Cần quản lý tốt hơn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.Ảnh: Internet

Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 6-3-2009 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 25) về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo là một văn bản pháp lý đánh dấu bước tiến quan trọng về thể chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Hồ Thị Yến Thu, người đã được đào tạo chuyên sâu về dự án phát triển bền vững tại Hà Lan và Quản trị môi trường tại Anh. Hiện bà đang là Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), thành viên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Lần đầu tiên có văn bản pháp quy về quản lý biển và ven biển

- Dưới góc độ của một tổ chức phi chính phủ, bà chia sẻ gì khi hành lang pháp lý này có hiệu lực?

- Theo tôi, việc ban hành Nghị định 25 là một thành tựu đáng kể trong công tác tăng cường thể chế quản lý biển và hải đảo của Việt Nam. Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và ven biển để phục vụ phát triển bền vững cho các quốc gia có biển đã được giới thiệu ở nước ta trong khoảng hơn một thập niên gần đây và được tiếp nhận tích cực. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi, đây là lần đầu tiên một văn bản pháp quy của Chính phủ được ban hành dành riêng cho nội dung này. Nghị định đã tạo những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai phương thức quản lý tổng hợp (QLTH) trên toàn quốc.

Trong quá trình tìm hiểu và phổ biến phương thức QLTH vùng biển và ven biển, chúng tôi và nhiều cá nhân, đơn vị đã gặp những khó khăn trong việc thống nhất cách hiểu và áp dụng các khái niệm liên quan đến biển, vùng ven biển và quản lý tài nguyên ở đó. Trong nội dung của Nghị định này, lần đầu tiên có một sự quy chuẩn về nội hàm của những khái niệm đó.

Nghị định đã thể hiện rõ tầm quan trọng của công tác phân vùng chức năng và quy hoạch sử dụng tài nguyên biển, hải đảo. Từ góc độ người làm chuyên môn, tôi thấy đây là một công cụ quan trọng trong việc quyết định thành công hay không của việc áp dụng phương thức QLTH vào thực tế. Bất hợp lý, thậm chí là mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo đang là vấn đề nổi cộm ở nhiều vùng biển và ven biển trên thế giới chứ không riêng ở nước ta. Công việc phân vùng quy hoạch để sử dụng khai thác hợp lý, lâu dài là bài toán rất khó. Nghị định 25 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc này. Vấn đề tiếp theo là công việc chuyên môn thực hiện như thế nào.

Một nội dung đặc biệt quan trọng nữa là Nghị định đã tạo cơ chế và quy định thể chế cho việc hợp tác, điều phối liên ngành, liên lĩnh vực trong quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo. Đây là một yếu tố then chốt của phương thức QLTH. Yêu cầu về hợp tác và điều phối khi được pháp lý hoá sẽ có nhiều khả năng thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Còn những băn khoăn

- Trong Nghị định có điểm nào khiến bà còn băn khoăn hoặc chưa rõ?

- Theo tôi, Nghị định này vẫn chưa rõ trong việc quy định vai trò của quy hoạch sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo như thế nào trong mối tương quan với các quy hoạch khác. Thực tế, trong quá trình triển khai chuyên môn, chúng tôi đã va chạm đến rất nhiều lĩnh vực ở địa phương ven biển mà ở đó đã có những kế hoạch, quy hoạch liên quan đến tài nguyên và môi trường; ví dụ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội... Liệu khi có quy hoạch sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo thì vai trò của nó thế nào trong bối cảnh trên? Mong muốn của người làm chuyên môn là quy hoạch sử dụng tài nguyên cần được lập theo quan điểm tổng hợp, với chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ cho địa phương đó, để trở thành “bộ lọc” lựa chọn, điều phối những hoạt động khác nhau ở vùng biển, ven biển.

- Còn về trách nhiệm của các cơ quan thì thế nào, thưa bà?

Một điểm nữa tôi cũng quan tâm là, trong nỗ lực pháp lý hóa cơ chế phối hợp giữa các bên trong quản lý tài nguyên biển và hải đảo, Nghị định có quy định chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, của các cấp quản lý. Ví dụ Nghị định quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác và UBND các tỉnh ven biển lập ra quy hoạch sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong phạm vi cả nước. Trong đó quy định UBND các tỉnh đề xuất nhu cầu cho tỉnh mình, sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp. Tôi băn khoăn hai điều. Một là các vấn đề sử dụng, khai thác mang tính liên tỉnh thì sẽ thế nào? Bởi vì ứng dụng quản lý tổng hợp đới bờ va chạm đến rất nhiều vấn đề liên tỉnh. Hai là việc tổng hợp của bộ từ các tỉnh cũng sẽ như thế nào? Theo tôi, quy hoạch chung cho biển và hải đảo cả nước không phải như một phép cộng của các tỉnh, thành phố. Mong rằng nếu có thông tư hướng dẫn thực hiện thì các điểm này sẽ được làm rõ hơn.

Chú trọng tăng cường năng lực cán bộ quản lý

- Theo bà đâu là vấn đề nổi bật trong Nghị định này?

- Tôi rất tâm đắc vì Nghị định 25 đã dành hẳn một chương quy định về các điều kiện đảm bảo cho quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo. Trong đó có nhấn mạnh vào việc phát triển nguồn nhân lực lâu dài và nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp biển và hải đảo cho các đối tượng khác nhau. Việc đào tạo bài bản về chuyên môn tại các cơ sở đào tạo chính quy rõ ràng là cần thiết và đúng đắn. Song bên cạnh đó, thiết nghĩ, ít nhất trong giai đoạn trước mắt, cũng cần quan tâm đầu tư tăng cường năng lực về QLTH cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn hiện có, vì đây là nội dung mới, đặc biệt là đối với nhiều địa phương.

Chúng tôi thấy Nghị định 25 đã thực sự quan tâm đến lực lượng này. Nghị định đã dành một số điều khoản cụ thể (như điều 24) quy định về vai trò những tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý TNMT biển, hải đảo.

- Bản thân bà cũng như MCD mong muốn điều gì khi Nghị định ra đời?

Chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ, góp tiếng nói của mình nhằm đa dạng hoá hình thức ứng dụng phương thức quản lý tổng hợp vào trong điều kiện quản lý vùng ven biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ đã được tôi luyện của MCD cũng mong có cơ hội tiếp cận với các cơ quan quản lý để có đóng góp về chuyên môn đối với công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và ven biển.

Rất hy vọng rằng, các quy định của Nghị định 25 sẽ sớm đi vào thực tế cuộc sống, cải thiện tích cực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của đất nước nói chung và MCD nói riêng.

- Xin cảm ơn bà!

HỒNG MINH (thực hiện)