QĐND - Theo các nghiên cứu khoa học, hệ thực vật từng được phát hiện tại Việt Nam không chỉ phong phú, đa dạng về thành phần loài mà có tới gần 50% tổng số loài đã được xác định là cây có ích. Trong đó, nhóm cây làm thuốc là nhiều nhất, tiếp đến là nhóm cây cho lấy gỗ, nhóm cây làm cảnh v.v.. Điều đặc biệt là có một nhóm cây mà tương lai sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền nông nghiệp sạch, có thể chiết xuất được chất Rotenon dùng làm thuốc diệt trừ sâu bệnh hại đối với cây trồng. 

Nhiều năm qua, trong sản xuất nông nghiệp, do không dám mạo hiểm với rủi ro nên nông dân và cán bộ khuyến nông các địa phương tỏ ra dè dặt đối với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về bảo vệ thực vật. Vì vậy, biện pháp hóa học phòng trừ sâu bệnh vẫn được nông dân ưa chuộng, thậm chí có lúc, có nơi bị lạm dụng nên đã gây ra ô nhiễm môi trường, làm suy thoái đất và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Cán bộ Trung tâm An toàn và Đa dạng sinh học khảo sát tìm kiếm nguồn cây làm thuốc trừ sâu sinh học tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Lê Trần

 

Hòa Bình là một tỉnh miền núi phía Bắc từ lâu được biết đến là địa phương giàu về tài nguyên rừng, đồng thời cũng là nơi được xác định có tiềm tàng nguồn nguyên liệu cây làm thuốc trừ sâu sinh học. Nhằm khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên sẵn có để tiến tới một nền nông nghiệp sạch, đầu năm 2011, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã giao cho Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học Rotenon từ cây họ đậu (Fabaceae) để diệt và phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoành Côi và Tiến sĩ Trần Ngọc Ninh (công tác tại Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học): Mục tiêu trước mắt của đề tài là điều tra, xác định được một số loài cây thuộc họ đậu có khả năng chiết xuất được Rotenon, bước đầu khoanh vùng nguyên liệu, tiếp đến chọn lọc những loài có hàm lượng Rotenon cao để xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm Rotenon và chuyển giao công nghệ cho địa phương. Về lâu dài sẽ tiến tới sản xuất thuốc trừ sâu sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Rotenon được đánh giá là hoạt chất chính để diệt ngoại ký sinh trùng của gia súc, diệt sâu hại mùa màng nhất là cây rau màu. Rotenon có chủ yếu ở trong rễ, lá, vỏ cây, hạt và củ một số loài thuộc họ đậu.

Độc tính của Rotenon thể hiện trên động vật máu lạnh bằng đường uống hoặc do tiếp xúc với nồng độ 1 phần triệu. Rotenon ức chế trung khu hô hấp. Khi sâu tiếp xúc với Rotenon sẽ yếu đi và chết không giãy giụa, tuy nhiên không phải loài sâu nào Rotenon cũng có tác dụng, mà chỉ có khả năng diệt trừ sâu miệng hút như: Rệp, rầy, bọ nhẩy, bọ trĩ, bọ xít, nhện đỏ và diệt trừ sâu miệng nhai như sâu tơ hại rau thuộc họ cải, bọ cánh cứng...

Rotenon có tác dụng diệt côn trùng và sâu mạnh hơn 4 đến 10 lần so với Nicotin có trong thuốc lào, thuốc lá. Đối với người và động vật máu nóng, Rotenon hầu như không có độc tính qua đường tiêu hóa nhưng nếu tiêm mạch máu và qua đường hô hấp có thể gây liệt hô hấp và chết ngạt.

Thạc sĩ Phạm Đăng Trung, chuyên viên Trung tâm An toàn và Đa dạng sinh học cho biết: Trung tâm đã tiến hành khảo sát thực địa trên phạm vi toàn tỉnh Hòa Bình. Bước đầu xác định được 5 loài hiện có trong tự nhiên và 1 loài là cây trồng, có các bộ phận chứa Rotenon. Cụ thể, loài thứ nhất là cây cổ dải (còn gọi là cây diệt ruồi hay cây bả ruồi) có tên khoa học là Milletia eberhardtia Gagnep. Là cây gỗ nhỏ, cao 7-8m, mọc trong rừng rậm trên núi đá vôi, đôi khi cũng gặp trên núi đất. Cây ra hoa vào tháng 2, tháng 3, có quả vào tháng 8, tháng 9. Vỏ cây có chứa nhiều Rotenon, người dân dùng làm thuốc diệt ruồi. Phân bố chủ yếu ở huyện Mai Châu.

Loài thứ hai là cây kê huyết đằng núi (còn gọi là cây máu gà núi, khâu lương), có tên khoa học là Milletia dielsiana Harms. Là cây bụi hoặc dây leo gỗ mọc ở ven rừng hoặc trong rừng thường xanh, ở độ cao dưới 2.500m, ra hoa vào tháng 5 đến tháng 8, có quả vào tháng 8 đến tháng 11. Rễ có nhiều Rotenon. Cây này có nhiều ở huyện Lạc Thủy.

 Loài thứ ba là cây thàn mát (còn gọi là hột mát, mát đánh cá, duốc cá), có tên khoa học là Milletia ichthychtona Drake. Là cây gỗ cao từ 10 đến 15m, thường mọc ven bản làng, ven và trong rừng rậm thường xanh trên núi đá vôi, dọc khe suối, nơi ẩm, độ cao tối đa không quá 750m. Ra hoa vào tháng 3, 4, có quả vào tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Hạt quả thàn mát chứa nhiều Rotenon. Thàn mát có ở nhiều vùng trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất ở Yên Thủy, Lạc Thủy.

Loài thứ tư là cây thàn mát thùy dài (còn gọi là dây mật, dây duốc cá, có tên khoa học là Milletia pachyloba Drake). Là dây leo gỗ dài 7 đến 10m. Cây ra hoa vào tháng 4, 5. Có quả từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Rễ và lá có chứa Rotenon. Huyện Lạc Thủy là nơi phân bố nhiều của loài này.

Cuối cùng là loài móc diều, có tên khoa học là Caesalpinia decapetala (Roth.) Alston. Mọc ở lùm cây ven đường ven rừng, ở độ cao tới 1.200m. Có hoa và quả từ tháng 3 đến tháng 10. Hạt và quả có chứa Rotenon. Loài phân bố phổ biến ở Hòa Bình.

Ngoài 5 loài có trong tự nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh Hòa Bình còn trồng cây củ đậu, có tên khoa học Pachyrhizus erosus (L.) Urb. Củ đậu là cây dây leo thân thảo sống nhiều năm, phân bố đến độ cao 1.200m. Ra hoa vào tháng 4, tháng 5, có quả tháng 11, tháng 12. Hạt củ đậu có chứa nhiều Rotenon.

Với kết quả bước đầu đạt được cho thấy, các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy và Mai Châu có thể là những địa phương cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu sinh học của tỉnh Hòa Bình trong tương lai.

Tiến sĩ  Lê Trần Chấn