Lao động thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Ảnh minh hoạ: Internet

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã thực sự vươn “vòi” đến từng quốc gia, bất chấp lớn nhỏ, giàu nghèo, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã có sự chuẩn bị từ cuối năm 2008 và ngay từ đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một thông điệp có tính chất hiệu triệu, nhằm tập trung sức dân: “Nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”.

Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất của “cái vòi bạch tuộc” là hàng nghìn lao động bỗng nhiên mất việc làm, mất nguồn thu nhập kinh tế hộ gia đình, kéo theo hàng loạt hệ lụy khác: giảm sức mua, sản xuất đình trệ, lại cắt giảm lao động. Tức là hình thành một dòng xoáy đe dọa, có nguy cơ xâm hại tới mọi nền tảng kinh tế. Điều gì đã xảy ra với các địa phương có số đối tượng lao động bị mất việc và làm thế nào để tạo ra việc làm có thu nhập trở lại cho họ? Đó là vấn đề lớn, cần có sự chỉ đạo thống nhất, đúng đắn ở tầm vĩ mô và cách làm cụ thể, thiết thực ở mỗi địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

Đặc điểm chung của đa phần người lao động vừa bị mất việc là đều ở độ tuổi thanh niên, một số ít mới lập gia đình, chưa có con hay mới có con nhỏ. Đó là lớp đối tượng trụ cột về sức sản xuất của bất cứ một nền kinh tế nào. Họ là những người vừa thoát ly khỏi địa phương đi các nơi làm việc, suy thoái kinh tế khiến nhu cầu lao động ở đó sụt giảm và họ bị mất việc, phải về nhà. Công việc ở địa phương vốn không nhiều là nguyên nhân chính khiến họ phải ra đi, nên giờ đây, số lao động dôi dư tạo sức ép lên địa phương về nhiều mặt, đặc biệt là về trật tự xã hội mà nguồn gốc sâu xa là sự mất ổn định kinh tế hộ gia đình. Có câu “nhàn cư vi bất thiện”, quản lý số lao động dôi dư này là phần việc chẳng dễ dàng gì của bài toán kinh tế, xã hội đối với bất cứ địa phương nào.

Tuy nhiên, trong 5 nhóm giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhằm mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhóm giải pháp “về các chính sách an sinh xã hội” (bảo hiểm thất nghiệp, triển khai hỗ trợ 61 huyện nghèo và các vùng bị thiên tai…), có thể hỗ trợ các địa phương nếu biết chủ động tìm ra hướng khắc phục cụ thể cho riêng mình. Theo đó, các địa phương (đặc biệt ở 61 huyện nghèo và khu vực thiên tai) cần thành lập một tiểu ban chuyên trách về “lao động mất việc làm”, quy tụ số lao động dôi dư nói trên trong một tổ chức nhằm tương trợ nhau bằng những biện pháp cụ thể theo đặc thù của từng địa phương. Chẳng hạn, nếu là vùng nông nghiệp thì triển khai các lĩnh vực “cận nông” như khai thác đầm ao chăn thả tôm cá, quy hoạch trang trại trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc... Nếu là vùng phi nông nghiệp thì tổ chức tìm kiếm các ngành nghề mới phù hợp với địa phương mình... Nếu là vùng ven biển thì tương trợ nhau sắm ngư cụ, hay các công cụ sản xuất phù hợp với việc mở mang ngành nghề phụ yêu cầu nhiều nhân công, hỗ trợ cho sản xuất truyền thống ở địa phương...

Điều cốt yếu ở đây có lẽ là tính chuyên nghiệp của các nhóm chuyên trách ở từng địa phương. Họ phải thực sự biết việc, có lòng nhiệt thành và biết quy tụ con người. Bản thân các lao động mất việc làm luôn có mong muốn làm việc, muốn có thu nhập trở lại như họ đã từng có. Ít nhiều, họ cũng đã có ý thức lao động trong một tổ chức và đánh giá được giá trị sức lao động của mình, nên có thể dễ tập trung họ lại trong một đội ngũ có kỷ luật. Ngoài ra, cái gọi là “vạn sự khởi đầu nan” thì đã có sự hỗ trợ của chính sách “an sinh xã hội” như đã nói ở trên.

“Dựa vào sức dân” luôn là bài học có ý nghĩa mà Bác Hồ đã luôn nhắc chúng ta khi đất nước gặp “cơn bĩ cực”. Rõ ràng, vấn đề lao động mất việc làm tuy khó, nhưng không phải là không có hướng khắc phục, nếu từng địa phương biết tự mình vạch ra một lộ trình hợp lý, khoa học và từng bước thực hiện nó. Đó là cách tốt nhất để nền kinh tế Việt Nam tránh được nguy cơ thiểu phát, ngăn chặn suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay và từng bước phát triển mạnh mẽ trở lại trong thời gian tới.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Hùng (Học viện Kỹ thuật quân sự)