 |
Các nhà máy, xí nghiệp nằm đan xen với khu dân cư thuộc xã Tiền Phong (Mê Linh, Vĩnh Phúc). Ảnh: MINH TRƯỜNG |
LTS: Càng gần đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, sự quan tâm đến Thủ đô càng tăng lên. Dường như “nhất cử, nhất động” của Hà Nội hoặc liên quan đến Thủ đô đều thu hút sự chú ý của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn Thủ đô trong tương lai sẽ lớn mạnh, ngang tầm khu vực. Nhiều bạn đọc đã hỏi báo Quân đội nhân dân về vấn đề mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Đây cũng là một nội dung đang được đặt lên bàn nghị sự của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII. Đáp ứng yêu cầu bạn đọc, từ số báo này, chúng tôi xin giới thiệu những nội dung chính của Đề án quan trọng đó.
Sự chật chội không thể chấp nhận
Lâu nay, các đồng chí lãnh đạo Hà Nội khi giải quyết những vướng mắc về trật tự đô thị, quy hoạch phát triển thường bày tỏ sự mong muốn thoát khỏi tình cảnh “dở khóc, dở cười”: Bao quanh là các khu công nghiệp tập trung, đô thị mới trong trạng thái bùng phát nhưng manh mún; nội đô thiếu quỹ đất xây dựng những dự án lớn, tầm quốc gia và khu vực.
Nói đến giao thông thì hầu như ai cũng phải lắc đầu vì sự quá tải, mất cân đối giữa đường sá chật hẹp với sự gia tăng đến chóng mặt các loại phương tiện vận tải. Nhiều loại hình giao thông dùng chung một mặt đường. Tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông xảy ra thường ngày, nhất là ở các nút giao thông, tuyến đường vành đai, đường vào thành phố. Nguy cơ tai nạn giao thông hầu như là thường trực, không chừa ai, dù người đó chấp hành đúng luật lệ trên đường.
Mật độ đường tính theo 1km2 rất thấp, chỉ 1,2km, tỷ lệ diện tích giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị chỉ chiếm khoảng 7%, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh chỉ chiếm 0,5% so với yêu cầu là 3%; tỷ lệ vận tải khách công cộng chỉ đạt khoảng 7% mà tiêu chuẩn tối thiểu là 10%. Các cơ quan, tổ chức của trung ương và Hà Nội, nhất là trường học, trung tâm văn hóa, công trình công cộng chủ yếu vẫn ở các quận nội thành cũ, chỉ riêng việc đi lại, giao dịch cũng gây sức ép lớn cho giao thông. Chưa kể vệ sinh môi trường rất khó bảo đảm.
Sự chật chội đó càng thêm gay gắt khi so sánh với quá trình phát triển và vị thế Thủ đô. Nay, diện tích tự nhiên Hà Nội mới có 921km2, gần 3,5 triệu người đăng ký hộ khẩu và khoảng 2 triệu người thường xuyên lưu trú. Thành phố có 14 đơn vị hành chính, gồm 9 quận và 5 huyện. Nếu so với cả nước thì tổng sản phẩm của Hà Nội chiếm 9,3% tổng sản phẩm cả nước; thu ngân sách chiếm hơn 14,7%; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm gần 15%; xuất khẩu chiếm gần 9%. Thế nhưng diện tích ở trung bình mỗi người chỉ khoảng 10m2; tỷ lệ cấp nước chỉ đạt hơn 60%; tỷ lệ thu gom rác thải tuy đạt 84% nhưng chủ yếu mới là chôn lấp. Số giường bệnh tính theo 1.000 dân là 1,8, dù đã có tới 31 bệnh viện nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu. Tuy có tới hơn 100 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề với số lượng sinh viên lên tới gần 56 vạn người, nhưng hầu hết đều tập trung tại các cơ sở cũ, diện tích nhỏ hẹp, thiếu công trình phục vụ. Các trường đại học ở đây có nhu cầu mở rộng diện tích lên đến 350ha. Môi trường sống ngày càng bị bó hẹp. Chỉ tiêu cây xanh công viên toàn thành phố chỉ chiếm 5,54m2/người, nhưng khu vực nội đô tỷ lệ này giảm chỉ còn 0,9m2/người. |
Không thể tồn tại mãi một Hà Nội-Thủ đô bị bó hẹp như vậy về địa giới hành chính và không gian kiến trúc. Điều này không phải bây giờ mọi người mới nhận thấy song chưa có điều kiện và hoàn cảnh để xử lý một cách “đến nơi, đến chốn”.
