Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Thanh Hải

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã quyết tâm kiềm chế lạm phát và chủ trương không tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống chủ trương trên đang gặp một số trở ngại. Giá một số mặt hàng có lúc còn tăng cao, góp phần tạo nên mặt bằng giá mới.

Nhiều mặt hàng vẫn... tăng giá

Có một thực tế là dù Chính phủ chưa cho phép tăng giá những mặt hàng thiết yếu nhằm đỡ một phần gánh nặng lạm phát trên vai người dân nhưng trên thị trường, các mặt hàng gạo, xi măng, phân bón… đã có những lúc “sốt cao” trong tháng 5. Nhiều hàng hóa, dịch vụ khác như thép, thuốc chữa bệnh, vận tải... vẫn tăng giá. Trong đó, “cơn sốt” gạo qua đi đã để lại nhiều di chứng, như giá gạo vẫn cao hơn trước khi “sốt” 1.000-2.000đ/kg, giá các loại dịch vụ ăn uống chỉ leo lên mà không xuống... Điều đáng nói là các doanh nghiệp (DN) vẫn chấp hành nghiêm lệnh không tăng giá của Chính phủ, nhưng người dân vẫn phải mua hàng với giá cao.
Có nhiều ý kiến cho rằng, mạng lưới phân phối từ nơi sản xuất đến cửa hàng bán lẻ là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng tăng giá này. Đại đa số hợp đồng phân phối sản phẩm là mua đứt bán đoạn. Do đó, hàng ra khỏi nhà máy là DN không kiểm soát được giá phân phối mà đại lý và bạn hàng đã đăng ký. Tính liên kết giữa sản xuất và lưu thông rất yếu, khâu phân phối lại qua nhiều tầng nấc, mạnh ai nấy làm, khó kiểm soát giá. Bên cạnh đó, do khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, thời gian qua hệ thống bán lẻ đã bung ra rất mạnh nên kiểm soát giá bằng cách nào là việc không đơn giản. Hậu quả là khi thị trường có biến động, cơ quan chức năng can thiệp chậm, hoặc không hiệu quả do chưa nắm được hàng hóa và hệ thống phân phối.

Mua đứt bán đoạn cho các đầu mối, thay vì bán thẳng đến tay người tiêu dùng qua hệ thống cửa hàng bán lẻ, đang tạo kẽ hở rất dễ dẫn đến liên kết ngầm để làm giá, trục lợi. Thay vì đem lại lợi ích cho người tiêu dùng như chính sách kìm giá kỳ vọng, lợi nhuận bất chính lại rơi vào tay giới đầu cơ trung gian. Vì thế, cả người tiêu dùng và DN đều thiệt hại.

Rất cần công cụ kiểm soát

Thị trường nội địa lâu nay chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hệ thống phân phối yếu kém, hạ tầng thương mại chưa phát triển, tính liên kết thị trường lỏng lẻo tạo ra sự đứt đoạn trong lưu thông. Với vai trò tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công thương chưa làm tròn trách nhiệm này. Tuy nhiên, Vụ Chính sách thị trường trong nước lại khẳng định, tổ chức hệ thống phân phối là việc của DN và hiệp hội ngành hàng. Bộ chỉ có nhiệm vụ đề ra cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho DN thực thi chứ không thể làm thay DN. Hiện nay, nhiều DN chỉ tranh thủ khai thác lợi nhuận trước mắt, chưa chú trọng đến nhiệm vụ tổ chức mạng lưới phân phối văn minh, hiện đại để nuôi mục tiêu lâu dài. Trong khi đó, các DN sản xuất thép lại cho biết, lâu nay DN chỉ phân phối đến đại lý cấp 1 do họ có vốn lớn để trả tiền trước, thậm chí có đại lý còn ứng tiền trước, lấy hàng sau, giúp công ty quay vòng vốn sản xuất. Nếu bây giờ công ty lại tham gia bán lẻ đến từng người tiêu dùng, có khi vài tháng mới bán hết tấn thép sẽ thiếu vốn để sản xuất tiếp.

Theo các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kiểm soát giá thị trường mới chỉ mang tính hình thức nên không hiệu quả. Hiện nay có 7 cơ quan tham gia quản lý chủ thể kinh doanh nên không có đầu mối chịu trách nhiệm chính. “Cơn sốt” giá một số mặt hàng vừa qua cho thấy, việc cải tổ hệ thống phân phối đã đến hồi cấp bách. Bộ Công thương đã có đề án nâng cấp hệ thống phân phối, trong đó chủ trương nâng cấp các ban quản lý chợ theo hướng đây phải là nơi quản lý, phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong chợ, chứ không chỉ là nơi tổ chức cho thuê chợ lấy tiền. Việc niêm yết giá, bán đúng giá, kiểm soát giá... không thể xử lý được nếu không tổ chức chợ thành một nơi hoạt động mua bán lẻ có bài bản, có tổ chức. Mạng lưới bán lẻ trong chợ, cửa hàng độc lập của hộ kinh doanh cá thể cũng được tổ chức thành một bộ phận cấu thành nằm trong một DN, một hiệp hội ngành hàng nào đó chứ không phát triển theo hướng đặt tất cả ra ngoài vòng pháp luật, có như thế chợ mới là công cụ để kiểm soát giá. Được biết, Bộ Công thương cũng đang lập đề án xử phạt các hành vi đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt, gây bất ổn cho thị trường.

Minh Quang (HNM)