QĐND - Hiến pháp là đạo luật gốc, cơ bản, là văn bản pháp lý cao nhất, quan trọng nhất và có thể coi là “mẹ” của các đạo luật khác, của hầu hết các nhà nước trên thế giới. Chính vì vậy, trong Hiến pháp, những quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ học tập cần phải cụ thể và sát hơn với đời sống xã hội.

* Đầu tư mạnh vào công tác giáo dục, đào tạo: Hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước đã và đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân những nhiệm vụ quan trọng trong việc đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo. Để kịp thời điều chỉnh lĩnh vực này, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tập trung sửa đổi, bổ sung Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó tập trung chủ yếu vào quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Như chúng ta được biết, tại Điều 59, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức. Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Nhà nước có chính sách học phí, học bổng. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp”. Quy định này đến nay có những điểm chưa thật phù hợp cần phải chỉnh sửa, bổ sung. Chính vì vậy, khi đọc bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi rất mừng vì những quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân đã thu gọn và cụ thể hơn. Cụ thể là: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Quy định này vừa ngắn gọn, vừa bao hàm được đúng tính chất của đạo luật gốc. Tôi cho rằng, quy định này khi được thông qua sẽ mở đường cho sự đầu tư của các nguồn lực xã hội vào công tác giáo dục, đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của công dân... Tuy nhiên, tôi vẫn thấy băn khoăn, nếu việc quy định học tập là nghĩa vụ của công dân, thì mọi công dân (nếu đủ năng lực hành vi) thì buộc phải học tập suốt đời, nếu không sẽ bị cưỡng chế bởi các chế tài pháp luật. Nếu không cụ thể hóa vấn đề này, thì dễ dẫn đến việc sẽ có rất nhiều công dân vi phạm Hiến pháp, pháp luật bởi không thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.

Chính vì vậy, tôi kiến nghị, Ban soạn thảo và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Điều 42 theo hướng quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân như: Cấp học bắt buộc đối với công dân. Nguồn ngân sách dành cho học tập, giáo dục. Chế tài trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân.

Trịnh Xuân Tiến

(Khu tập thể Hào Nam, TP Hà Nội)

* Nhà nước tạo mọi điều kiện cho việc học tập của công dân: Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, khi vừa giành được độc lập dân tộc, Đảng và Chính phủ đã tổ chức phong trào “Bình dân học vụ”, động viên, kêu gọi toàn dân chống ba thứ giặc, đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chỉ có học tập thì dân trí được mở mang, đất nước mới ngẩng cao đầu sánh vai cùng các cường quốc năm châu…

Tôi rất tán thành nội dung Điều 42 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ghi: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Điều đó khẳng định việc học tập là bổn phận và trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam. Ở đây cần hiểu là, mọi người dân đều được quyền đi học và có quyền được đi học. Vì thế, không phân biệt đẳng cấp, giai tầng xã hội, người khuyết tật… trong học tập dù ở bậc tiểu học hay ở các bậc học cao hơn.

Tuy nhiên, để cho mọi công dân thực sự được hưởng “quyền” học tập và thực hiện “nghĩa vụ” học tập, theo tôi nên bổ sung tiếp cụm từ "Nhà nước có trách nhiệm và tạo mọi điều kiện cho việc học tập của công dân" vào sau cụm từ “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” thì sẽ đầy đủ hơn. Như vậy, ở Điều 42 này nên viết là: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Nhà nước có trách nhiệm và tạo mọi điều kiện cho việc học tập của công dân”. Bởi lẽ, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, trong Chiến lược phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2011-2020 và hai báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XI đều có nội dung “Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”. Viết như vậy mới gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của Nhà nước trong việc xây dựng, bảo đảm cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, phòng ngừa tiêu cực trong việc thi tuyển, chạy trường, chạy lớp trong các trường học, nhất là hệ thống trường công lập. Hơn nữa trong thực tế hiện nay, không thiếu những nhà trường e ngại việc nhận học sinh khuyết tật vào học.

Nguyễn Lê Bảo Châu

(Phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội)

*Trách nhiệm phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo bồi dưỡng nhân tài: Trong Hiến pháp năm 1992, chương III "Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ" có hai điều về giáo dục: Ðiều 35 và Ðiều 36. Ðiều 35. Nếu so sánh, Điều 66, những điều khoản đã mang tính cụ thể, thiết thực hơn. Ngoài ra, một điểm mới và mang tính hiện đại phù hợp với xu thế hiện nay tại Khoản 1, Ðiều 66 bổ sung ngoài việc đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc còn thêm “Hội nhập quốc tế” và tại Khoản 3, sửa nội dung phổ cập giáo dục: Không ghi cấp phổ cập. Tôi rất đồng tình với việc sửa đổi này.

Tuy nhiên, tôi xin nêu một số ý kiến để cùng thảo luận: Về Ðiều 66 trong dự thảo, cụ thể tại Khoản 1, Điều 66 quy định: “Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài...”. Quy định như vậy là chưa thật chính xác. Tôi kiến nghị nên thay cụm từ: “…hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân…” bằng cụm từ: “Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách của công dân”. Vì tôi cho rằng, “phẩm chất và năng lực” là nhân cách của con người, nên chỉ cần ghi "bồi dưỡng nhân cách". Tiếp đó, bỏ chữ “bồi dưỡng” trong cụm từ “... bồi dưỡng nhân tài” bằng “phát triển nhân tài". Vì, theo tôi, việc phát triển nhân tài mới là quan trọng, có như vậy, những người tài mới phát huy hết được khả năng và sở trường của họ. Ngoài ra, trong một cụm từ, không nên để hai từ “bồi dưỡng” như trong điều khoản này như “bồi dưỡng nhân cách”, tiếp đó là “bồi dưỡng nhân tài”.

Còn tại Khoản 2, Điều 66 có ghi: “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục...”. “Đầu tư khác cho giáo dục” là chưa cụ thể và chính xác. Vì giáo dục không nên mang tính thương mại hóa, đầu tư cho giáo dục chỉ có dạy và học. Và chưa mang tính cụ thể. Một số người còn không hiểu rõ vấn đề “tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục”... “Đầu tư khác” là đầu tư gì? Chính vì vậy, tôi xin đưa ra ý kiến là bỏ từ “khác”, chỉ ghi: “... tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư cho giáo dục”. Rất mong Ban soạn thảo cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp.

Đào Văn Vĩnh

(Huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa)