này thì giá điện sản xuất giờ cao điểm sẽ tăng từ 5 đến 10%.

Song lo ngại lớn nhất của người dân không chỉ là mỗi tháng phải tăng chi phí tiêu dùng điện mà là những tác động tiêu cực của tăng giá điện đối với sự biến động của giá cả hiện nay.

Dùng nhiều bù chéo cho dùng ít

1-7-2008 là mốc thời gian theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 276/2006. Nhìn vào các phương án tăng giá do EVN đề xuất có thể thấy rõ sự phân biệt ứng xử giữa các khách hàng thu nhập thấp, sử dụng điện ít và khách hàng thu nhập cao, sử dụng điện nhiều; giữa giờ cao điểm và thấp điểm.

EVN đưa ra hai nhóm với tất cả 10 phương án. Nhóm phương án thứ nhất tăng giá bán lẻ điện thành 890đ/kWh theo QĐ 276/2006 và nhóm thứ hai tăng giá bán lẻ điện thành 917đ/kWh. EVN giải thích phải đưa ra hai nhóm với hai mức giá khác nhau bởi mức giá 890đ/kWh đã được lập từ cách đây vài năm không phản ánh hết các biến động của các yếu tố đầu vào như: giá nhiên liệu (than, dầu đi-ê-zen, ma-dút, khí), tỷ giá, giá xi măng, sắt thép, máy móc thiết bị và tiền lương... Tình hình lạm phát và giá cả tăng cao hiện nay là lý do cần thiết để điều chỉnh giá điện lên 917đ/kWh.

Ở cả hai nhóm phương án, EVN đều đề xuất tăng giá điện cho khu vực sản xuất vào các giờ cao điểm vì tình hình sử dụng điện đang mất cân đối giữa giờ cao điểm và thấp điểm. Hệ thống điện đang thiếu công suất nghiêm trọng vào giờ cao điểm, nhưng giờ thấp điểm lại ít người dùng. Cụ thể, ở nhóm phương án tăng giá thứ nhất (tăng giá bán lẻ điện bình quân thành 890đ/kWh), EVN đề nghị tăng giá điện vào các giờ cao điểm lên 5%, giữ nguyên giá bán vào các giờ bình thường và thấp điểm, và như vậy bình quân giá điện bán cho khối này sẽ tăng thêm 10đ/kWh. Giờ cao điểm buổi sáng sẽ từ 9 đến 12 giờ, buổi tối từ 17 đến 21 giờ. Giờ thấp điểm từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Theo EVN, vì thực hiện bù chéo lẫn nhau trong nội bộ khối sản xuất giữa giờ cao điểm và thấp điểm, nên mức tăng giá bình quân vẫn là 890đ/kWh.

Ở nhóm phương án tăng giá thứ hai (tăng giá bán lẻ điện bình quân thành 917 đ/kWh), EVN đề xuất tăng giá khu vực sản xuất trong giờ cao điểm lên 10%, giá điện bình thường và giờ thấp điểm tăng 6% và như vậy bình quân khối sản xuất tăng 52đ/kWh (6,1%)...

Đáng chú ý, EVN chia đôi bậc thang điện sinh hoạt 100kWh đầu (giá ưu đãi) như trước đây thành hai bậc thang, mỗi bậc thang là 50 kWh. Cụ thể, trước đây chia bậc thang là 100kWh đầu thì nay chia từ 0 đến 50kWh và từ 51 kWh đến 100 kWh. Với cách chia này thì biểu giá điện bậc thang có tới 7 bậc, giá điện 50kWh đầu vẫn giữ nguyên như hiện nay là 550đ/kWh (riêng phương án 5B, 50kWh đầu giá điện là 590đ) và tăng rất cao ở kWh thứ 401 (có thể lên tới 2070 đ/kWh).

Trong tờ trình của mình, EVN đề xuất Bộ Công thương chọn nhóm phương án tăng giá lên 917đ/kWh. Trong đó, giá bán điện cho các ngành sản xuất bình thường sẽ có mức cao hơn mức bình quân để bù chéo giá bán điện cho bơm nước và bán buôn điện cho khu công nghiệp.

EVN cũng cho rằng phần lớn người dân nghèo sẽ không chịu tác động trực tiếp từ tăng giá điện ở mức này. Theo điều tra của EVN về tình hình sử dụng điện trong 3 tháng mùa hè năm 2007 thì số hộ mua điện trực tiếp từ các đơn vị thuộc EVN sử dụng đến 50 kWh/tháng chiếm 23% sẽ không bị tác động. 39% số hộ (4 triệu hộ) sử dụng từ 51 đến 100kWh sẽ có mức giá điện bình quân là 595 đ/kWh, chỉ bằng 65% giá bán điện bình quân dự kiến và chỉ phải chi thêm một tháng từ 90 đến 4.500 đ/tháng. Tính đến 31-12-2007, toàn quốc có 14,7% hộ nghèo. Như vậy, EVN cho rằng tổng số hộ nghèo thấp hơn số hộ sử dụng dưới 50 kWh/hộ/tháng sẽ không bị tác động bởi tăng giá điện.

