QĐND - Bất chấp mọi sự cảnh báo của Mỹ, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) vẫn ra lệnh phóng thích 72 trên tổng số 88 tù nhân đang bị giam giữ tại nhà tù Ba-gram, cách thủ đô Ca-bun khoảng 60km về phía Bắc. Động thái “thả hổ về... làng” này khiến Oa-sinh-tơn giận tím mặt đồng thời cũng khiến vết rạn nứt trong quan hệ hai nước ngày càng lớn.

Thả hổ về... làng

Kế hoạch phóng thích tù nhân được coi là một phần trong những nỗ lực hòa giải dân tộc của chính phủ Áp-ga-ni-xtan. Ngày 9-1, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai đã quyết định sẽ phóng thích hàng trăm tù nhân khỏi các nhà tù trên khắp đất nước, trong đó có 72 tù nhân từ nhà tù Ba-gram. Ngay sau đó, Nhà Trắng tuyên bố việc trả tự do cho bất kỳ tù nhân nào đều có nguy cơ đe dọa không chỉ đối với an ninh của binh lính Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan, mà còn đối với nước Mỹ về lâu dài. Oa-sinh-tơn cho rằng, phần lớn các tù nhân được thả là các tay súng Ta-li-ban cực kỳ nguy hiểm, có mối quan hệ mật thiết với tổ chức khủng bố, là mối đe dọa an ninh lớn đối với Mỹ và lực lượng đồng minh tại Áp-ga-ni-xtan. Mỹ tuyên bố, đây đồng thời là hành vi vi phạm thỏa thuận xét xử tù nhân khi Oa-sinh-tơn trao quyền kiểm soát đại lao Ba-gram cho Ca-bun hồi tháng 3 năm ngoái.

Tù nhân ở nhà tù Ba-gram. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đã bác bỏ những lập luận trên của Oa-sinh-tơn và nhấn mạnh rằng, phần lớn các tù nhân giam giữ tại trại giam Ba-gram là vô tội. Tuyên bố phát đi từ Phủ tổng thống Áp-ga-ni-xtan nêu rõ, trong số 88 tù nhân đang bị giam giữ tại nhà tù Ba-gram, chỉ có 16 đối tượng là "có bằng chứng phạm tội vững chắc". Tuyên bố dẫn báo cáo của Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Áp-ga-ni-xtan (NDS) Ra-ma-tu-la Na-bin (Rahmatullah Nabil) trong cuộc họp ngày 9-1 với các quan chức tư pháp, khẳng định có tới 45 tù nhân tại nhà tù Ba-gram là vô tội vì không có bằng chứng xác thực cũng như cáo buộc về sự tham gia của họ trong các hoạt động chống đối. Ngoài ra, còn có 27 đối tượng khác chỉ đối mặt với các cáo buộc nhẹ.

Giới phân tích nhận định, hành động phóng thích tù nhân hàng loạt lần này của Tổng thống H.Ca-dai như là cách để ông thực hiện hai mục tiêu, đó là vừa hy vọng thuyết phục quân nổi dậy Ta-li-ban ngồi vào bàn đàm phán, vừa thể hiện Áp-ga-ni-xtan có chủ quyền quyết định trước Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này cũng đe dọa an ninh đối với chính Áp-ga-ni-xtan. Bởi nó chẳng khác nào hành động “thả hổ về… làng” trong điều kiện an ninh của nước này chưa được cải thiện. Trong khi đó, một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ ở lại “vũng lầy” Áp-ga-ni-xtan rồi đây sẽ phải trực diện thêm với những “mãnh hổ” mới vừa được “xổng chuồng”.

Rơi vào sóng gió

Động thái của Ca-bun đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Áp-ga-ni-xtan lên một nấc thang mới. Mối quan hệ hai nước xấu đi kể từ khi Tổng thống H.Ca-dai từ chối ký Hiệp định An ninh Song phương (BSA) như đã cam kết với Mỹ. Thỏa thuận này liên quan đến sự hiện diện quân sự của Mỹ vào cuối năm 2014, thời điểm Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan. Theo đó, nếu BSA được ký kết, khoảng 8000 trong tổng số 12.000 lính Mỹ sẽ tiếp tục được triển khai tại Áp-ga-ni-xtan sau lộ trình rút quân vào cuối năm nay. Chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma muốn ký BSA trong năm 2013, nhưng Tổng thống H.Ca-dai kiên quyết từ chối, muốn để việc này cho người kế nhiệm sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng  4 tới.

Bầu không khí thiếu niềm tin giữa hai bên còn thể hiện ở chỗ trong tuyên bố đưa ra nhân chuyến thăm Ấn Độ tháng 12 năm ngoái, ông H.Ca-dai cáo buộc Mỹ “nói một đằng làm một nẻo” trong vấn đề Áp-ga-ni-xtan. Tổng thống H.Ca-dai cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đàm phán với Ta-li-ban như một phần trong tiến trình hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan nhưng nói rõ rằng, “đây phải là lực lượng Ta-li-ban gồm những người Áp-ga-ni-xtan chứ không phải những kẻ liên quan đến các tổ chức khủng bố nước ngoài”. Trong khi đó, Oa-sinh-tơn cũng một lần nữa nhắc lại rằng, nếu thỏa thuận BSA không được ký kết, Mỹ sẽ phải rút toàn bộ lực lượng bao gồm 44.500 binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này vào cuối năm 2014, cảnh báo việc rút quân có thể gây ra tình trạng mất ổn định tại quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá này.

Vì thế, quyết định thả tù nhân của ông H.Ca-dai chẳng khác nào "giọt nước làm tràn ly", khiến vết rạn nứt trong quan hệ hai nước ngày một lớn hơn.

BÌNH NGUYÊN