QĐND - Phần trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình mặc dù chưa thật rõ ràng nhưng đã thể hiện ý thức trách nhiệm và tinh thần thượng tôn pháp luật của người đứng đầu ngành Tòa án. Tôi cho rằng, để hạn chế oan sai cần tuân thủ triệt để quy trình tố tụng, nhất là tố tụng hình sự; thực hiện nghiêm chức trách, quyền hạn theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

Pháp luật hình sự đã quy định, khi có dấu hiệu phạm tội, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án và tiến hành điều tra vụ án. Sau khi có đủ căn cứ để xác định cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Đồng thời, luật cũng quy định thời hạn, trách nhiệm phối hợp điều tra, xử lý vụ án đối với các cơ quan điều tra hình sự, tòa án, viện kiểm sát… Nếu thực hiện nghiêm quy trình này ngay từ đầu trên tinh thần công minh, tuân thủ pháp luật thì sẽ hạn chế tối đa oan sai, bởi chính các cơ quan này cũng có cơ chế giám sát, phản biện lẫn nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải công khai, minh bạch các vụ án (trừ các án liên quan đến bí mật Nhà nước, an ninh quốc gia). Ở nhiều nước, bản án tuyên ra là chuẩn mực, được xét xử công khai cho dân chúng biết. Hiện tại, ở nước ta chưa có quy định công khai bản án. Đây là điều cần xem xét, sửa đổi nếu không sẽ rất khó khắc phục tình trạng oan sai.

Một vấn đề quan trọng nữa là, cơ chế bắt tạm giam ở nước ta còn lỏng lẻo. Muốn khởi tố bắt tạm giam, cơ quan điều tra phải có căn cứ chứng minh phạm tội, có điều kiện cụ thể. Nhiều trường hợp người dân nghĩ đơn giản hoặc thiếu hiểu biết nên bị cuốn theo suy diễn chủ quan của điều tra viên dẫn đến oan sai. Cho nên, để hạn chế án oan nhất định phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tố tụng từ khâu đầu tiên.

YẾN LONG (lược ghi)