 |
Nước thải của Công ty Vedan đổ vào sông Thị Vải. Ảnh do Cục Cảnh sát môi trường cung cấp |
* Cần đình chỉ sản xuất và khởi tố vụ án hình sự
“Những hành vi sai phạm của Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Công ty Vedan) đã được làm rõ, không chỉ là hủy hoại môi trường mà còn trốn tránh, che giấu người thi hành công vụ bằng những thủ đoạn tinh vi”- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên thể hiện bức xúc trong cuộc họp báo sáng 17-9. Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành Tài nguyên và Môi trường và Cảnh sát môi trường phát hiện Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Bộ với báo chí để cung cấp những thông tin chính thức.
Mỗi tháng gần 45.000m3 nước thải đổ vào sông Thị Vải
Công ty Vedan chính thức đi vào hoạt động được 15 năm, thì đã có 14 năm thải chất thải gây ô nhiễm ra sông Thị Vải. Ngày 6-9-2008, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện một hệ thống đường ống dẫn nước thải do công ty này thiết kế và lắp đặt. Hệ thống này bơm dịch thải lỏng của Nhà máy sản xuất Lysin, bột ngọt từ bể chứa bán âm dung tích 6.000-7.000m3 và bồn chứa 15.000m3 theo hệ thống đường ống (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên mặt đất) ra cầu cảng số 2 vào hai trụ bơm được cắm sâu xuống sông Thị Vải khoảng 7-8m. Theo thống kê của đoàn kiểm tra, mỗi tháng khối lượng dịch thải sau lên men của công ty đổ ra sông Thị Vải là 44.800m3. Hàm lượng chất độc hại trong nước thải đều vượt từ hàng chục đến hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép, cá biệt như Xyanua vượt 5.600 lần, Coliform vượt 100 lần, COD vượt 44,7 lần… Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra còn phát hiện công ty có một trại chăn nuôi lợn hơn 200 con, với 26 chuồng, nước thải cũng được dẫn thẳng ra môi trường, không qua xử lý.
Hành vi của Công ty Vedan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước của sông Thị Vải cũng như cuộc sống của người dân hai bên bờ sông. “Theo khảo sát của chúng tôi thì 15km của sông Thị Vải đã “chết” hẳn, không sinh vật nào sống nổi. Nguồn nước cung cấp cho sông Thị Vải hiện nay chủ yếu là nguồn nước thải từ các khu công nghiệp quanh vùng”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định.
Kiểm tra hằng năm nhưng không phát hiện được vi phạm?
Theo thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 3 năm gần đây, năm nào cũng có đoàn kiểm tra của bộ, sở đến làm việc với Công ty Vedan nhưng đều không phát hiện được sai phạm. “Mỗi lần kiểm tra chúng tôi biết chắc là công ty này có vi phạm về xử lý nước thải nhưng không thể phát hiện ra được”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết như vậy. Khó khăn đối với thanh tra là phải báo trước một tuần trước khi kiểm tra, do đó phía Công ty đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó. “Hệ thống dẫn nước thải của Công ty Vedan rất tinh vi, khi có đoàn kiểm tra, nước thải được dẫn qua hệ thống xử lý sau đó mới cho ra sông, còn bình thường thì nước theo đường ống chảy thẳng ra sông Thị Vải”, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường cho biết. Lực lượng của Cục Cảnh sát môi trường đã làm việc với Công ty Vedan 3 ngày, trong thời gian đó, Công ty này liên tục tìm cách lảng tránh. Đại tá Lương Minh Thảo còn cung cấp thêm một số chi tiết: “Ngoài 2 người Đài Loan (Trung Quốc) là Lâm Mậu Phủ và Vương Kim Điền, không ai biết được cách điều khiển hệ thống dẫn nước này. Khi chúng tôi yêu cầu mở tất cả các van khóa nước thì mới phát hiện được đường ống dẫn ra sông Thị Vải. Trên bề mặt sông nơi có ống dẫn nước luôn có một con tàu neo đậu để che mắt”. Cho đến thời điểm này, phía Công ty Vedan vẫn chưa cung cấp bản thiết kế hệ thống dẫn nước thải mà họ đã lắp đặt và vận hành hơn 10 năm nay.
Mặc dù hành vi hủy hoại môi trường của Công ty Vedan cho đến nay mới có bằng chứng cụ thể, nhưng trước đó, Công ty này đã nhiều lần bị người dân địa phương phản ứng và các cơ quan chức năng đã buộc họ phải đền bù hậu quả. Năm 2005, Công ty Vedan đền bù 15 tỷ đồng với danh nghĩa hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 1-7-2005, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt đối với công ty này với số tiền 9 triệu đồng và phải khắc phục hậu quả vi phạm trước ngày 30-9-2005. Trước đó, một quyết định xử phạt khác cũng của Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai với hình thức chính là cảnh cáo. Phải chăng, những mức phạt chưa đủ tính răn đe đó làm cho hành vi gian dối của Công ty Vedan kéo dài suốt 14 năm trời?
Xử lý triệt để, tận gốc của vấn đề
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, trước mắt Bộ đang kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đình chỉ hoạt động của Công ty Vedan, ngoài ra, Bộ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, nếu đủ điều kiện sẽ đề nghị khởi tố. “Hành vi của Công ty Vedan phải được xử lý theo khung hình phạt nặng nhất. Vedan đã “ăn” vào môi trường của Việt Nam, lợi nhuận của công ty này một phần nhờ vào việc không xử lý nước thải, coi thường sức khỏe của người dân”.
Vấn đề xử lý nước thải công nghiệp không chỉ đặt ra đối với Công ty Vedan mà hiện nay thực trạng này rất phức tạp và chưa được xử lý kiên quyết. Trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, thanh tra của Bộ đã phát hiện thêm nhiều doanh nghiệp nữa có hành vi tương tự như Vedan, sẽ được công bố và đưa ra xử lý trong thời gian tới. Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm kéo dài là do khi đã cấp phép đầu tư đối với những loại hình công nghiệp sử dụng lượng nước lớn, chúng ta đã phải đối mặt với nguy cơ gây ô nhiễm cao”. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành rà soát lại các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện và khắc phục những kẽ hở của luật pháp. “Đảm bảo phát triển bền vững là phải vừa tăng trưởng vừa bảo vệ môi trường. Với những ngành độc hại, dù có nguồn vốn lớn chúng ta nhất quyết không cấp giấy phép đầu tư, có như vậy với khắc phục được nạn ô nhiễm môi trường hiện nay”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.
ĐỖ MẠNH HƯNG