QĐND - Chuyện đi "giải quyết nỗi buồn" vốn là nhu cầu tất yếu của mỗi người. Thế nhưng, nếu ai buộc phải vào nhà vệ sinh (WC) tại các bến xe ở Hà Nội thì đều rất ngại, coi đó là chuyện... cực chẳng đã. Có thể nói, ngoài Bến xe Nước Ngầm, nhà WC tại các bến xe khác đều nhem nhuốc và rất... “nặng mùi”! Thực trạng này là do đâu?
 |
Một không gian thoáng mát, sạch sẽ, không có “mùi bến xe” tại Bến xe Nước Ngầm
|
Trong nhà WC và ngoài bến xe đều nặng mùi, cáu bẩn!
Chúng tôi có mặt tại Bến xe phía Nam (quận Hoàng Mai) vào một ngày đầu tháng 3, khi đường Hà Nội đang nhớp nháp mưa. Hai nhà vệ sinh được xây dựng ở cửa bán vé thưa thớt người, mặc dù lượng khách tại bến lúc đó rất đông. Chị Nguyễn Thị Lan, một hành khách quê ở Yên Cường, Ý Yên, Nam Định, thật thà nói: "Nhiều người chẳng dám vào nhà vệ sinh anh ạ! Trong ấy bẩn lắm!”.
Cách cửa nhà vệ sinh này vài mét, chúng tôi đã thấy mùi khai nồng nặc bốc ra. Theo quan sát, nhà vệ sinh được làm theo kiểu “xổm”, giội nước bằng tay. Tiếp tục "khám phá", chúng tôi thấy ở phía bãi đỗ xe, cửa vào bến cũng có 2 nhà vệ sinh nữa, nhưng cũng đã xuống cấp vì được xây dựng gần 20 năm.
Tại Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), nhà vệ sinh được bố trí hai bên cửa ra vào phòng bán vé, bãi đỗ xe, được xây dựng khá hiện đại, có bồn cầu ngồi bệt, bồn tiểu nam bằng sứ. Tuy nhiên, chiếc thì bị hỏng đường nước, chiếc lại bị mất nắp, rác bẩn vương khắp nơi. Gạch lát nền, lát tường nhà WC vốn trắng tinh nay ngả màu vàng nhạt. Ngoài cửa, hai nhân viên vẫn tựa vào ghế ngủ ngon lành! Anh Vương Văn Tanh, hành khách đi xe tuyến Hòa Bình, nhận xét một cách hài hước: “Nhà vệ sinh mà quá mất vệ sinh!”.
Còn tại Bến xe Mỹ Đình, những nhà vệ sinh ở đây cũng nằm trong tình trạng “nặng mùi” như hai bến xe trên. Điều đáng nói, dù cũng mới được xây dựng nhưng người đi vệ sinh vẫn phải múc nước từ thùng chứa để… giội. Lúc chúng tôi có mặt khoảng 20 giờ, thời điểm các tuyến xe đêm đi Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên… chuẩn bị lăn bánh. Thật lạ, cứ xe nào chuẩn bị rời bến là các nam hành khách lại lục tục ngó nghiêng rồi ra đằng sau xe tiểu tiện tại chỗ, ít người chịu vào nhà WC. “Tranh thủ giải quyết nỗi buồn tý, lát lên xe ngủ cho ngon anh ạ” - Nguyễn Hoàng Quân, ở thị xã Cao Bằng tếu táo nói với tôi. Còn chị Võ Thị Quyên, quê Hà Giang, thì hướng dẫn cậu quý tử cứ "tè" luôn vào bánh xe đằng sau cho tiện...