Các doanh nghiệp lo ngại

Các doanh nghiệp đang rất lo ngại trước thông tin về giá điện sẽ tăng vào 1-7. Ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thép là ngành “ngốn” nhiều điện. Để luyện một tấn thép từ phôi cần 720 kWh điện. “Làm một phép tính nhân giữa chi phí tăng lên của mỗi kWh với 4,5 triệu tấn thép mà các doanh nghiệp thép tại Việt Nam sản xuất trong một năm sẽ thấy tác động lớn biết chừng nào”. Ông Cường khẳng định.

Ông Lê Tiến Trường- Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, đang chỉ đạo các công ty đánh giá tác động của việc tăng giá điện trong thời gian tới, theo phương án giá điện tăng ở nhóm cao nhất là 917đ/kWh. Theo ông, giá điện tăng sẽ là một tin xấu cho hàng xuất khẩu, trong đó có hàng dệt may. Bởi hiện nay đồng USD đang giảm giá so với nội tệ (VNĐ), các chi phí sản xuất trong nước đang tăng mạnh, cộng thêm với giá điện tăng thì giá thành sản phẩm dệt may sẽ tăng khoảng 10% so với trước. Việc tiết kiệm chi phí về điện bằng cách hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm đối với một số ngành như nhuộm, dệt… là không thể bởi những ngành này cần máy móc vận hành 24/24 giờ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Duy Phi, Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam cho rằng hầu hết hệ thống máy móc sản xuất hóa chất đều chạy 24/24 giờ, chỉ cần dừng vận hành một lúc có thể thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, doanh nghiệp của ông cũng đang đánh giá tác động của khả năng tăng giá điện. Giá điện chiếm 60-70% giá thành của nhiều sản phẩm hóa chất, nên tác động của việc tăng giá điện đối với Tổng công ty Hóa chất Việt Nam chắc chắn không nhỏ. Biện pháp tiết kiệm thiết thực nhất theo ông Đỗ Duy Phi là tiết kiệm giảm chi phí, giảm tiêu hao nguyên liệu bằng cách sử dụng các công nghệ mới… Tất nhiên, điều này cần một quá trình dài, và như thế khó khăn trước mắt đối với Tổng công ty Hóa chất Việt Nam là rất lớn.

Tìm cách “sống chung với giá”

Nếu giá điện không tăng thì hệ quả của duy trì giá điện như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN cũng như toàn bộ ngành điện. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của ngành điện. Các nhà đầu tư nhìn thấy giá điện thấp, khả năng thu hồi vốn chậm, ít sinh lời sẽ không mặn mà trong việc đầu tư vào điện, khiến điện càng ngày càng thiếu. Theo EVN thì trong tương lai, cần hướng tới giá điện cho sản xuất sẽ thấp hơn giá điện sinh hoạt (có tính tới trợ giá điện sinh hoạt cho người nghèo) nhằm tránh tác động xấu đến sản xuất.

Quyết định tăng giá điện nằm trong lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt nhằm điều chỉnh để giá điện tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, trong điều kiện biến động của giá cả tăng cao, nhiều mặt hàng tăng giá, việc tăng giá điện chưa thuận lợi. Đó là hai luồng dư luận đang song song tồn tại trong xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thì Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản của Bộ Công thương về vấn đề nhạy cảm này. Nhưng ông cũng cho rằng nếu có thì cũng phải khoảng cuối năm, hai bộ mới bàn, rồi trình Chính phủ phê duyệt. Nghĩa là còn một khoảng thời gian không ngắn nữa mới bàn và quyết định điều chỉnh giá điện năm nay.

Dù thế nào thì cũng như đối với tăng giá xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, cả xã hội cũng sẽ tìm cách thích nghi với giá điện khi tăng. Nhiều người dân cho biết, họ sẽ “lách” giá điện bằng cách tách hộ càng nhỏ càng tốt để hưởng thêm mức giá thấp. Ví dụ, một đại gia đình sẽ gồm nhiều gia đình con và có thể có tới 5-7 công tơ điện. Một số cơ sở sản xuất, dịch vụ đang nghiên cứu giảm hoạt động trong giờ cao điểm... Nhưng hầu hết những người mà chúng tôi gặp đều chấp nhận hạn chế việc sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí điện trong cả sản xuất và sinh hoạt trong mọi nơi, mọi lúc.

QUỲNH DƯƠNG