 |
Xuất khẩu gạo (ảnh internet) |
Thời gian qua, cả thế giới nóng lên về tình trạng thiếu lương thực. Một số quốc gia bị đặt trong tình trạng bất ổn xã hội do nguồn lương thực khan hiếm, trở nên quá đắt đỏ. Diện tích đất trồng cây lương thực bị thu hẹp đáng kể, vì dành cho các mục đích khác, khí hậu khắc nghiệt, tình trạng mất mùa trên diện rộng diễn ra liên tiếp, dân số càng gia tăng, nhu cầu sử dụng lương thực càng lớn... Các tổ chức quốc tế và quốc gia cảnh báo, tình trạng khan hiếm lương thực và giá lương thực đắt đỏ còn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng tỉ người trên hành tinh, nếu không có giải pháp đồng bộ để giải quyết, tháo gỡ...
Nước ta, nhiều năm qua tự hào có lượng gạo xuất khẩu vào hàng tốp ten trên thế giới. Tuy vậy, không vì thế mà ta chủ quan trong bảo đảm an ninh lương thực hiện tại và tương lai. Trước bối cảnh thế giới thiếu lương thực, nhiều nước quanh ta chưa phải đã thiếu lương thực, nhưng có ngay những chính sách kịp thời như hạn chế lấy đất nông nghiệp cho những dự án, mục đích chưa thật cần thiết; khuyến khích, đầu tư cho nông dân gắn bó, sản xuất nhiều lúa gạo. Còn ở ta thì sao? Theo chúng tôi được biết, ở các địa phương diện tích đất nông nghiệp càng bị thu hẹp dần, do chính quyền địa phương lấy đất sản xuất, san ủi, tạo mặt bằng, xây dựng khu dân cư, khu đô thị, cấp xét, bán đấu giá cho người cần để có khoản thu ngân sách hằng năm. Người có nhu cầu mua đất làm nhà thì ít, người không có nhu cầu, mua đất để chờ giá lên, bán kiếm lời thì nhiều. Thành ra nhiều khu dân cư (mà tỉnh nào cũng có cả) sau nhiều năm chỉ có lác đác dăm nhà mọc lên, còn bao nhiêu lô đất khác thì cứ im ỉm nằm đấy. Hết sức lãng phí. Nếu để sản xuất thì những khoảng đất trống mỗi năm góp được bao nhiêu lúa gạo...
Tại sao, trong Luật Đất đai hay văn bản dưới luật không qui định cụ thể, rõ ràng rằng: những cá nhân, tập thể mua đất khu dân cư, đô thị phải làm nhà trong một thời gian nhất định (từ 2 đến 4 năm chẳng hạn), nếu quá thời gian ấy, Nhà nước có quyền thu hồi, sung vào công quĩ? Làm nghiêm như vậy thì ích nước lợi nhà biết mấy. Rồi chuyện lấy đất sản xuất cho các khu công nghiệp, các dự án khác. Tỉnh nào cũng có mấy khu công nghiệp (theo kiểu phong trào), hàng ngàn héc-ta bị biến mất. Có khu công nghiệp thì phát huy được, có nơi vẫn bỏ hoang theo tháng năm. Mặt khác, người nông dân bây giờ không mấy mặn mà với cây lúa, cây mì nữa, vì giá trị, thu nhập quá thấp, không bằng trồng các loại cây khác hoặc làm ngành nghề, công việc khác.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải có chính sách tối ưu và đồng bộ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể là đất sản xuất lương thực phải có sự quản lý chặt chẽ, không thể lỏng lẻo hay tùy tiện sử dụng vào các mục tiêu chưa cần thiết, có chính sách đầu tư ưu đãi hơn nữa đối với người sản xuất để họ yên tâm, gắn bó lâu dài với ruộng đồng và vươn tới năng suất, hiệu quả cao hơn nữa trên từng đơn vị diện tích.
ĐỖ TẤN NGỌC Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng-Sơn Tịnh-Quảng Ngãi