Cho đến chiều 20/5, cuộc đua tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng (NH) tại TPHCM đã hạ nhiệt sau khi có vài NH đẩy lãi suất huy động lên trên 15%/năm. Bên cạnh cuộc đua lãi suất VND thì nhiều NH cũng đã tăng lãi suất huy động USD lên 8%/năm. Trong khi đó do lãi suất cho vay bị khống chế ở mức 18%, nhiều NH hoặc ngừng cho vay để tính toán lại hoặc “lách” bằng các loại phí…
Cuộc đua tạm dừng?
Những NH đẩy lãi suất hơn 15%/năm như NH Nam Việt với lãi suất 15,50%/năm cho kỳ hạn 24 tháng lĩnh lãi cuối kỳ đang được giới NH đánh giá là “giới hạn cuối cùng để có lãi với lãi suất cho vay 18%”.
GĐ tín dụng một NH cổ phần cho rằng sau vài ngày chạy đua thì các NH đã nhận ra giới hạn và khó có thể đẩy cao hơn nữa nếu muốn đảm bảo có lãi lâu dài.
Ông này nói thêm nếu có NH đẩy lên hơn 16% thì chỉ hút tiền được trong vài ba ngày và sẽ phải nhanh chóng hạ xuống vì NHNN sẽ “thổi còi” và bản thân NH đó cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Tuy nhiên trong ngày 20/5, nhiều NH tại TPHCM vẫn nhích thêm 0,1-0,3%/năm trên biểu lãi suất huy động để khỏi tụt lại trong cuộc chạy đua.
Đáng chú ý là nhiều NH đã không còn công khai bảng lãi suất vì e ngại NH bạn dựa vào để đẩy lên cao hơn và lãi suất thay đổi nhiều lần trong ngày hoặc từng chi nhánh có mức lãi suất chênh lệch như của NH Agribank.
Khách hàng chỉ được biết khi vào giao dịch hay có NH đã thoả thuận lãi suất luôn với khách với mức lãi cao hơn mức công bố 0,2-0,5% tuỳ kỳ hạn và số lượng tiền gửi. Thông tin lãi suất trong hệ thống NH được cập nhật liên tục để Ban GĐ các NH cân nhắc thay đổi lãi suất.
Ông Trần Phương Bình, Tổng GĐ NH Đông Á nhận định: “Nếu lãi suất huy động được đẩy lên cao hơn 15% thì rất khó để tính toán cho vay với lãi suất 18% mà NH vẫn đảm bảo lợi nhuận. Vì vậy tôi nghĩ đa số các NH sẽ dừng lại ở ngưỡng này”.
Trong ngày 20/5, nhiều NH cũng đã “e ngại” chỉ đạo từ NHNNcảnh báo mức lãi suất huy động quá cao nên cũng “nhìn nhau” vừa để tăng lãi suất vừa tạm dừng cuộc đua.
Trong khi cuộc đua lãi suất huy động VND đang quyết liệt thì có NH đã tăng lãi suất huy động USD lên 8%/năm như Nam Việt (kỳ hạn 24%/tháng). Một số NH như VP Bank, Ocean Bank, Đông Á… phổ biến từ 7%.
Tuy nhiên, giới NH nhận định lãi suất huy động USD sẽ còn tăng trong vài ngày tới do nhu cầu vay USD hiện nay của các doanh nghiệp rất cao. Nhiều DN cũng cho rằng vay USD với lãi suất trên 9%/năm thì vẫn có lợi hơn là vay VND.
Nhưng theo nguồn tin của chúng tôi thì cuộc đua lãi suất huy động USD cũng sẽ không thể kéo dài và đẩy cao hơn do ẩn chứa nhiều rủi ro và NHNN hay chính các NH thương mại sẽ có biện pháp ngăn chặn nếu đua quá đà.
Cho vay “lách luật” lãi vẫn cao
Với lãi suất cho vay giới hạn 18%/năm thì nhiều NH đang đối mặt với nguy cơ lợi nhuận giảm nếu huy động trên 15%/năm. Ông Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TPHCM) cho hay cộng các chi phí, dự phòng thì huy động với lãi suất 15%, NH sẽ không còn bao nhiêu lợi nhuận nếu chỉ được cho vay 18%.
GĐ khối khách hàng một NH cũng thừa nhận cộng tất cả các chi phí có thể lãi suất 15% sẽ lên trên 17% và “ NH không còn bao nhiêu lợi nhuận”. Đối phó với tình trạng này, nhiều NH đã lách bằng cách đưa vào các loại phí như phí thu xếp tài chính, phí thẩm định hồ sơ, phí quản lý tín dụng… có khi lên đến 3-4%/năm.
Ông Bùi Minh Chu, GĐ Cty xây dựng Nam Hùng (Q7, TPHCM) cho hay: “Sáng 20/5, nhân viên của tôi đến 3 NH hỏi thì NH nào cũng đồng ý sẽ cho vay 18% nhưng thu thêm phí tính ra đến 19,5-20,5%/năm. Như vậy họ đâu có giảm như NHNN quy định”.
Còn các NH thì nại đây là cách mà nhiều NH trên thế giới vẫn làm, NHNN không cấm nên trước mắt họ vẫn áp dụng. Mặc dù lãi vay “lách” lên vẫn cao nhưng từ khi áp dụng lãi suất huy động mới, nhiều NH đã tạm ngưng hoặc hạn chế cho vay, nhất là vay tiêu dùng, tín chấp, mua nhà, xe hơi.
Nguyên nhân chính là các NH đang chờ xem nguồn vốn huy động có dồi dào, tính toán lại chi phí, lợi nhuận, chờ xem các NH bạn… để đưa ra lãi suất và cách thức vay phù hợp, không phạm luật.
Hà Phan (TP)