QĐND Online – Hàng loạt vấn đề cần giải quyết trong việc tiếp công dân đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc xây dựng một luật quy định tiếp công dân. Dự thảo Luật Tiếp công dân được trình ra Quốc hội đã có nhiều nội dung, quy định cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cũng như công tác tiếp công dân được tiến hành hiệu quả hơn…

Đòi hỏi bức thiết xây dựng Luật Tiếp công dân

Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, thông qua công tác tiếp công dân giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Hoạt động tiếp công dân. Ảnh: http://baodientu.chinhphu.vn

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân; các cơ quan, tổ chức đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác này. Chính vì vậy, công tác tiếp công dân đã thu được những kết quả nhất định. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tiếp công dân của các cấp, các ngành và Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước còn có những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ ý‎ nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng; có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra. Tổ chức tiếp công dân còn thiếu thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Trong hoạt động tiếp công dân, chưa phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ánh… Những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp công dân.

Nhiều quy định giúp công tác tiếp công dân hiệu quả hơn

Dự thảo Luật gồm 10 chương với tổng số 61 điều. Trong đó, để có cơ sở cho việc tổ chức tiếp công dân cho phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Điều 7 của dự thảo luật quy định: “ Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân hoặc bố trí cán bộ, công chức, viên chức tiếp công dân cho phù hợp.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có vai trò rất quan trong trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Vì vậy để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, Dự thảo Luật đã dành một chương quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này. Trong đó quy định trách nhiệm chung của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân (Điều 9); trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất (Điều 10); việc tiếp công dân của người đứng đầu phải gắn với việc giải quyết vụ việc, khi tiếp công dân phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân; trường hợp không trả lời ngay được thì phải thông báo rõ thời gian giải quyết và trả lời cho công dân.

Nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung là vấn đề đang diễn ra hết sức phức tạp. Để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp và xử lý trường hợp này, Chương VII Dự thảo quy định cụ thể về cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Điều 51); tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân (Điều 52); trách nhiệm phối hợp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (Điều 53); trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (Điều 54). 

Để tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước cũng như người làm công tác tiếp công dân, Dự thảo Luật quy định về điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân, chế độ chính sách đối với người tiếp công dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc cung cấp các thông tin có liên quan cho nhân dân để nhân dân nắm bắt và thực hiện đầy đủ, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo thiếu căn cứ.

XUÂN DŨNG