Ở Bến xe phía Nam, trong bãi đỗ xe, xen trong tiếng chào mời của các phụ xe là mùi khai nồng nặc. Trong tình cảnh bến chật, xe đông, rồi việc nhà vệ sinh ở đây quá mất vệ sinh, khiến hành khách cứ chọn đuôi xe, lốp xe là nơi đi vệ sinh. Đáng chú ý, không chỉ có các "thượng đế", mà ngày cả lái xe, phụ xe, mấy chị, mấy anh bán bánh hàng rong cũng tham gia hành vi không đẹp này. Vì vậy, ở phía sau mỗi đuôi xe, bánh xe, nước vệ sinh lênh láng, lâu ngày đóng vẩy, khô két lại.
Hãy quan tâm đến công trình phụ
Lý giải với chúng tôi về thực trạng nhà vệ sinh, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Xí nghiệp quản lý Bến xe phía Nam cho biết: “Hằng năm, Xí nghiệp có sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh nhưng kinh phí cho vấn đề này eo hẹp lắm. Thường chỉ đủ để sửa chữa nhỏ thôi”.
Không chỉ thiếu về kinh phí, quả thật các bến xe cũng đang bị mắc về cơ chế xử phạt các hành vi “phóng uế” bừa bãi. “Nhiều khi cán bộ, nhân viên có nhìn thấy anh nọ, chị kia “xả” bừa bãi, nhưng nghịch lý là Xí nghiệp lại không có quyền xử phạt. Chức năng này thuộc thẩm quyền của Trạm cảnh sát Bến xe phía Nam. Cũng đã có lần, người của Xí nghiệp bắt được những hành vi phóng uế bừa bãi, đã “mạn phép” mấy đồng chí cảnh sát nêu tên trên loa, nhưng rồi tình trạng đâu lại vào đấy. Ngẫm đi, ngẫm lại mới thấy: Đây là chốn công cộng. Mình phát, thì mình lại nghe thôi” - ông Thành bức xúc.
Câu chuyện trên được diễn ra tương tự tại các bến xe: Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa của Hà Nội.
Thế nhưng, Hà Nội vẫn có một điểm sáng WC!
Lần đầu vào với Bến xe Nước Ngầm, chúng tôi cảm nhận được cảm giác sạch sẽ, thoáng mát. Nhà chờ, bãi đỗ, khu vực vệ sinh được xây dựng hiện đại. Anh Trịnh Hoài Nam - Tổ trưởng tổ kiểm soát Bến xe Nước Ngầm đưa chúng tôi đi tham quan một vòng bến xe rồi cho biết: “Hệ thống nhà vệ sinh ở đây được xây dựng hiện đại với hệ thống xả nước tự động. Nhà vệ sinh được bố trí hợp lý tại các khu vực ra vào bến xe, đặc biệt là không thu tiền đối với những hành khách đã có vé đi xe”. Với quan điểm, xã hội hóa bến xe, Công ty đã có đầu tư thích đáng cho nhà vệ sinh, mục tiêu là phục vụ hành khách được tốt nhất. Còn theo ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển ngành nước và môi trường, để có được bến bãi sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi bến xe như hiện nay, ngay từ ngày đầu thành lập Bến xe Nước Ngầm, Công ty đã có hợp đồng chặt chẽ với nhà xe như: Nhà xe phải có trách nhiệm hướng dẫn, nhắc nhở hành khách đi vệ sinh, không được vứt rác bừa bãi ra bến xe. Nhà xe nào để hành khách vi phạm, hay bản thân nhà xe vi phạm sẽ bị phạt hành chính.
Có thể nói, cách làm của Bến xe Nước Ngầm cần được nhân rộng tại các bến xe ở Hà Nội. Chỉ có vậy, các bến xe ở Hà Nội mới hết “mùi bến xe”!
Theo Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT (ngày 31-8-2010) Quy định về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong quy chuẩn bến xe, diện tích khu vực vệ sinh lớn hơn 1% tổng diện tích bến xe. Điều 15, 16 của Thông tư này cũng nêu rõ, trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị quản lý, khai thác, kinh doanh bãi đỗ xe, của chủ phương tiện hoặc lái xe phải bảo đảm vệ sinh môi trường tại bãi đỗ xe.
|
Phóng sự của Lê Xuân Đức