Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, không chỉ nổi tiếng là Nam Thiên Đệ Nhất Động mà còn nổi tiếng về những loại rau, đặc biệt là rau sắng, một loại cây giàu chất dinh dưỡng nhưng chỉ mọc ở vách núi. Loại rau này ở chùa Hương có mùi vị thơm ngon hơn hẳn mà không phải nơi đâu cũng có được.

Từ bao đời nay, cây rau sắng đã gắn bó với người dân đồng bằng Bắc Bộ và đã đi vào thơ ca. Thi sĩ Tản Đà đã có bài thơ ca ngợi rau sắng chùa Hương rất hay: "Muốn ăn rau sắng chùa Hương/Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa/Người đi ta ở lại nhà/Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm". Hằng năm, vào mùa trẩy hội, cây rau sắng luôn được bán với số lượng lớn nhưng cung vẫn không đủ cầu.

Nhằm bảo tồn giống cây rau sắng, nâng cao hiệu quả kinh tế và phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian lễ hội chùa Hương, chính quyền xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây đã khuyến khích người dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ, khai thác hợp lý, đi đôi với từng bước nhân cấy, mở rộng diện tích trồng loại cây này tại địa phương. Vừa có thương hiệu, lại vừa có giá trị kinh tế cao, vừa qua Trạm khuyến nông huyện Mỹ Đức đã trồng thành công cây rau sắng trên mặt đất.

Rau sắng là một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi Hương Sơn. Đây là loại cây thân mộc, cao vừa phải, cành lá xanh bóng mịn màng, lá gần giống như lá rau ngót nhưng nhỏ và nhọn hơn. Từ lâu, loại rau này đã được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị thơm mát, ngọt bùi, hơi ngầy ngậy rất đặc biệt khi nấu thành canh. Người dân ở đây thường vào rừng tìm hái rau sắng về bán cho du khách có dịp đến Hương Sơn với giá trung bình 200.000 - 300.000 đồng/kg. Mùa hè, rau hiếm, có khi còn lên tới 400.000- 500.000 đồng/kg. Cây rau sắng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Hương Sơn.

Chị Phạm Thị Oanh, Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Mỹ Đức vui mừng cho biết: “Rau sắng là loại cây rất kén đất trồng, chúng chỉ mọc tự nhiên ở những vách đá nên năng suất thu hoạch không cao. Nhu cầu của du khách mua loại rau này rất lớn, nhất là vão mùa trẩy hội, một số đối tượng đã bán rau sắng “giả” với giả rẻ đã làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu rau sắng chùa Hương. Với địa bàn phần lớn là rừng, núi đá vôi, và quyết tâm bảo vệ thương hiệu đặc sản của huyện, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm cách nhân trồng cây rau sắng. Cây rau đang được đầu tư nhân rộng, chỉ chục năm nữa là sẽ mọc bạt ngàn rừng Hương Sơn. Hiện nay, Trung tâm đã phối hợp với một số gia đình có kinh nghiệm trong việc trồng cây rau sắng, đó là gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Yến Vỹ; gia đình ông Trịnh Văn Phòng ở xóm 13, thôn Đục Khê”. Đặc biệt có gia đình ông Nguyễn Văn Thanh hiện đã trồng thành công 7.000 cây rau sắng trên diện tích 10ha đất tại thung Trò Cả.

Chị Oanh cho biết thêm, hiện nay, ở Hương Sơn chỉ còn lại 2 cây rau sắng nếp cổ thụ có khả năng cho hạt để từ đó có thể ươm thành cây rau sắng mới. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng Giêng, tháng 2 âm lịch, cây rau sắng nếp ra hoa, sau đó vài tuần sẽ kết thành hạt (gần giống như hạt mít). Hạt phải để đến tháng 6 mới được hái xuống, ươm vào mùn lá rừng, chờ nảy mầm mới đem trồng. Trồng và chăm sóc cây rau này không khó nhưng phải biết đặc tính của cây. Rau sắng chỉ ưa mọc ở các khe núi, "thức ăn" của nó là mùn cây và lá rừng, nếu bón phân gia súc, gia cầm, cây sẽ bị rệp và chết.

Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, không chỉ phải đến tận Hương Sơn mới mua được đặc sản rau sắng, một Công ty Đầu tư du lịch và phát triển quốc tế ở Hà Nội đã về thu mua, đưa rau sắng đóng trong hộp nhựa, bảo quản lạnh trong thời gian 15 ngày đi dự Hội chợ triển lãm thực phẩm an toàn IFC tại Hà Nội năm 2002 và đã đạt huy chương Vàng. Đây là một tín hiệu đáng mừng, mở ra triển vọng mới cho việc tiêu thụ rau sắng ở Hương Sơn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là, số hạt giống để nhân cấy loại cây này rất khan hiếm, trung bình 1kg hạt rau sắng được bán ở Hương Sơn với giá tới 600.000- 700.000 đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều người dân tuy biết trồng cây rau sắng ở đất rừng là một nguồn thu nhập đáng kể song không thể học tập, làm theo vì không có đủ vốn mua hạt giống và không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để trực tiếp vào lấy hạt sâu trong vùng rừng Hương Sơn từ 2 cây rau sắng nếp cổ thụ hiếm hoi.

Ông Lê Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức tâm sự: “Huyện Mỹ Đức có 22 xã, thị trấn với gần 18.000 nhân khẩu, có thu nhập trung bình 480USD/năm, ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Mặc dù huyện đã đẩy mạnh sản xuất, phát triển tiểu thủ công nghiệp nhưng vẫn không thể giải quyết việc làm cho gần 9.000 lao động dư thừa. Thời gian lúc nông nhàn người nông dân cũng không biết làm gì thêm để tăng thu nhập cho gia đình. Mặc dù có nghề truyền thống nhưng cũng không thể coi đó là nguồn thu nhập chính được. Cây rau sắng là một thế mạnh của huyện, có giá trị kinh tế cao, nếu người dân trồng thành công, chắc chắn trong thời gian không xa du khách sẽ được ăn rau sắng “xịn” và đời sống người dân cũng sẽ được nâng cao lên rất nhiều”.

Xuân Huyền - Phạm Thị Oanh