QĐND - Nằm trong  khuôn viên của Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), thị trấn Tân Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang) giống như một khu “Resort” nhỏ ẩn mình trong thung lũng. Dọc lối vào thị trấn là những “vi-la” 2-3 tầng xinh xắn hai bên đường, những hàng cây bằng lăng, phượng vĩ, những cột đèn cao áp hút tầm mắt về phía xa... Ít ai biết khu “Resort” vùng sơn cước này lại là “sản phẩm” của sự chung tay, góp sức từ những người lính thợ Z113 trong những năm qua.

Lễ bàn giao công trình cổng-biển-tường rào do nhà máy xây tặng Trường THCS Trần Phú

Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Bình, Bùi Văn Tuyên dẫn chúng tôi xuống thăm các công trình phúc lợi như nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa, trạm biến áp… do Nhà máy Z113 xây dựng, hỗ trợ cho thị trấn những năm qua. Anh cho biết, nếu thống kê về sự chung tay, góp sức của nhà máy trong xây dựng thị trấn, nhất là khi nhà máy hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” thì đã có con số rất lớn. Nào là kinh phí xây dựng đường trục chính trải bê tông nhựa trung tâm thị trấn, hệ thống đèn cao áp, đường điện, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao (có sức chứa 1000 người). Trường mầm non (đạt chuẩn quốc gia), trạm y tế… Rất nhiều công trình công cộng hiện nay của thị trấn đều có bàn tay, công sức của cán bộ, công nhân-người lao động nhà máy. 

Nhìn những cột đèn cao áp hai bên đường, những hàng phượng vĩ, bằng lăng hút tầm mắt trong chiều hè yên ả, mấy ai biết để có được khu “Resort” yên tĩnh nơi vùng núi xa xôi này, cán bộ, công nhân-người lao động nhà máy đã bỏ ra biết bao mồ hôi, công sức để cùng với địa phương tạo dựng. Theo Đại tá Nguyễn Văn Long, Chính ủy-Phó trưởng ban chỉ đạo phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” Nhà máy Z113: Mỗi năm nhà máy hỗ trợ cho bà con thị trấn từ 1,5 đến 2 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, nhà máy đã giúp đỡ, ủng hộ thị trấn gần 3 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường ống cấp nước sạch sinh hoạt cho hai tổ dân phố số 3 và số 9 (tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng), tường rào cho Trường THCS Trần Phú là 210 triệu đồng, số còn lại đã dùng làm đường bê tông nông thôn (địa bàn thôn Khe Cua, xã Đội Cấn huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), hệ thống điện Trường THPT Sông Lô, Hội trường thị trấn Tân Bình, tượng đài Bác Hồ… Đó là chưa kể kinh phí hỗ trợ xây dựng, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập cho các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn và các phần quà cho các đối tượng chính sách, người cao tuổi, các cháu tật nguyền trên địa bàn.

Công nhân Nhà máy Z113 cải tạo đường điện sinh hoạt cho các khu dân cư của thị trấn Tân Bình.

Thị trấn Tân Bình có 1.437 hộ dân với hơn 4.600 nhân khẩu thì đến nay 100% số hộ gia đình đã có điện chiếu sáng và nước sạch sinh hoạt. Điều bất ngờ là toàn bộ nước sạch bà con nhân dân dùng hiện nay đều do Nhà máy Z113 cung cấp. 99,2% đường trục chính và đường vào các ngõ xóm, khu phố cũng dược Nhà máy giúp đỡ trải nhựa và bê tông hóa. Năm 2000, thị trấn còn 12 hộ nghèo/1.437 hộ dân thì đến nay chỉ còn một hộ. Chiến công “xóa nghèo” cũng đều có sự chung tay, góp sức của nhà máy. Theo Trung tá Nguyễn Tuấn Khương, Chủ nhiệm Chính trị nhà máy thì từ nay đến cuối năm 2012, nhà máy sẽ hỗ trợ kinh phí để xây dựng tiếp 4 nhà văn hóa trong khu phố, bảo đảm 11/11 nhà văn hóa các tổ dân phố thị trấn được xây mới, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, sinh hoạt của người dân. Nhà máy cũng đã phối hợp với thị trấn bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quản lý các cháu học sinh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Chúng tôi được biết, từ nay đến hết năm 2015, nhà máy sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cấp ủy, các đơn vị, tổ chức trong thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đối với địa phương; nhất là việc xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở... theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt theo tiêu chuẩn nông thôn mới để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh tế, thu nhập người dân trên địa bàn thị trấn những năm tiếp theo.

Hoàng Gia Minh