QĐND - Nước Mỹ lại tiếp tục rúng động vì những vụ việc liên quan đến súng ống khi ngày 28-11, một người đàn ông bất ngờ nã súng vào nhiều trụ sở cơ quan trọng yếu ở thành phố O-xtin (Austin), thủ phủ bang Tếch-dớt (Texas).

Theo lời các nhà chức trách bang Tếch-dớt, vụ việc xảy ra vào sáng sớm 28-11 (theo giờ địa phương). Thủ phạm là La-ri Mắc Qui-li-am (Larry McQuilliams), 49 tuổi, đã nã hơn 100 phát đạn vào ít nhất ba tòa nhà trọng yếu trong thành phố, bao gồm: Tòa án liên bang, Trụ sở cảnh sát và Lãnh sự quán Mê-hi-cô. Đối tượng này thậm chí còn phóng hỏa tòa Lãnh sự quán Mê-hi-cô, nhưng rất may ngọn lửa đã được dập tắt trước khi gây ra thiệt hại nghiêm trọng. La-ri Mắc Qui-li-am thiệt mạng ngay sau đó, tuy nhiên, cảnh sát vẫn chưa xác định được “tay súng” này chết do trúng đạn của cảnh sát hay tự sát.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại thành phố O-xtin. Ảnh: AP

Ông Át A-xê-vê-đô (Art Acevedo), Cảnh sát trưởng thành phố O-xtin, cho biết: La-ri Mắc Qui-li-am là một người da trắng và đã có tiền án. Theo hồ sơ của cảnh sát địa phương, năm 1992, La-ri Mắc Qui-li-am đã bị bắt vì tội cướp các vũ khí gây nguy hiểm chết người.

Nhiều người cho rằng, hành động “liều mạng” của La-ri Mắc Qui-li-am xuất phát từ động cơ chống chính phủ và phản đối chính sách nhập cư. Mặc dù vậy, Cảnh sát trưởng át A-xê-vê-đô nói với báo giới rằng đây chỉ là suy đoán ban đầu.

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao Mê-hi-cô đã ngay lập tức ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại sâu sắc", đồng thời "lên án mạnh mẽ" hành vi bạo lực nói trên. Bộ Ngoại giao Mê-hi-cô xác nhận không có nhân viên ngoại giao nào của nước này bị thương, nhưng vụ xả súng đã gây ra một số thiệt hại về vật chất. Hiện cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy vụ xả súng này là nhằm vào người đại diện ngoại giao của Mê-hi-cô tại Mỹ.

Thời gian gần đây, các vụ việc liên quan đến sử dụng súng đạn đã trở thành đề tài “nóng” và dẫn đến tình trạng bất ổn an ninh tại nhiều thành phố của Mỹ. Cách đây hơn hai tháng, cảnh sát da trắng Đa-ren Uyn-xơn (Darren Wilson) đã bắn chết một nam thanh niên da màu ở thị trấn Phơ-gu-xơn (Ferguson), thuộc bang Mít-xu-ri (Missouri). Việc tòa án ra phán quyết miễn truy tố cảnh sát Đa-ren Uyn-xơn đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình, bạo loạn chưa từng có ở Mỹ trong nhiều năm gần đây, nhất là tại thị trấn Phơ-gu-xơn và một số thành phố lớn. Các cuộc biểu tình phản đối thậm chí còn nổ ra tại thủ đô Luân Đôn của Anh, nơi hàng nghìn người dân xứ sở Sương mù đã xuống đường bày tỏ phẫn nộ trước vụ việc. Các cuộc tranh luận về nạn phân biệt chủng tộc cũng đang bao trùm lên khắp nước Mỹ kể từ sau cái chết của thanh niên da màu nói trên.

Trong mấy ngày qua, các vụ bạo loạn, biểu tình phản đối vụ việc ở thị trấn Phơ-gu-xơn vẫn tiếp tục diễn ra với mật độ ngày càng lớn, tại nhiều khu vực thuộc bang Mít-xu-ri và các thành phố lớn của Mỹ như: Bô-xtơn (Boston), Niu Y-oóc (New York), Lốt An-giơ-lét (Los Angeles)…

Tình hình căng thẳng khiến Tổng thống Ba-rắc ô-ba-ma phải liên tục kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời yêu cầu Bộ An ninh nội địa và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cử các nhóm điều tra tới Phơ-gu-xơn điều tra vụ việc.

Các vụ xả súng cũng là nguyên nhân khiến ông Ba-rắc ô-ba-ma ngày càng hứng nhiều “búa rìu dư luận” cả trong và ngoài nước Mỹ. Đề cập đến vụ việc tại thị trấn Phơ-gu-xơn, Bộ Ngoại giao Nga mới đây cho rằng, Mỹ "nên tập trung vào các vấn đề bảo vệ nhân quyền trong nước" hơn là đi thuyết giáo các nước khác. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, sự bùng nổ làn sóng phẫn nộ quy mô lớn từ người dân và cách phản ứng không tương xứng của các cơ quan thực thi pháp luật đã cho thấy, “nền dân chủ Mỹ không vượt qua được sự chia rẽ sắc tộc, kỳ thị và bất bình đẳng".

ANH VŨ