Kiểm tra chất lượng sóng điện thoại di động tại một trạm phát sóng của Viettel.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thông tin liên lạc lại tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải, nghẽn mạng tại một số thời điểm. Tết năm nay liệu hiện tượng nghẽn mạng điện thoại di động, Internet có xảy ra?

Nghẽn mạng di động là điều khó tránh

Mặc dù, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động đều tuyên bố đã chuẩn bị phương án tối ưu để chống hiện tượng nghẽn mạng, “rớt” mạng như đã từng xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán những năm trước, nhưng xem ra nguy cơ nghẽn mạng vẫn rất cao. Theo tính toán, dịp Tết nhu cầu sử dụng di động của các khách hàng tăng đột biến, trung bình gấp 2 lần, thậm chí có thời điểm tăng 5 lần so với những ngày thường.

Ngay những ngày giáp Tết này, hiện tượng quá tải đã diễn ra khi nhiều khách hàng phàn nàn rằng nhiều cuộc gọi phải thực hiện vài lần mới thành công vì máy liên tục báo bận hoặc “ngoài vùng phủ sóng”. Để kiểm chứng, người viết đã thực hiện cuộc gọi luân phiên giữa 3 thuê bao của 3 nhà cung cấp khác nhau. Mặc dù những máy điện thoại di động này đều ở chế độ bật và đặt ngay sát nhau nhưng nhiều lúc tổng đài vẫn báo “ngoài vùng phủ sóng hoặc đang tắt máy”.

Dự đoán trước được tình hình, trước Tết 2 tháng, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tăng thêm 19 tổng đài (dự kiến sẽ đáp ứng được khoảng 25 triệu thuê bao); bổ sung thêm 500 trạm BTS đạt tổng số 7500 trạm. Để tránh nghẽn mạng cục bộ, Viettel đã cho lắp đặt hàng loạt xe phát sóng lưu động tới những điểm lễ hội, nơi tập trung đông người, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố. Viettel còn khẳng định đã lắp đặt mới hệ thống nhắn tin, đảm bảo đáp ứng dung lượng tăng gấp 5 lần hiện tại.

Không chỉ đối với các thành phố, Viettel cũng sẽ nâng cấp mạng ở các tỉnh như Thái Bình, Hà Tây, Bắc Giang, Tiền Giang... Viettel mới đấu nối thêm khoảng 700 luồng E1 với các doanh nghiệp của VNPT để tăng dung lượng kết nối nên dung lượng đủ đáp ứng cho nhu cầu tăng mạnh.

Với VinaPhone, năm 2007, công ty này đã triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cấp, lắp mới tổng đài, mở rộng hệ thống quản lý thuê bao trả trước, mở rộng vùng phủ sóng. VinaPhone khẳng định hiện tại họ là mạng có hệ thống nhắn tin lớn nhất Việt Nam với khả năng đáp ứng 7 triệu SMS/giờ. Đến cuối năm 2007, mạng VinaPhone đã có 5.000 trạm BTS. Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc VinaPhone khẳng định mạng VinaPhone hiện mới hoạt động khoảng 70% năng lực, đủ khả năng dự phòng các trường hợp thuê bao tăng trưởng đột biến. Để tránh nghẽn mạng cục bộ tại những khu vực tập trung đông người, VinaPhone đã lắp đặt 10 xe trạm để bổ sung sóng cho những khu vực này.

Phía MobiFone cho biết, vừa đưa thêm 3 tổng đài MSC mới vào hoạt động và mở rộng thêm 2 MSC nên tăng 20% dung lượng mạng và nâng cấp hệ thống tin nhắn (SMS). Hiện dung lượng mạng MobiFone có thể đáp ứng cho hơn 14 triệu thuê bao. Bên cạnh đó, trong năm qua MobiFone đã đưa thêm khoảng 1.000 BTS mới vào hoạt động để nâng cao chất lượng mạng. Chuẩn bị phục vụ Tết, MobiFone đã lắp đặt 12 xe phát sóng lưu động để tránh nghẽn mạng cục bộ.

Ngoài các đại gia nói trên, các nhà cung cấp “sinh sau đẻ muộn” như S-Fone, EVN cũng đang chuẩn bị tinh thần đối phó với nghẽn mạng dịp Tết. Trong năm vừa qua, S-Fone đã ký kết hợp đồng kết nối với VNPT, Viettel, Hanoi Telecom và EVN. S-Fone cũng đã nâng cấp dung lượng hệ thống tổng đài. Bên cạnh đó, S-Fone luôn có đội ngũ chuyên viên kỹ thuật trực 24/24 cùng với các thiết bị dự phòng nhằm bảo đảm hoạt động của hệ thống.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều thừa nhận hiện tượng nghẽn mạng cục bộ có thể xảy ra vào thời khắc giao thừa, ở những nơi tập trung đông người đi đón xuân tại trung tâm các thành phố lớn, nhưng không ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của toàn hệ thống. Khi xảy ra nghẽn mạng, khách hàng không nên cố gọi hay nhắn tin mà nên “chờ” qua thời khắc giao thừa hãy liên lạc lại.

Có thể yên tâm với chất lượng Internet?

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet như Viettel, VDC hay FPT đều cho rằng sẽ khó xảy ra việc nghẽn mạng Internet trong dịp Tết. Bởi khác với dịch vụ điện thoại cố định, di động, dung lượng sử dụng Internet ngày Tết không khác so với ngày thường, thậm chí sẽ giảm đi bởi phần đông mọi người lo đi chơi Tết nên ít truy cập Internet hơn.

Tuy nhiên, Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) - nhà cung cấp Internet hàng đầu tại Việt Nam cho biết sẽ không vì thế mà chủ quan, lơ là vấn đề phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán. Công ty sẽ bố trí nhân viên để lo xử lý các tình huống có thể xảy ra, hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng.

Tuy đang ở trong thời điểm phát triển bùng nổ thuê bao Internet (năm 2007, VDC phát triển được hơn 500 nghìn thuê bao ADSL, tăng trưởng tới 330% so với năm trước) nhưng các nhà cung cấp đều khẳng định chất lượng không vì thế mà đi xuống. Bởi trong năm qua, các mạng lưới đều được nâng cấp mạnh, sử dụng đường truyền băng thông rộng nên chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Trong năm 2008, VDC sẽ mở thêm băng thông quốc tế hứa hẹn chất lượng Internet của nhà cung cấp này sẽ tốt hơn.

Bài và ảnh: QUANG PHƯƠNG