Cần có Thủ đô-đô thị hiện đại, năng động và hiệu quả
Đó là yêu cầu khái quát nhất đối với việc xây dựng Hà Nội trong tương lai không xa. Tờ trình của Chính phủ với Quốc hội khẳng định: Thủ đô Hà Nội phải là biểu trưng của quốc gia, trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, một trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa-khoa học-đào tạo-kinh tế, trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế, một đô thị hiện đại, năng động và hiệu quả có tầm khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Khi nghiên cứu thủ đô các nước tiên tiến, các nhà lãnh đạo và chuyên gia nhận thấy, tùy đặc điểm truyền thống, lịch sử, văn hóa của mỗi nước mà có thể quy hoạch và xây dựng theo kiểu “đơn chức năng” hay “đa chức năng”. Nếu là “đơn chức năng” thì thủ đô chỉ giữ vai trò trung tâm chính trị-hành chính quốc gia; còn “đa chức năng” thì thủ đô là trung tâm chính trị-hành chính văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế của quốc gia. Hà Nội vẫn có nét riêng mà theo các nhà sử học thì đã được hình thành một cách tự nhiên là loại hình “đa chức năng”, trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, chính trị, thuận lợi cho phòng thủ được nhiều triều đại tiếp nối nhau xây dựng, phát triển. Trong Nghị quyết 15, Bộ Chính trị chỉ rõ: Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế...
Các chuyên gia tính rằng, đến năm 2020, dân số đô thị Hà Nội và các đô thị xung quanh trong phạm vi nghiên cứu điều chỉnh chung khoảng 4,5 đến 5 triệu người và sẽ lên tới khoảng 7-8 triệu trong vài chục năm tiếp theo. Nếu không chuẩn bị không gian đủ cho một thành phố lớn thì chắc chắn Hà Nội sẽ không có quỹ đất đủ cho một đô thị hiện đại cho hàng trăm năm sau. Những giải pháp xây dựng quá tập trung với các tòa nhà cao tầng, hệ thống đường khác cốt đa tầng vào khu nội đô sẽ dẫn đến nguy cơ phá hủy những không gian riêng biệt của Hà Nội vốn rất đẹp với các di sản kiến trúc, không gian mặt nước, cây xanh hiện nay và tình trạng ùn tắc giao thông sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Hà Nội cần và có thể được xây dựng ngang tầm với thủ đô các nước trong châu lục. Thủ đô của chúng ta phải trở thành đô thị hoạt động có hiệu quả bền vững, tính cạnh tranh cao, phát triển những trung tâm đô thị đủ sức cho Vùng Thủ đô và quốc gia. Có những dịch vụ cao cấp đáp ứng cho cả du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều đó giúp Thủ đô vững vàng phát triển trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới và kinh tế thị trường. Xây dựng hình ảnh một đô thị có lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng; quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, tự chủ và phân quyền hợp lý cho các đô thị trực thuộc; cải thiện chất lượng và điều kiện cuộc sống cao hơn; xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ.
Muốn vậy, Hà Nội cần được mở rộng thành một tổng thể đa trung tâm, cấu trúc hoàn chỉnh hiện đại, gồm đô thị trung tâm chính và các thành phố vệ tinh, tạo các cực phát triển mới. Tạo ra một tổng thể không gian năng động, các khu phát triển tập trung, hòa hợp và nâng cao giá trị các vùng địa lý cảnh quan tự nhiên sông hồ-đồi núi và lịch sử văn hóa đặc trưng. Sẽ có một tổng thể bền vững, phát triển hiệu quả trong sử dụng đất đai theo hướng bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo tồn các vành đai nông nghiệp, rau quả phục vụ đô thị. Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Trong đó, vùng nội thành Hà Nội hiện nay sẽ là vùng đô thị bảo tồn, có tính lịch sử-văn hóa truyền thống. Vùng nội thành tiếp tục được cải tạo, chỉnh trang và hoàn chỉnh cảnh quan đô thị, xây dựng các trung tâm tài chính, thương mại hiện đại, đẳng cấp quốc tế, cải tạo và giãn dần dân cư tại các khu nhà thấp tầng, thiếu tiện nghi ra khu vực xung quanh. Mục đích là cải thiện môi trường đô thị khu vực trung tâm thực sự là hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô.
Còn những khu đô thị, vùng giãn dân, các trung tâm nghiên cứu khoa học, khu hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa-giải trí tầm quốc gia, quốc tế, vành đai chức năng... cần được xây dựng trên diện tích đất đai khác, không gian khác.
Chính phủ cho rằng: Để có được Thủ đô tương xứng theo định hướng quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trước mắt cũng như lâu dài thì việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội hiện nay là đòi hỏi khách quan, cần được triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Đó cũng là mong muốn chung của nhiều cử tri mà chúng tôi đã gặp. Song quyết định sẽ triển khai thế nào, bao giờ, mức độ đến đâu còn chờ Quốc hội quyết định.
(Còn nữa)
VIỆT ÂN và HẠNH NGUYÊN