QĐND - Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy thời gian trả lời chưa được nhiều song nội dung rõ ràng, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội và toàn dân quan tâm. Thủ tướng cũng đã đề cập nhiều giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật và pháp lệnh, coi xây dựng pháp luật là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Việc giảm bớt tỷ lệ “nợ” văn bản hướng dẫn mấy năm gần đây và năm 2013 đến nay đã ban hành 110/129, chỉ còn “nợ” 19 văn bản là một dấu hiệu chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc thiếu hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng là một nguyên nhân dẫn đến khi thi hành pháp luật có nhiều bất cập, khiến người dân bức xúc, đơn thư khiếu nại phát sinh nhiều. Chỉ giải quyết vấn đề “nợ đọng” thì chưa đủ mà điểm mấu chốt đi kèm là phải nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật. Xin lấy ví dụ một trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bạn tôi ở Quảng Trị bị vướng vào một vụ việc mà các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thậm chí cả Bộ Tài chính đều có văn bản khẳng định doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng đúng pháp luật, không có sai phạm. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại viện dẫn văn bản và những lý do trái ngược với các bộ ngành chức năng để xử lý doanh nghiệp. Hay như với Luật Đất đai năm 2003 đã quy định khá rõ việc thu hồi đất nhưng đến nghị định, thông tư hướng dẫn thu hồi thì lại “mở” hơn so với luật, tạo ra nhiều sơ hở. Cho nên, cần phải có hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng mỗi cơ quan có thể áp dụng pháp luật một kiểu khác nhau. Về lâu dài, cần đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nâng cao vai trò lập pháp của Quốc hội hơn nữa, tách bạch hơn nữa giữa lập pháp và hành pháp thì mới có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ.

NGUYÊN MINH (lược ghi)