QĐND - Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu giảm mạnh, chỉ còn bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu. Đó là hai con số đầy ấn tượng về thành tựu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất, nhập khẩu hiện vẫn còn không ít khó khăn, thách thức và vướng mắc, cần tháo gỡ…
Bứt phá ngoạn mục về xuất khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 của cả nước ước đạt 7,8 tỷ USD, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 tăng cao và có sự bứt phá ngoạn mục so với năm trước, một mặt do lượng xuất khẩu một số mặt hàng tăng như: Cà phê tăng 29,1%; gạo tăng 15,9%; sắn và sản phẩm sắn tăng 40,4%; cao su tăng 17,7%... Mặt khác, do giá trên thị trường thế giới một số mặt hàng tăng cao như: Giá hạt tiêu tăng 72,2%; cao su tăng 62%; cà phê tăng 57,3%; hạt điều tăng 42,3%; dầu thô tăng 41%; sắn và sản phẩm sắn tăng 33%... Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 14,7%.
 |
Xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đoàn Hoài Trung |
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực 6 tháng đầu năm nay đều có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng dệt may đạt 6,1 tỷ USD, tăng 28,4%; dầu thô đạt 3,4 tỷ USD, tăng 26,2%; giày dép đạt 3 tỷ USD, tăng 31%; hàng thủy sản đạt 2,6 tỷ USD, tăng 28%; gạo đạt 2 tỷ USD, tăng 13,4%; cà phê đạt 1,9 tỷ USD, tăng 103%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,8 tỷ USD, tăng 15,4%; cao su đạt 1,3 tỷ USD, tăng 90,4%... Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó thay đổi lớn là tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm sản tăng từ 16% lên 21,1%, chủ yếu do tăng đơn giá sản phẩm; nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản giảm từ 30,2% xuống 29,5%; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm từ 43,5% xuống 41,3%...
Hàng không khuyến khích nhập vẫn tăng
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 6 của cả nước ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả nước đạt 49 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2010. Giá nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao là một trong những nguyên nhân đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng, trong đó giá bông tăng 106,8%, giá xăng dầu tăng 43,8%, giá sợi dệt tăng 38,5%, giá lúa mì tăng 40,6%, giá khí đốt tăng 21,6%, giá chất dẻo tăng 18,8%... Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng 15,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là có một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu vẫn tăng cao, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 593 triệu USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng tăng từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2010 lên 8,2% trong 6 tháng đầu năm 2011.
Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 6,65 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, có nguyên nhân do tái xuất vàng. Nếu loại trừ vàng, nhập siêu 6 tháng đầu năm ước tính 7,5 tỷ USD, tương đương 18,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Bao giờ Việt Nam cân bằng được cán cân thương mại?
Đó là trăn trở của nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế và đông đảo nhân dân Việt Nam. Mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2010 của chúng ta không những không đạt được mà lại mất cân bằng nghiêm trọng hơn. Tại cuộc Hội thảo Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tiến sĩ Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại phân tích: “Nếu như năm 2001, tỷ lệ nhập siêu chiếm 7,9% so với kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2010, tỷ lệ này đã là 17,47%. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ lệ nhập siêu tăng lên rõ rệt”.
 |
Xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đoàn Hoài Trung. |
Cũng tại cuộc Hội thảo nói trên, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Đối với xuất khẩu, do chúng ta không có những mặt hàng thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng mà thế giới cần nên khó có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Còn đối với nhập khẩu, vì chúng ta không có những mặt hàng đó nên thế giới sẽ trút những mặt hàng đó vào Việt Nam. Cho nên, cần phải xem xét sự chuyển dịch của các quốc gia, thị trường trên thế giới để định vị vai trò của xuất nhập khẩu trong chính sách và chiến lược của Việt Nam, bên cạnh đó là định vị thị trường, định vị đối tác, định vị mặt hàng”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh nhận xét: Tăng trưởng xuất khẩu cao và tương đối ổn định trong nhiều năm đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, xuất khẩu giai đoạn vừa qua phát triển chưa bền vững, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động giá rẻ. Chính sách phát triển xuất khẩu quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa quan tâm thực sự đến chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, muốn phát triển bền vững thì phải ổn định vĩ mô, trong đó, vai trò của thương mại là làm sao thu hẹp chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng đương nhiên đây không phải là trách nhiệm riêng của ngành thương mại mà phải làm ngay từ trong cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản xuất.
Cần tháo gỡ ngay khó khăn cho xuất khẩu và quyết liệt kiềm chế nhập siêu
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 vừa được tổ chức tại Hà Nội, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu đã được bàn. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, 6 tháng qua, mặc dù đạt được những kết quả bước đầu rất đáng mừng trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh được giữ vững… Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế nhất định, trong đó nhập siêu vẫn còn ở mức cao. Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát nhập siêu cả năm không quá 16% kim ngạch xuất khẩu. Để đạt được chỉ tiêu này, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương phải hướng mạnh vào hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu đối với những sản phẩm có thế mạnh của đất nước; kiên quyết thực hiện hiệu quả các biện pháp để giảm nhập siêu; kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã kiến nghị giải pháp để hạn chế nhập siêu 6 tháng cuối năm 2011: “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục tìm kiếm để mở rộng thị trường xuất khẩu. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, không thiết yếu, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của hàng nội địa về giá cả, mẫu mã, tính năng nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nội địa ra thị trường thế giới, nhờ đó giảm nhập siêu”.
Các Bộ: Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét và sẽ ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và hàng xa xỉ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ… để hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đi vào quỹ đạo bền vững.
Đỗ Phú Thọ