QĐND Online – Sáng 24 – 3, tại thành phố Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến đầu tư vùng Duyên hải miền Trung”.
Với cương vị là khách mời, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Thừa Thiên Huế có dân số 1,1 triệu người; có hệ thống giao thông, đường bộ, đường sắt; có cảng nước sâu Chân Mây, cảng hàng không quốc tế Phú Bài, nên có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn thiện. Trong thực hiện chính sách của Chính phủ, Thừa Thiên-Huế dành ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư như về đất đai, thuế. Thừa Thiên-Huế hết sức quan tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực, một lợi thế cạnh tranh của miền Trung. Tỉnh đầu tư hoàn chỉnh các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính. Là một tỉnh du lịch, Thừa Thiên-Huế cũng dành nhiều ưu tiên để thu hút đầu tư vào công nghệ xanh, sạch, có giá trị gia tăng cao, tập trung các lĩnh vực sử dụng nhiều nhân lực như dệt may, chế biến.
 |
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm |
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thì tỉnh đang tập trung thu hút nhiều dự án lớn. Dự án đầu tiên là dự án lọc hóa dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Thái Lan, đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Bình Định đã tiến hành đàm phán gần 2 năm nay và đang trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Ngoài ra, còn có nhiều dự án công nghiệp và du lịch trọng điểm. Trong đó, có 2 dự án du lịch, được tỉnh tạo điều kiện tối đa là khu du lịch Hải Giang do Tập đoàn VinGroup đầu tư, dự kiến khởi công vào ngày 30-3 tới đây; tiếp đến là khu du lịch Vĩnh Hội do một doanh nghiệp Mỹ đầu tư với số vốn 250 triệu USD trên diện tích 300ha. Để thu hút đầu tư, tỉnh phải chuẩn bị sẵn sàng 4 công việc: Quy hoạch phải có sẵn; cơ sở hạ tầng phải có sẵn; chuẩn bị sẵn chính sách, không thay đổi để nhà đầu tư yên tâm; chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, đón đầu các dự án lớn.
Ở các tỉnh miền Trung, khó nhất trong thu hút đầu tư là cơ sở hạ tầng, do khu vực này cách xa hai đầu đất nước, chạy dài trên địa hình phức tạp, làm cho giao lưu giữa các địa phương khó khăn. Vì vậy, để tạo được hệ thống giao thông đồng bộ thì cần có hợp tác, từng địa phương cần nỗ lực nhưng cũng rất cần sự quan tâm của Trung ương. Ví dụ từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định chỉ có một con đường độc đạo, trong khi đó đường đã xuống cấp nghiêm trọng… Vì vậy, cần phải hoàn thiện hệ thống giao thông, trước hết là đường cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A.
 |
Cảng Đà Nẵng, một trong những thế mạnh về phát triển kinh tế
|
Bàn về vấn đề chung tay phát triển miền Trung, các ông Lê Trường Lưu, Hồ Quốc Dũng đều thống nhất cho rằng: Liên kết là vấn đề bức thiết. Cái khó của miền Trung là nguồn lực hạn chế. Miền Trung trải dài nên không thể lấy một tỉnh nào để làm động lực. Do vậy, liên kết phải bắt đầu từ quy hoạch, không thể tiếp tục tình trạng tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, hạ tầng giống nhau, lĩnh vực kinh tế giống nhau. Các địa phương cần bắt đầu từ quy hoạch, lãnh đạo các tỉnh miền Trung phải ngồi lại xem lại lợi thế của mình và lựa chọn hướng đi.
Theo ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để liên kết, cần thực hiện hai bước là tạo đồng thuận và nâng cấp đồng thuận đó. Hiện các tỉnh miền Trung đã có được sự đồng thuận, 9 tỉnh trong khu vực đã ngồi lại với nhau để tạo bức tranh chung. Theo ông Vân, để bắt đầu liên kết, cần xem lại quy hoạch khu vực, quy hoạch của từng tỉnh để viết lại kịch bản tổng thể nhằm phân vai cụ thể cho từng tỉnh về công nghiệp, hóa dầu, du lịch… Cũng theo ông Vân thì không nên dồn các dự án công nghiệp nặng về Đà Nẵng, còn công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô nên tập trung vào Khu kinh tế biển Chu Lai (Quảng Ngãi)…
Bài và ảnh: TÙNG LÂM